13/10/2011 10:21 GMT+7

Có thể yêu cầu công ty chi trả cổ tức?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành

TTO - * Tôi có mua cổ phiếu của một công ty cổ phần có trụ sở đặt tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Công ty hoạt động trong ngành viễn thông, có vốn điều lệ 3,5 tỉ đồng, trong đó 49% thuộc Tập đoàn Bưu chính Việt Nam, 51% còn lại do cán bộ công nhân viên nội bộ công ty và trong ngành viễn thông tại tỉnh Bạc Liêu nắm.

Công ty thành lập và hoạt động từ đầu năm 2006. Các năm 2006, 2007 công ty có tiến hành đại hội cổ đông và chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng liên tục ba năm 2008, 2009, 2010 công ty không chia cổ tức cho cổ đông, không tiến hành đại hội cổ đông, đồng thời không thông báo kết quả sản xuất kinh doanh cho cổ đông.

Xin hỏi tôi có thể làm thủ tục để rút vốn khỏi công ty này hay không? Nếu cần khởi kiện để đòi lại tiền, tôi có thể xin tư vấn thủ tục ở đâu, trình tự như thế nào?

(Anh Tuấn, Bạc Liêu)

- Theo quy định tại khoản 1 điều 80 Luật doanh nghiệp năm 2005 thì cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Do đó, bạn không thể rút vốn khỏi công ty mà chỉ có thể bán lại cổ phần của bạn cho người khác hoặc cho chính công ty.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 điều 90 Luật doanh nghiệp năm 2005 thì chỉ trong trường hợp "cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại điều lệ công ty, có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần”. Vì vậy bạn chỉ được quyền bán lại cổ phần của bạn cho công ty đúng theo điều kiện được quy định tại khoản 1 điều 90 Luật doanh nghiệp năm 2005; hoặc bạn chỉ có thể bán lại cổ phần của bạn cho người khác.

Về vấn đề chia cổ tức, theo khoản 2 điều 93 Luật doanh nghiệp 2005, công ty cổ phần chỉ tiến hành chi trả cổ tức cho cổ đông khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau: “Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn”.

Do đó, nếu trường hợp công ty làm ăn không có lợi nhuận thì bạn không thể yêu cầu công ty chi trả cổ tức cho bạn được.

Về việc khởi kiện công ty, pháp luật doanh nghiệp không có quy định về việc cổ đông được quyền khởi kiện yêu cầu công ty cổ phần trả lại vốn góp cho cổ đông.

Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Theo điều 25 nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1-10-2010 về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp thì quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) được quy định như sau:

1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn sáu tháng có quyền yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) trong các trường hợp sau đây:

a) Thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của hội đồng quản trị; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;

b) Thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) đã lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 1 điều 25 nghị định 102/2010/NĐ-CP, ban kiểm soát phải trả lời bằng văn bản xác nhận đã nhận được yêu cầu khởi kiện và tiến hành các thủ tục khởi kiện theo yêu cầu.

3. Trường hợp ban kiểm soát không khởi kiện theo yêu cầu quy định tại khoản 2 điều 25 nghị định 102/2010/NĐ-CP hoặc trong công ty cổ phần không có ban kiểm soát thì cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 1 điều 25 nghị định 102/2010/NĐ-CP có quyền trực tiếp khởi kiện thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc).

Chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, bạn có quyền khởi kiện thành viên hội đồng quản trị công ty liên quan đến việc hoạt động của công ty tại tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi công ty có trụ sở (khởi kiện thành viên hội đồng quản trị công ty không tiến hành triệu tập đại hội cổ đông, không thông báo kết quả sản xuất kinh doanh cho cổ đông).

Về trình tự, thủ tục khởi kiện, bạn thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp