26/09/2014 06:04 GMT+7

​Có thể thoát nghiện bằng methadone

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY

TT - Sau thời gian triển khai điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone, đã có người ngưng hẳn điều trị và trở về sống, làm việc như người bình thường.

Uống methadone tại điểm phát thuốc của Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 - Ảnh: Vũ Thủy
Uống methadone tại điểm phát thuốc của Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 - Ảnh: Vũ Thủy

 

Theo các bác sĩ và chuyên gia y tế, ý kiến cho rằng điều trị bằng methadone sẽ gây nghiện suốt đời là thiếu tính khoa học. Tuy nhiên, việc điều trị thành công còn tùy thuộc nhiều yếu tố như công ăn việc làm, quyết tâm cai nghiện và cả khả năng đáp ứng thuốc của từng người.

Đánh bại “cái chết trắng”

Đầu tư 1, tiết kiệm 7

Theo bà Phan Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, methadone có khả năng làm giảm 85% nhu cầu tiêu thụ ma túy, cải thiện sức khỏe cho người sử dụng, phòng tránh lây nhiễm HIV, viêm gan, giang mai... Đặc biệt, methadone giúp giảm 80% tệ nạn xã hội và mâu thuẫn gia đình liên quan đến ma túy. Mỗi bệnh nhân điều trị bằng methadone chỉ tốn 6-8 triệu đồng/năm - một chi phí nhỏ so với 80 triệu đồng mua ma túy. Nếu cả nước có 80.000 người nghiện được đưa vào chương trình thì sẽ tiết kiệm khoảng 66.000 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra theo tính toán, cứ 1 USD đầu tư cho chương trình methadone sẽ tiết kiệm 7 USD cho vấn đề an ninh, trật tự, xã hội, sức khỏe và những chi phí tiêu tốn khác về sau.

Sau một ngày chở hàng, chiều tối anh L.T.D. (29 tuổi, ngụ P.6, Q.8, TP.HCM) mới về đến nhà, vui vẻ quây quần ăn bữa cơm chiều với mẹ, vợ và con trai nhỏ mới 18 tháng tuổi đang bi bô tập nói hai tiếng “ba... ba”. Nhìn D. chẳng ai nghĩ anh từng nghiện heroin gần 10 năm và tưởng chừng sẽ không thể quay về cuộc sống bình thường. Ai cũng bảo dính vào heroin sẽ không thoát ra được, D. cũng không tin phương pháp cai nào có thể có tác dụng với anh vì số lần anh đi cai dịch vụ cũng đếm đầy hai bàn tay rồi. Mẹ anh còn vào tận chỗ cai ở với anh để chăm sóc, kèm cặp mà anh không cai nổi.

Khi chương trình methadone vừa về đến Q.8, mẹ anh tìm hiểu, đưa con đến đăng ký tham gia, anh chiều lòng mẹ đi “cai đại”. Vậy mà mọi thứ thay đổi: D. chỉ mất một tuần dò liều rồi đi vào duy trì liều với 70mg methadone/ngày. Anh mập mạp, khỏe mạnh dần lên.

Hằng ngày, cứ 9g D. vào Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 uống thuốc rồi đi chở hàng, cố gắng không tới lui những nơi trước kia hay đàn đúm bạn bè cũ. Một năm sau anh có người yêu - cô gái là vợ anh bây giờ. Một năm sau nữa họ có con. Con ra đời cũng là lúc anh thấy mình cần mạnh mẽ dứt khỏi chương trình methadone, vì không muốn ngày nào cũng phải đến trung tâm uống thuốc, dành thời gian để đi làm kiếm thêm tiền nuôi vợ con. Anh bày tỏ nguyện vọng, bác sĩ cho giảm liều dần, từ 70 mg/ngày xuống 5mg rồi 2mg/ngày và cuối cùng anh đã ngừng hẳn sử dụng methadone.

Với vợ chồng chị N.T.T.T. (34 tuổi) và anh T.N.P. (38 tuổi) ngụ tại Q.4, methadone đã cứu cả gia đình họ. Họ quen và lấy nhau khi vẫn còn là hai người nghiện hút, anh nghiện 10 năm, chị cũng chừng đó năm nghiện ngập. Ban đầu họ chỉ “đốt” từ 200.000 đồng mỗi ngày cho heroin, dần dà số tiền lên tới cả triệu đồng. Lúc tăm tối nhất, bế tắc nhất họ nghe nói đến methadone và được xét tham gia chương trình vào đầu năm 2009.

Suốt bốn năm sau, họ gắn với phòng khám, ngày ngày đến uống thuốc. Hai vợ chồng bắt đầu đi bán thịt bò ở chợ, kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Sau một năm giảm liều từ 60mg xuống 1mg methadone/ngày, anh chị đã ngưng hẳn điều trị. Anh P. đã xin được công việc lái xe cho một công ty. Anh xúc động nói: “Vợ chồng tui đã sém chút mất cả cuộc đời, giờ may mà còn làm lại được. Tui phải dạy con tránh xa ma túy”.

Có cơ hội thoát khỏi lệ thuộc hoàn toàn

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiếu - trưởng khoa Trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng Q.8, nơi đang điều trị cho gần 300 bệnh nhân - đánh giá điều trị cai nghiện bằng methadone là phương pháp hiệu quả, có tỉ lệ đeo bám chương trình rất cao. Trước đây người nghiện có thể sử dụng ma túy 4-5 lần mỗi ngày, nay một vài tháng họ dùng lại một lần, sau đó vẫn tiếp tục điều trị bằng methadone, thì đó đã là một thành công lớn.

Theo bác sĩ Phạm Văn Trụ - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, methadone là thuốc điều trị thay thế heroin nên cũng gây phụ thuộc. Tuy nhiên ưu điểm của methadone là thuốc có khả năng chuyển hóa tốt hơn và có thể giảm liều dần dần, tiến tới thoát khỏi phụ thuộc. Điều trị nghiện bằng methadone là điều trị duy trì, theo trình tự uống liều ban đầu, tiếp theo là dò liều cho đến khi người nghiện heroin không còn triệu chứng “cơn vã”, tiếp tục duy trì liều này và sau đó là giảm dần liều đang uống.

Bác sĩ Trụ cũng cho biết tại các cơ sở điều trị methadone ở Mỹ đã có những trường hợp tham gia điều trị bằng methadone thành công, ra khỏi chương trình, sau đó họ được mời ở lại làm công tác hỗ trợ những người khác điều trị bằng methadone và mở những điểm điều trị bằng methadone tư nhân. Riêng ở TP.HCM, tại phòng khám methadone các quận 4, 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức đều có một số bệnh nhân chỉ uống methadone với liều rất thấp mỗi ngày, một số đã ngưng hẳn và kết thúc điều trị.

“Người nghiện luôn có những bệnh lý đồng thời khác như: rối loạn tâm thần, chức năng gan bị ảnh hưởng, lao phổi, nhiễm HIV... Những bệnh nhân nghiện này nên được thăm khám điều trị tại các phòng khám methadone trung tâm quận huyện với các liên kết chuyên khoa. Với những người nghiện có nhân thân tốt, môi trường gia đình thuận lợi, có ý thức tuân thủ tốt không lén dùng kèm theo heroin hay các chất ma túy tổng hợp trong quá trình điều trị bằng methadone thì nên ưu tiên cho họ tham gia chương trình” - bác sĩ Trụ đề xuất.

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp