Đó là một trong những ý kiến trao đổi được nêu tại buổi góp ý dự thảo Luật Phòng chống mua bán người, do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 19-9.
Thế nào là mua bán người?
Tại buổi góp ý, luật sư Trương Thị Hòa đồng tình khi đưa nội dung cấm mua bán bào thai vào trong dự thảo luật. Bà Hòa cho biết theo quy định pháp luật, bào thai chưa phải là người. Một đứa trẻ sinh ra nếu sống đủ 24 tiếng, sau đó chết lúc đó mới được làm khai sinh, khai tử, nhưng nếu chết trước 24 giờ sẽ không làm, trừ trường hợp cha mẹ có yêu cầu.
Do đó, vấn đề là mua bán bào thai không thể gọi là đối tượng mua bán người. Khi xác định chưa phải là người thì không thể thành đối tượng, nạn nhân.
Không chỉ vậy, theo bà Hòa, trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật này có đề cập đến vấn đề tại Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Có thể thấy mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không phải mua bán bào thai.
Tương tự như trường hợp người nước ngoài muốn xin con nuôi, đôi khi họ xin từ khi đứa trẻ còn trong bào thai để khi sinh ra với điều kiện còn sống họ sẽ nhận làm con nuôi, cũng không phải hành vi mua bán người.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên - đại diện Sở Tư pháp, việc bổ sung nội dung cấm mua bán bào thai vào dự thảo chưa khớp với phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống mua bán người mặc dù hiện trạng này rất nhức nhối, không thể chấp nhận.
Bà Liên cho rằng trong trường hợp nếu bổ sung thì cần điều chỉnh phạm vi điều chỉnh. Thay vì chỉ nói luật này quy định việc “xử lý hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người” có thể mở rộng thành “xử lý hành vi mua bán người, hành vi khác nhằm mục đích mua, bán người”.
Cần xem xét việc liệt kê cụ thể các loại hình kinh doanh trong luật
Cũng tại buổi góp ý, bà Nguyễn Thị Kim Liên trăn trở về điều khoản quy định trách nhiệm quản lý của các cơ quan trong việc phòng ngừa loại tội phạm này. Điều khoản có liệt kê việc quản lý của các cơ quan hướng tới các hoạt động kinh doanh dịch vụ như karaoke, vũ trường, casino. Việc này khiến nhiều người hình dung đây là các loại hình đang có các nguy cơ nhất định trong việc phát sinh các vấn đề liên quan loại tội phạm này.
“Cần xem xét kỹ việc liệt kê các loại hình kinh doanh như vậy có phù hợp không. Bởi khi ta liệt kê một loạt ra như vậy sẽ có sự kỳ thị nhất định trong xã hội trong khi hành vi là hành vi của con người, bản thân loại hình dịch vụ không biến nó thành hành vi vi phạm pháp luật được”, bà Liên chia sẻ.
Đại tá Bùi Thành Chung - Đại học Cảnh sát nhân dân TP.HCM - cho biết để cấu thành tội mua bán người quy định cần một trong ba nhóm thủ đoạn gồm dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi phạm tội. Trong thủ đoạn khác có quy định về thủ đoạn vô nhân đạo khi ép nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các nạn nhân khi bị lừa đưa sang nước ngoài làm việc để trả lương cao, nạn nhân bị mua bán người sau đó lại trở thành thủ phạm vi phạm pháp luật ở quốc gia khác khi họ tự nguyện làm việc trái pháp luật và việc đó mang lại lợi ích cho bản thân.
Vì vậy ông Chung đề nghị bổ sung vấn đề này vào yếu tố “thủ đoạn khác” trong việc xác định hành vi mua bán người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận