05/04/2015 11:23 GMT+7

​Có thể dùng tiền để thoát án tử hình?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bổ sung quy định hình phạt tử hình có thể chuyển thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình.

Người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả phạm tội do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, quy định này xuất phát từ chủ trương lớn của Đảng là giảm hình phạt tử hình, đã được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp. Ông Tụng cho biết thực tiễn những năm qua, người bị kết án tử hình và đưa ra thi hành án vẫn còn cao.

Điều này gây ra tâm lý không đồng thuận từ phía xã hội cũng như cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, tử hình là tước đi quyền sống - quyền cơ bản quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội phục thiện của người bị kết án cũng như loại trừ khả năng oan sai có thể xảy ra trên thực tế.

Vì vậy bên cạnh việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh có quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành, ban soạn thảo đã bổ sung các quy định mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành chung thân nhằm hạn chế hình phạt này trên thực tế.

Về quy định này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng việc quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên phải cân nhắc rất kỹ.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội về ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng khi xử tử hình, tòa đã xem xét theo trình tự thủ tục. Sau khi án có hiệu lực pháp luật thì chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét có oan sai hay không, sau đó bị án còn có quyền gửi đơn đến Chủ tịch nước xin ân giảm.

“Chính sách hình sự của mình đã đủ, không thiếu. Nếu quy định như dự thảo dễ dẫn đến việc người ta hiểu nhầm cứ có tiền là sẽ thoát án tử hình. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc lại quy định này, nếu để thì sau này tổ chức thực hiện trong thực tế sẽ cực kỳ vướng” - ông Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng quy định này của dự thảo nên được hiểu việc khắc phục hậu quả của người phạm tội là tình tiết giảm nhẹ chứ không có nghĩa là đổi chác.

“Luật thiết kế để nảy sinh cách hiểu có thể dùng tiền để đổi chác, ai giàu hơn thì công lý nhiều hơn, dẫn đến cách vận dụng sai trên thực tế thì pháp luật hình sự có vấn đề.

Nếu có chuyện khắc phục hậu quả để được giảm án từ tử hình xuống chung thân thì cũng nên hiểu đây là tình tiết giảm nhẹ.

Muốn vậy, theo tôi, phải thiết kế hết sức cụ thể quy định này để thấy tính hợp lý. Làm luật thế nào để hợp lý, để Quốc hội chấp nhận và sau đó là xã hội chấp nhận.

Trong chủ trương giảm hình phạt tử hình, chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng biện pháp của các nước là tuyên án tử hình mà không thi hành và tù chung thân nhưng không giảm án” - luật sư Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp