10/05/2019 15:09 GMT+7

Có thể điều trị ung thư dạ dày không phẫu thuật không?

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Dù đã mắc ung thư dạ dày nhưng có bệnh nhân vẫn lo sợ phải phẫu thuật điều trị. Việc loay hoay tự chọn giải pháp sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâu dài.

Có thể điều trị ung thư dạ dày không phẫu thuật không? - Ảnh 1.

Các bác sĩ bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tư vấn cụ thể:

* Thưa bác sĩ, chồng tôi bị ung thư vòm hầu giai đoạn 4 đã trải qua 6 lần hoá trị, giờ chuẩn bị phác đồ hoá trị mới. Vậy chồng tôi có nên uống các loại thuốc bổ trợ bài tiết các hóa chất độc hại trong quá trình điều trị được không ạ? (Lã Phượng Vỹ, TP.HCM, phuongvy88@...)

- Bạn không cần phải uống các loại thuốc đó làm gì, mà chỉ cần chú ý đủ dinh dưỡng, vệ sinh vùng miệng hầu, có uống chỉ nên uống các thuốc nhằm nâng đỡ cơ thể, tăng khả năng miễn dịch thôi, xin chào bạn.

* Bác sĩ ơi, bố tôi bị ung thư thực quản, mới phát hiện di căn hạch đã hoá trị. Giờ cổ cũng bị sưng, sờ vẫn có cục u đau lắm. Đi khám mà bác sĩ chỉ phát thuốc cho uống mà không điều trị gì thêm. Tôi đang rất lo, mong nhận được tư vấn của bác sĩ về trường hợp bố tôi. (Phạm Văn Thuận, phamvanthuan@...)

- Bạn Văn Thuận thân mến, theo bạn trao đổi thi ko rõ bố bạn bị k.thực quản g.đoạn nào,vị trí ở 1/3 trên ,giữa hay dưới, GPB là loai nào, nên ko nói cụ thể được,thường thì k.thực quản cần có chiến lược trị rõ ràng,cụ thể tùy vào giai đoạn, vị trí, thể trạng bệnh, và kết quả gpb. Thường phối hợp đa mô thức trong diều trị bệnh này,bạn nên hỏi cụ thể bác sĩ chữa trực tiếp nhé, chào bạn

* Những tháng gần đây, tôi thường bị nuốt nghẹn, ho nhiều, đau tức ngực, hơi thở có mùi hôi… Tôi đang nghi mình có thể mắc ung thư thực quản. Thưa bác sĩ, những triệu chứng trên có "tố" tôi mắc căn bệnh này không? (Phương Khanh, Long An, khanhphuong77@...)

- Những triệu chứng của ung thư thực quản gồm: khó nuốt, khó tiêu kéo dài, ợ nóng, nôn sau khi ăn, mất cảm giác thèm ăn và giảm cân, đau hoặc khó chịu ở phần trên của dạ dạy, ngực hoặc lưng. Hãy đi khám ngay nếu bạn gặp các triệu chứng như cảm thấy khó khăn khi nuốt đồ ăn; ợ nóng gần như thường xuyên và kéo dài trong 3 tuần hoặc nhiều hơn và bất cứ triệu chứng nào bất thường kéo dài.

* Ung thư thực quản nằm ở đoạn nào nguy hiểm nhất (đoạn cổ, đoạn trong lồng ngực và đoạn tâm vị), thưa bác sĩ? (Ngô Văn Việt, Bình Dương, vietngo.canon@...)

- Chào bạn Việt ở Bình Dương, thực sự không thể nói ung thư thực quản ở đoạn nào nguy hiểm nhất, mà chỉ có thể nói tổn thương ở vị trí nào có thể phẫu thuật dễ dàng hơn thôi, còn nguy hiểm hơn đó là giai đoạn trễ thì như nhau cả thôi.

* Tôi bị ung thư miệng giai đoạn 3. Điều trị xong rồi nhưng tái đi tái lại 2 lần nữa. Lúc điều trị rất đau, đến nước lọc cũng không uống ổi. Hiện tại tôi ra viện đc 1 năm rồi nhưng tác dụng phụ thì rất nhiều: đau đầu, viêm xoang, đau mỏi vai gáy, viêm tai, điếc tai, cứng hàm, mất mùi, mất vị, mất tuyến nước bọt... Bác sĩ thì bảo nên sống chung với lũ nhưng có cách nào khác để giảm tác dụng phụ này không ạ, thật sự tôi rất mệt mỏi? (Nguyễn Ngọc Trâm, Bến Tre, tramnguyen.vhh@...)

- Chào bạn, thực sự là đúng như bạn trao đổi, sự tái phát của ung thư vùng miệng là rất khó chịu, không rõ bạn đã trị theo phác đồ nào rồi, nhưng thường tác dụng phụ sau XT,HT vùng miệng là rất nhiều như bạn kể : đau đầu,vai gáy,viêm điếc tai cứng hàm,…. Bs nói với bạn nên sống chung với lũ thì 1 phần nào cũng đúng, nhưng có lẽ bạn nên cố gắng ít nhất về tinh thần,nên tham gia tập luyện thể dục thể thao… có chế độ ăn uống đủ chất,tăng cường sức khỏe,dùng 1 số thuốc nhằm tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch…chúc bạn luôn vui,lạc quan khỏe mạnh.

* Thưa bác sĩ, mẹ tôi truyền hóa chất điều trị ung thư thực quản lần nào cũng nôn kinh khủng, có lúc lên đến 20 lần/ngày mặc dù ngày tiêm 2 mũi chống nôn. Vậy có cách nào giúp mẹ tôi hạn chế nôn không ạ? (Bình An, Cần Thơ, binhan05@...)

- Chào bạn An ở Cần Thơ, mẹ bạn bị ung thư thực quản được truyền hóa chất, mỗi lần truyền là bị nôn nhiều dù có tiêm thuốc chống nôn 2 mũi, làm sao có cách nào giúp mẹ bạn hạn chế nôn. Thực ra nôn sau HT là tác dụng phụ thường xảy ra ở tất cả moi bệnh nhân, có bệnh nhân ít có bệnh nhân nhiều. Còn mẹ bạn nên chú ý tới thức ăn kèm theo, vì tùy người có những loại gây nôn nhiều hơn ( cá, thịt,,,)đồng thời thông báo với bác sĩ điều trị kê thêm thuốc chống nôn.

* Ba tôi đang điều trị ung thư dạ dày (giai đoạn sớm như bác sĩ cho biết), tuy nhiên ông vẫn hút thuốc mỗi ngày. Xin bác sĩ cho biết việc hút thuốc trong quá trình đang điều trị ung thư hiện tại có ảnh hưởng không? Ảnh hưởng như thế nào? Và có cách nào để ba tôi hiểu mà bỏ thuốc. Cám ơn bác sĩ. (Thái Thành, Vũng Tàu, le.thanhthai@...)

- Chào bạn, như bạn biết hút thuốc là rất nguy hại cho sức khỏe, ngoài nguyên nhân gây ung thư phổi là chính, nó còn gây ung thư một số cơ quan khác như miệng, dạ dày, cơ quan tiêu hóa....Còn ba bạn bị ung thư dạ dày thì dù giai đoạn nào cũng cần phải bỏ ngay việc hút thuốc, đặc biệt đang trong quá trình điều trị. Việc bỏ thuốc chủ yếu vào quyết tâm của ba bạn là chủ yếu, ngoài ra nên mua kẹo cao su... nhai từ từ bỏ thuốc thôi, hy vọng ba bạn sẽ bỏ được hút thuốc.

* Bác sĩ tư vấn giúp, tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn 2, bác sĩ hiện tại có nói cần phẫu thuật nhưng tôi vẫn đang lưỡng lự. Biết đến bệnh viện AIH có điều trị ung thư dạ dày, tôi muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp các phương pháp điều trị và tôi cần cung cấp gì để được tư vấn phương pháp tối ưu cho trường hợp của tôi? (Thủy Tiên, Trà Vinh, lethuytien@)

- Chào bạn, với ung thư dạ dày thì phẫu thuật vẫn đóng vai trò trọng yếu trong điều trị, dù mổ thường hay nội soi. Hóa trị cũng có thể sử dụng trước phẫu trị để giúp thu nhỏ khối u và đôi khi cũng sử dụng phương pháp này sau phẫu trị để ngăn ngừa ung thư tái phát.

Việc tiên lượng về tình trạng bệnh của bạn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có độ tuổi, sức khỏe tổng quát và mức độ di căn của tế bào ung thư (giai đoạn bệnh).

Bạn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để được tư vấn chính xác hơn.

* Chào bác sĩ, gia đình bên chồng của tôi có bố chồng năm nay 76 tuổi, đang bị ung thư trực tràng, phát bệnh năm ông 74 tuổi. Người chú là em của bố, em cùng cha khác mẹ, năm nay khoảng 53 tuổi, vừa bị ung thư vòm họng. Bên cạnh đó, còn có người con của Ông Út (Ông Út, là em ruột của ông nội chồng tôi), năm nay chú khoảng 54 tuổi, cũng đã phát bệnh ung thư dạ dày. Cũng thông tin thêm là Ông nội chồng tôi, trước đây mất vì ung thư gan.  Chồng của tôi cũng có hệ tiêu hóa không tốt lắm, nên Tôi nghĩ gia đình bên chồng của tôi có gen bị lỗi, nguy cơ bị ung thư cao, tôi muốn khám tầm soát cho chồng tôi, thì khám ở đâu, khám như thế nào, chi phí ra sau, mong được tư vấn (Hạnh Nguyệt, hanhnguyentuyet@...)

- Chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng khuyến cáo dành cho những người trên 45 tuổi, hoặc dưới 45 tuổi nhưng có tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), các bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện các xét nghiệm theo từng trường hợp. Với hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên môn cao sẽ cho ra kết quả xét nghiệm chuẩn xác, hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng cũng như các giai đoạn bệnh đang diễn biến và phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Có 2 loại xét nghiệm phổ biến để tầm soát ung thư đại trực tràng hiện nay:

Xét nghiệm tại nhà (Xét nghiệm hóa mô miễn dịch phân FIT):

- Bạn sẽ nhận một ống mẫu để lấy một ít phân của bạn sau đó gửi tới phòng xét nghiệm để kiểm tra có máu trong phân hay không. Xét nghiệm này giúp kiểm tra xem có máu trong phân đồng nghĩa với có thể là ung thư đại trực tràng.

- Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, đồng nghĩa với có thể có nguy cơ ung thư đại trực tràng, bạn buộc phải nội soi đại tràng.

Tuy nhiên, nếu kết quả là âm tính cũng không có ý nghĩa loại trừ hết nguy cơ ung thư Phương pháp này được khuyến cáo thực hiện mỗi năm một lần để phát hiện kịp thời và điều trị sớm.

Nội soi đại trực tràng: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi mềm có gắn camera để quan sát và tìm kiếm các polyp hoặc ung thư. Và đồng thời có thể cắt các polyp hoặc sinh thiết trong quá trình soi nếu cần để phân tích các biến đổi tế bào dưới kính hiển vi. Quá trình này thường được gây mê hỗ trợ ở đơn vị điều trị trong ngày.

Về chi phí cụ thể, bạn liên hệ: Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH - Lối vào 199 Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, Quận 2, Tp.HCM. Tel: 028 3910 9999

* Mẹ cháu bị viêm đại tràng, bây giờ không ăn uống gì được cả, ăn vào là lại bị đau bụng mà uống thuốc vào thì lại bị cao huyết áp, đã uống nghệ đen với mật ong nhưng vẫn chưa thấy đỡ. Mong bác sĩ cho lời khuyên ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Liễu, Bình Thuận, lieunguyen_tomboyfashion@...)

- Chào bạn, theo bạn trao đổi thì mẹ bạn bệnh cũng nan giải, không rõ mẹ bạn bao nhiêu tuổi, làm nghề gì…nên không trả lời cụ thể được. Bạn nên đưa bà vào bệnh viện khám để có chẩn đoán chính xác, điều trị tốt nhất nhé,

* Tôi bị viêm đại tràng, hay đầy bụng, cảm giác rất khó chịu sau bữa tối vì bụng cứ trương lên. Hay bị đau bụng đi ngoài, tuần nào cũng bị vài lần rồi sau đó lại bị táo bón. Mà cứ sau bữa trưa là đau quặn bụng và đi ngoài. Có thể là ngay sau khi ăn trưa hoặc sau đó 1-2 tiếng, có khi 4h chiều mới đau quằn quại và đi ngoài. Đi xong thì hết đau, còn buổi sáng và buổi tối không sa. Tôi đã uống thuốc bắc, thuốc tây nhưng không khỏi. Có cách nào trị bệnh của tôi không bác sĩ? Bệnh này nếu lâu không chữa khỏi thì có nguy cơ ung thư không? (Trúc Nguyệt, nguyetdaklak47@...)

- Rối loạn đi cầu của bạn cần được đánh giá cụ thể bằng thăm khám và một số cận lâm sàng cần thiết để tìm ra nguyên nhân. Bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị thích hợp.

* Kính gửi báo Tuổi trẻ. Hiện nay tôi đang có triệu chứng đau dạ dày sáng và trưa khi chưa ăn sáng. Cảm giác đau quặn khi tôi ăn thêm thức ăn. Tuy nhiên buổi tối khi tôi thức khuya thì lại có cảm giác cồn cào dạ dày (mặc dù đã ăn no).Do đặc thù công việc tôi vẫn chưa sắp xếp được thời gian đi khám. Mong cho tôi những tư vấn về liệu trình và cách ăn uống đúng cách. Xin cảm ơn. (Lê Thị Thủy Tiên, TP.HCM, tien.le@...)

- Khi bị đau dạ dày, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm, thủ thuật lâm sàng để có thể chẩn đoán chính xác bệnh và có kế hoạch can thiệp phù hợp.

Để giảm triệu chứng đau dạ dày, bạn có thể áp dụng các cách sau:

- Bạn nên uống một ít sữa bò tươi trước khi ăn vì sữa tươi giúp làm giảm acid trong dạ dày. Bạn cũng có thể áp dụng cách này nếu bị đau bụng vào buổi tối.

- Không nên ăn thực phẩm cứng, cay, nóng, chua vì chúng dễ gây tổn thương niêm mạc dạ dày

- Bạn nên ăn đúng bữa và đúng giờ, không bỏ bữa, vì khi bỏ bữa sẽ làm tăng tiết acid dạ dày và làm vết tổn thương thêm nghiêm trọng. Các bữa ăn chính nên cách nhau 4 -6 giờ, nếu cách quá xa thì bạn nên ăn nhẹ giữa bữa với khoai lang, bắp, chuối, hoặc sữa tươi

* Chồng em điều trị K dạ dày, em mua thêm bột tam thất cho ảnh uống, nhưng nghe nói bột này có thể làm người bệnh nóng trong người. Xin bác sĩ chỉ cách dùng tam thất tốt nhất ạ. Em xin cảm ơn. Hiền Thục, Long An

- Hiện nay, có một số nghiên cứu cho thấy khả năng chống oxy hóa của tam thất, ngăn ngừa các tổn thương trên DNA gây ra do tác nhân oxy hóa. Điều này cho thấy tiềm năng chống ung thư của tam thất nhưng số lượng tài liệu nghiên cứu quá ít và thiếu các nghiên cứu lâm sàng để đưa ra khuyến nghị sử dụng giúp phòng ngừa ung thư.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đang điều trị ung thư, chưa có nghiên cứu nào cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư của tam thất. Vì vậy, người bệnh nên sử dụng các phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả lâm sàng thực sự.

* Bác sĩ ơi, ba em đang điều trị K trực tràng bằng hóa chất, tác dụng phụ làm người ba nóng, khô. Ngày nào em cũng mua 1-2 trái dừa cho ba uống cho mát, vừa rồi có cô kia vào thăm bảo em làm vậy là hại ba, vì nước dừa mát quá, người đang ốm yếu không nên dùng. Em có nên tiếp tục cho ba uống nước dừa không ạ, vì em thấy ba uống vẫn ổn mà. Hiền Lê, hlehcmulaw@...

- Hóa trị gây ra nhiều phản ứng phụ, trong đó có việc làm cho người bệnh bị nóng/sốt nhẹ. Khi đó, người bệnh cần uống đủ nước để bù cho lượng mất do chảy mồ hôi và tăng chuyển hóa cơ bản. Vì vậy, nước dừa là một lựa chọn hợp lý giúp bù nước và điện giải cho bệnh nhân. Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy nước dừa gây bất lợi cho qua trình điều trị ung thư.

* Từ ngày điều trị xong ung thư thực quản, mẹ em như biến thành người khác, suốt ngày đòi ăn bánh chưng và mía tím. Có khi cả mấy ngày trời chỉ ăn đúng hai loại ấy. Xin hỏi mẹ em bị gì và liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ? Khánh Nguyên, Bình Thạnh.

- Việc chỉ ăn bánh chưng và mía tím trong thời gian dài có thể làm cho bệnh nhân thiếu chất xơ, vitamin và chất khoáng từ rau quả. Vì vậy, để giảm nguy cơ tái phát ung thư cũng như đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần chế độ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm – cân bằng – đa dạng. Tuy nhiên, nếu người bệnh kiên quyết chỉ ăn bánh chưng và mía tím thì bạn cần đưa người nhà tham vấn chuyên khoa dinh dưỡng và tâm lý để có biện pháp can thiệp phù hợp.

* Thưa bác sĩ, chồng cháu đang điều trị k tâm vị dạ dày, việc điều trị có tiến triển, cũng cần bổ sung nhiều loại đồ ăn thức uống bổ dưỡng. Nhưng hầu hết đều có giá tiền quá mắc so với khả năng của cháu. Xin hỏi có những loại thức ăn nào gần gũi, bổ dưỡng mà giá thành không quá cao để bổ sung cho người bệnh được không ạ? Minh Hoàn, hoanpham91@...

- Chế độ ăn cho bệnh nhân đang điều trị ung thư cần nhiều năng lượng và nhiều đạm để tránh suy mòn trong quá trình hồi phục. Nếu bệnh nhân có thể ăn đủ lượng qua đường miệng thì không cần phải bổ sung thêm các sản phẩm dinh dưỡng y học dạng uống. Vì vậy, để xác định xem bệnh nhân có ăn đủ chất dinh dưỡng hay không, bạn cần đưa người nhà đến tư vấn chuyên khoa dinh dưỡng, để được đánh giá và có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng phù hợp nhất.

* Thưa bác sĩ, hiện nay trên mạng, có cả các trang báo suốt ngày cảnh báo ăn thứ nọ với thứ kia sẽ sinh ra ung thư. Mẹ em rất tin nên bây giờ cho tụi em kiêng kỵ hết. Nào là gan heo xào với giá đỗ, trứng chiên với tỏi, khoai tây nấu chung với cà chua…Như vậy có đúng không thưa bác sĩ?

- Hiện nay không có nghiên cứu khoa học cho thấy việc kết hợp các loại thực phẩm với nhau có khả năng gây ung thư, việc kết hợp không đúng chỉ làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Nguy cơ ung thư cao có thể đến từ chế độ ăn uống không lành mạnh như chế biến thực phẩm ở nhiệt độ quá cao (>1000C), ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và ít ăn rau củ quả tươi, tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo,…cùng với lối sống ít vận động.

Vì thế, chúng tôi khuyến nghị bạn và gia đình nên ăn phối hợp nhiều nhóm thực phẩm, ngoài ra nên ăn đa dạng các loại thực phẩm mỗi ngày, tránh kiêng cử hoặc ăn quá nhiều một loại thực phẩm sẽ dẫn đến sự mất cân đối ảnh hưởng dến sức khỏe.

* Người thân của tôi bị K trực tràng đã di căn lên gan. Xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc, dinh dưỡng ra sao để chúng tôi biết hỗ trợ người thân.Xin cảm ơn

- Bạn vẫn cần áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong điều trị ung thư trực tràng, ví dụ như nếu trong giai đoạn còn bị loét tổn thưởng niêm mạc đại tràng thì bạn cần hạn chế các chất xơ dạng sợi, thay vào đó ăn nhiều chất xơ dạng hòa tan. Nếu ăn uống và hấp thu kém thì cần chia nhỏ bữa ăn, tăng đậm độ năng lượng mỗi bữa. Trong trường hợp ung thư di căn lên gan, chế độ sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bệnh, nhưng nguyên tắc chung là chia nhỏ nhóm chất đạm và chất béo để giảm tải cho gan, giảm muối trong khẩu phần nếu cần

* Thưa bác sĩ, bố tôi bị ung thư thực quản nhưng lại bị rò khí quản, áp-xe phổi. Bây giờ bố tôi nên áp dụng phương pháp điều trị như thế nào, nên điều trị song song hay trị từng chứng bệnh? (Mai Thị Phương Hạnh, Đồng Nai, (hanh.maithi@... )

- Qua trao đổi không rõ bố bạn đã được điều trị ở bv nào chưa, giai đoạn nào, vị trí 1/3 trên, giữa hay dưới…nên không thể nói trị riêng biệt hay song song từng chứng bệnh một. Bạn nên đưa bố vào viện có chuyên khoa Ung bướu để bác sĩ tư vấn, điều trị tốt nhé. 

* Thưa bác sĩ, tôi đọc trên mạng và trong câu lạc bộ ung thư con thấy công ty dược phát minh ra thuốc cumar gold kare uống rất tốt cho bệnh nhân ung thư miệng, vòm họng. Gia đình tôi đang phân vân có nên dùng thuốc này thay thế điều trị tại bệnh viện được hay không? Mong bác sĩ tư vấn ạ. Con cảm ơn. (Xuân Nghi, Bình Dương, hoacomay1989@... )

- Chào bạn Nghi. Loại này không phải là thuốc mà chỉ có tác dụng nâng đỡ cho bệnh nhân, nâng cao sức khỏe…cho nên không thể thay thuốc của bệnh viện được nhé.

* Bị viêm loét dạ dày có ảnh hưởng tới dạ dày hay trực tràng không? Tôi bị viêm loét dạ dày đã nhiều năm nên rất lo lắng bệnh có thể tiến triển thành ung thư. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn. (Kỳ Cao, 48 tuổi)

- Chào bạn, bị viêm loét dạ dày tất nhiên là có ảnh hưởng tới dạ dày rồi còn tới trực tràng thì chưa có kết luận. Còn bạn bị viêm loét dạ dày nhiều năm lo lắng sợ có tiến triển thành ung thư dạ dày không thì bạn yên tâm, bạn cần kiểm tra xem loét dạ dày có do HPV không? Nếu có thì trị ngay, còn không thì không có gì đáng ngại cả.

* Tôi thường bị đau bụng kiểu ách, tức bụng những lúc ăn khi quá đói, ví dụ như đau lúc ăn trưa do không ăn sáng hoặc những lúc ăn vội (vì còn công việc chưa làm xong), lúc căng thẳng. Cảm giác như dạ dày thượng lên, có lúc thì quặn lại, rất mệt. Trường hợp của tôi có phải bị đau dạ dày không bác sĩ? Hay là có bị bệnh gì không ạ? (Phan Bình)

- Theo bạn trao đổi thi việc đau như vậy chưa có gì rõ ràng cả, cho nên bạn nên chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho hợp lý, thuận lợi cho cả công việc. Bạn nên sắp xếp thời gian định kỳ đi khám tổng quát để kịp thời phát hiện những bất thường mà xử lý tốt bạn nhé.

* Bố em mới phát hiện ung thư trực tràng cách đây 2 tháng. Bố em đã mổ cắt hết trực tràng và làm hậu môn giả. Hồi mới phát hiện bệnh thì bác sĩ bảo bố em bị K trực tràng giai đoại 2. Sau khi mổ, sinh thiết khối u thì bác sĩ kết luận K trực tràng giai đoạn 3, chưa di căn. Nhưng sau mổ 2 tháng khám lại thì bác sĩ đã kết luận là bố em bị di căn sang gan rồi. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Em nghe nói bệnh này khi di căn lên gan thì diễn biến sẽ rất nhanh phải không ạ? (Lê Văn Hiếu, hieuleekt34@...)

- Chào bạn. Đúng như bạn nói, K.trực tràng  là bệnh tiến triển nhanh, một khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn rồi. Những trường hợp này sau PT thường được điều trị đa mô thức (PT,HT,XT.). Còn hiện tại đã di căn gan rồi vẫn tiếp tục điều trị được tùy theo thể trạng, tuổi tác… em cũng không nên lo lắng quá. Nên chú ý tới dinh dưỡng, tinh thần cho bố em nhé.

* Cháu năm nay 22 tuổi, thi thoảng cháu bị đau bụng quặn ở khu vực rốn, đau rất dữ dội nhưng đau nhanh chứ không phải dạng đau âm ỉ lâu. Lúc quặn lại, sờ vào bụng cảm giác có cục nổi lên. Sau đó là cảm giác chóng mặt, tim đập nhanh, người run run. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp trường hợp của cháu ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ. (Trần Hoài Thương, thuongthuongdhbk@...)

-  Theo cháu trao đổi,cháu 22 tuổi, thỉnh thoảng đau quặn quanh rốn, sờ vô bụng cảm giác có cục nổi lên, sau đó cảm giác chóng mặt, tim đập nhanh, người run run và thỉnh thoảng cháu mới có những cơn đau như vậy. Thực ra trong ổ bụng mình tuy nhỏ thôi nhưng rất nhiều cơ quan, mỗi bệnh vùng bụng có những kiểu đau khác nhau, trước mắt cần chú ý tới bệnh giun sán, rồi cần đi khám tổng quát để bác sĩ kiểm tra cụ thể nhé. Cháu không nên lo lắng quá.

* Mẹ tôi bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài lúc táo bón, lúc phân lỏng, đi phân lỏng nhiều hơn. Có uống men tiêu hóa thì đỡ, nhưng không ăn thua. Bác sĩ cho hỏi, mẹ tôi có nguy cơ bị ung thư về đường tiêu hóa không, trường hợp mẹ tôi có cần đi tầm soát ung thư không? (Lê Thị Hạnh, hanhlequeen1207@... )

- Bạn Hạnh thân mến, mẹ bạn bao nhiêu tuổi rồi, làm nghề gì vậy vì chưa thấy bạn nói. Còn theo bạn trao đổi thì bà bị RLTH thôi nên cần chú ý tới chế độ ăn uống hợp lý. Bạn cũng không nên lo lắng quá nhưng nên cho bà đi khám tầm soát định kỳ là tốt nhất.

* Ba tôi mới bị phát hiện ung thư trực tràng cách bờ hậu môn 5cm. Nên các bác sĩ chỉ định mổ cắt bỏ khối u ác tính. Vì theo bác sĩ là hiện tại chưa thấy di căn, mới ở giai đoạn 2. Và phải khâu hậu môn, cho đường đại tiện ra ngoài thành bụng, vì quá gần hậu môn nên không thể nối máy được. 

Nếu không mổ thì chỉ có thể sống được cao nhất 6 tháng nữa. Ba tôi lại không chịu mổ vì không chịu mang cái bọc hôi thối cả đời và sau này còn bị lại, rồi sau khi mổ còn phải hóa trị, xạ trị. Rất mong bác sĩ cho lời khuyên trường hợp của ba tôi, giờ nên làm thế nào? (Minh Dũng, dungphanthptdongloc@... )

- Theo bạn trao đổi thì ba bạn bị K trực tràng đã được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn đúng rồi, giờ chỉ còn ba bạn thôi. Bạn cùng gia đình nên khuyên ông theo bác sĩ đã tư vấn, những bệnh này hiện nay chữa khỏi rất cao. Việc PT làm HMT giờ kỹ thuật tốt,hậu môn tạm giờ nhiều loại không có mùi hôi khó chịu gì cả - đây là PT nhẹ nhàng nhất, thuận lợi cho việc chữa trị sau này (XT). Hiện nay có nhiều loại thuốc. 

* Bác gái em 56 tuổi, vừa rồi mới phát hiện và điều trị bệnh ung thư trực tràng. Khối u khá lớn và đã mổ cắt bỏ. Giờ bác em dùng hậu môn nhân tạo. Bác sĩ khám nói là bị di căn lên gan. Bác em đã điều trị bằng hóa chất 10 lần cho phần ung thư trực tràng, xét nghiệm lại bác sĩ nói đã ổn và giờ cần điều trị phần di căn lên gan.

Bác em cũng đã truyền hóa chất cho u gan được 2 lần nhưng không chịu được vì thuốc quá nặng, gây mệt mỏi nên chuyển sang uống thuốc nam được 1 thời gian. Khi uống thuốc nam thì thấy khỏe hơn. Đi xét nghiệm lại thì u gan không phát triển nhưng do chưa điều trị được nên không phẫu thuật cho hậu môn vào trong được. Mong bác sĩ tư vấn giùm, giờ bác em nên điều trị hóa chất tiếp không hay là để uống thuốc nam. Em cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Thị Nguyệt, Đăk Lăk, nguoicontay nguyen47@... )

- Chào bạn, bệnh của bác bây giờ không cần phải đưa hậu môn vào trong hay không, mà quan trọng là phần di căn gan có được kiểm soát không? Nếu phần di căn gan được ổn định nhờ trị bằng đông tây y gì đó thì tốt nhất, còn việc đưa hậu môn vô trong không quan trọng vì không đưa vào được thì chỉ hơi khó chịu 1 chút thôi, chứ không ảnh hưởng tới tính mạng. 

Mặt khác sau này nếu có di căn tại chỗ cũng thuận lợi cho XT tốt hơn bạn ạ. Giờ thì nên điều trị Đông - Tây y phối hợp và cần tư vấn của bác sĩ trực tiếp điều trị bạn nhé.

* Chào bác sĩ. Em năm nay 27 tuổi. Em đau họng đi khám tại bệnh viện tỉnh kết quả viêm amidan cấp, bác sĩ kê đơn cho em uống một tuần nhưng không hết hẳn. Tiện thể em đi nội soi dạ dày, thực quản thì có kết quả có một đám niêm mạc thô cách CRT 35cm, đi sinh thiết và giải phẫu bệnh có kết quả là u nhú biểu mô vảy lành tính. Bác sĩ không kê đơn thuốc và bảo là không có vấn đề gì, đừng sợ. Nhưng em rất sợ. Mấy bữa nay em hay mỏi lưng, nhiều khi khó thở. Xin bác sĩ tư vấn cho em về căn bệnh này và hướng điều trị. Em chân thành cảm ơn bác sĩ! (Xuân Thắng, Cà Mau, miss.xuanthang@...)

- Bạn Thắng thân mến, như thế bệnh của bạn đã rõ rồi đó, có kết quả GPB là u nhú biểu mô vảy lành tính, loại này đúng là không cần uống thuốc, can thiệp gì cả bạn ạ, đừng có lo lắng quá mức nhé, chào bạn.

* Chào bác sĩ em là nam 25 tuổi. Trước giờ em không hút thuốc, bia thì rất ít uống. Tầm 2 tháng nay em thấy có biểu hiện đau đầu, cổ họng hơi khó nuốt, hạch góc hàm 2 bên. Em đi khám ở bệnh viện, nội soi vòm họng thì bác sĩ không phát hiện gì. Sau đó bác sĩ kết luận em bị rối loạn vận mạch não. Em uống thuốc 3 tuần rồi mà vẫn chưa thấy hết. Mong bác sĩ tư vấn xem là em bị bệnh gì mà lên hạch góc hàm và nghẹn ở cổ họng ạ? Em nội soi vòm họng có phát hiện được ung thư vòm họng không ạ? (Anh Trí, Ninh Thuận)

- Chào bạn, ở đây có hạch ở góc hàm 2 bên có nhiều nguyên nhân, có thể do viêm vùng miệng họng. Bạn nên xét nghiệm, và có thể làm FNA hạch góc hàm 2 bên để có chẩn đoán cuối cùng, còn nội soi vòm họng cũng xác định được K vòm bạn ạ.

Chào bạn nhé.

* Thưa bác sĩ, bố tôi bị ung thư thực quản giai đoạn 3a, hiện đang vào hóa trị nhưng cả người bị ngứa, ngoài ra còn mọc mụn nhọt. Những ngày này mẹ rất khó chịu. Bác sĩ tư vấn tình trạng hiện tại với ạ? Em nghe mọi người khuyên dùng uống Clarityne ạ, bác sĩ cho em lời khuyên? Em cảm ơn. (Trần Văn Hậu, Kiên Giang, tranhau69@...)

- Chào bạn Hậu, thực ra đây là tác dụng phụ của việc HT mà thôi, bạn nên yên tâm ko nên quá lo lắng. Hết hóa trị thì các dấu hiệu trên sẽ hết. Còn bố bạn đang trong nội trú, bác sĩ sẽ cho thuốc thêm, bạn hỏi có thể dùng Clarityne cũng được. Đây là thuốc kháng Histamine có tác dụng trong trường hợp này, dùng 1viên 10mg/ngày bạn ạ.

* Vừa rồi em phát hiện thấy cục nhỏ nhỏ trong cổ, em đi siêu âm bác sĩ bảo thùy trái có khối hỗn hợp đặc dịch d=25x13mm, mô xung quanh bình thường, mật độ echo bình thường, khu trú tổn thương thùy trái, kết luận siêu âm bướu thùy trái tuyến giáp. Các xét nghiệm máu ths 0, 82(0, 35-4, 94), t3 0, 64(0, 58-1, 59), ft4 0, 97 (0, 70-1, 98). Cho con hỏi bướu này thuộc loại bướu cổ gì, kích thước vậy có to không, bác sĩ bệnh viện tư nói mổ, nhưng do có con nhỏ, con chưa mổ. Theo bác sĩ em có nên mổ không? (Kiều Diễm, Đồng Nai)

- Chào Kiều Diễm, theo em trao đổi thì em bị bướu giáp nhân thùy trái có KT không to lắm, còn các XN : TSH, T3 và FT4 trong giới hạn bình thường, còn để đánh giá cụ thể, có phương án điều trị cần làm thêm 1 số XN khác như: FNA nhân tuyến giáp, EGG…còn em đang cho con bú thì có thể chưa cần mổ vì chắc nhân giáp này không nhất thiết phảỉ mổ ngay

Bạn có thể uống thuốc hoăc không, để con lớn rồi chữa cũng không sao, bạn yên tâm,chào bạn nhé.

* Bố em K thực quản hiện đến nay được 8 tháng, lúc phát hiện đã gđ 3B, xâm lấn phổi và có hạch trung thất, ổ bụng, đã truyền 6 đợt hoá, 3 đợt đầu về khoẻ hơn, ăn uống được và lên cân lại. Khám sau đợt 3 bs kết luận u giảm, vết phổi cũng mờ bớt. Từ lần 4, 5, 6 bố em đau trở lại, phải uống thuốc giảm đau. Sau đợt 6, sức khoẻ bố suy kiệt, ăn uống kém và nôn, ho nhiều.  Nhờ bác sĩ tư vấn giúp trường hợp của bố em có cách nào chăm sóc giảm nhẹ hoặc bổ sung gì để tốt nhất cho sức khoẻ hiện tại của bố không ạ. (Phan Thị Tuyết Ngân, Ninh Thuận)           

- Trong trường hợp này, bệnh bố em ở giai đoạn IIIB, có di căn phổi, hạch ổ bụng đã HT 6 đợt nên cần XT kèm theo, bây giờ có thể ở giai đoạn cuối, chủ yếu chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao chất lượng sống, gồm chống đau, chống nôn, giảm ho…tăng cường dinh dưỡng và khâu tinh thần cũng quan trọng bạn ạ. Chào bạn.

* Tôi có nghe thông tin về "sinh thiết lỏng" giúp phát hiện và điều trị ung thư. Cho hỏi, đối với ung thư dạ dày có áp dụng được không? Có thể thay thế cho phương pháp nội soi sinh thiết không? Tôi rất sợ nội soi. Xin cám ơn (Hồng Hiệp, Bình Dương, lehonghiep@...) 

- Chào bạn Hồng Hiệp, đúng là có Phương pháp sinh thiết lỏng để chẩn đoán ung thư. Người ta chỉ cần lấy 3ml máu TM là làm xét nghiệm được thay cho nội soi, cả trong dạ dày nữa, nên bạn có thể yên tâm. Phương pháp này không có can thiệp trực tiếp vào bệnh nhân, nên không sợ đau đớn gì cả. Chào bạn nhé.

* Tôi đang điều trị Hp được 2 tuần thì ngưng bởi thuốc làm tôi mệt mỏi không thể làm việc hay sinh hoạt được bình thường. Cho tôi hỏi, khi nào được gọi là bị nhiễm HP kháng thuốc? (Kim Loan, Bình Phước, nguyenkimloan@...)

* Tôi bị đau dạ dày 5 năm nay nhưng không điều trị, chủ yếu kiêng cữ trong ăn uống. Đầu năm, sau khi phát hiện mình nôn ra máu, tôi đi khám và được chẩn đoán bị viêm niêm mạc dạ dày, dương tính với HP. Tôi đã điều trị bằng kháng sinh trong khoảng 2 tháng, sau đó thấy ổn nên tự ngưng thuốc. Khi có dấu hiệu đau, tôi mua thuốc theo đơn cũ để uống. Mới đây, tôi bị đau trở lại với tần suât nhiều hơn nên đi khám và được biết tôi vẫn bị nhiễm HP và có dấu hiệu bị lờn thuốc. Tôi cảm thấy rất lo vì không biết sau khi lờn thuốc thì phải điều trị theo hướng nào. Tôi bị nhiễm HP thì những người thân của tôi có nguy cơ gì không vì gia đình vợ con chúng tôi thường ngày vẫn ăn uống chung, không kiêng cữ gì cả? (Quỳnh Như, Quãng Ngãi, nguyenquynhnnhu@...)

- Chào bạn, thứ nhất không nên cứ đau lại lấy đơn thuốc cũ đi mua về uống, bạn cần tới bác sĩ, bệnh viện khám.

Có đơn mới mua uống, có nhiều phác đồ chưa HP. Còn bạn cần chú ý bệnh này có thể lây cho người thân trong gia đình qua đường miệng (nước bọt, dịch tiết…), qua đường phân thải…rồi ăn vào, rồi qua dụng cụ y tế nếu sát trùng không bảo đảm…cho nên bạn cần chú ý nhé ,chào bạn.

* Tôi 25 tuổi, đi khám bệnh được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày và xung huyết nhẹ dạ dày, có vi khuẩn HP. BS kê thuốc Clarithromycin amocixilin nexium mups, sau khi uống 2 ngày thì cháu thấy nhức đầu và sốt về đêm, bụng nóng và ục ục, sáng sớm đi ngoài không táo nhưng ra nhiều máu tươi, chiều tối đi lần nữa cũng thế. Hôm nay thì chỉ rớm máu ở phân. BS cho cháu hỏi cháu bị làm sao, có nguy hiểm lắm không ạ? Cảm ơn BS rất nhiều. (Quốc Dũng, Tiền Giang, nguyenquocdung@...)

- Chào bạn Dũng nhé, ở đây không rõ bạn trước đây có bị trĩ không, cũng có thể 1 bệnh khác kèm theo…còn điều trị HP có nhiều phác đồ, có thể có 4 loại thuốc, có thể có loại tùy từng nước một. Nhưng thông thường có kháng sinh và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhưng ở đây bệnh bạn đã giảm là tốt rồi.

* Ba em bị ung thư dạ dày giai đoạn 4b, đã phẫu thuật nhưng bác sĩ mổ thấy di căn hạch khắp ổ bụng nên không cắt u mà nối ruột để ba ăn uống được. Ba chuẩn bị hóa trị, nhưng hiện ba bị chướng và đầy hơi, hay nôn ói. Ba không ăn uống được gì cả mặc dù đoạn ruột nối hoạt động rất tốt, chất thải và dịch, cũng như xì hơi đều ra được ở hậu môn nhân tạo. Em xin phép hỏi các bác sĩ, không biết dịch mà ba hay tiết ra qua hậu môn nhân tạo (màu đen hôi) là dịch gì, có cách nào làm giảm đầy bụng và chướng của ba không? Vì không ăn uống được thì rất khó để hóa trị. (Hải, Sóc Trăng)

- Chào bạn, bạn hỏi dịch chỗ HM nhân tạo tiết ra là dịch gì, đây là dịch tiết từ chỗ nối ruột rồi từ từ sẽ hết, không đáng lo ngại gì. Triệu chứng đầy bụng, chướng hơi rồi cũng hết bạn ạ, giờ chỉ làm sao chăm sóc tốt thể trạng tốt để có thể HT được bạn ạ. Cần chú ý dinh dưỡng làm đủ chất nhé.

* Mẹ em năm nay 61 tuổi, mới phát hiện ung thư dạ dày di căn phúc mạc (T4aN2M1). Mẹ em đã vô hóa chất được 3 lần và có uống thêm hóa chất viên TS1 (mỗi đợt hóa trị cách nhau 14 ngày, gồm 6 đợt). Sau đợt 3, mẹ em bị lở loét miệng, cổ họng, mũi chảy máu nên ăn uống không được phải xay nhuyễn đồ ăn ra hút, Hôm mẹ em khám thì bạch cầu không đủ nên phải kích cầu, sau xét nghiệm lại thì bạch cầu đủ nhưng bác sĩ bảo là nên về nghỉ ngơi 1 tuần sau vào truyền hóa chất. Cho em hỏi việc ngừng hóa chất 1 tuần có ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh không? Bs ở bệnh viện bảo không sao nhưng em thấy lo vì nếu đúng phác đồ điều trị đúng ngày vẫn tốt hơn đúng không ạ? (Lê Thị Hà, Quảng Trị)

- Chào bạn, thực ra việc ngưng này cũng không ảnh hưởng tới qúa trình điều trị lắm đâu, vấn đề là chữa bệnh cho bà phải an toàn, bạch cầu phải đủ mới hóa trị được bạn ạ, nên bạn yên tâm, tin tưởng bs điều trj nhé, chào bạn.

* Mẹ em bị ung thư dạ dày di căn màng thanh mạc 12 hạch, đã mổ cắt 2/3 dạ dày nạo vét hạch, truyền hoá chất đợt 1 được 19 ngày rồi. Mấy ngày nay mẹ bị chướng bụng, bụng phình to, xì hơi được, táo bón nhẹ, lúc nào cũng thấy nghẹn ở cổ không ăn uống được nhiều. Triệu chứng này có đáng lo ngại không hay do tác dụng của hoá chất vậy bác sĩ? (Thảo)  

- Chào bạn, bạn hãy yên tâm, triệu chứng này không đáng lo ngại lắm. Thông thường đây là tác dụng phụ của truyền hóa chất thôi, có khi còn buồn nôn, nôn, rụng tóc, sốt kèm theo nữa. Khi HT xong thì tác dụng phụ dần sẽ hết ,bạn ạ..

* Ba của em bị K dạ dày (K thân vị). Cách đây 40 ngày phát triệu chứng nôn ói và đau bụng. Bác sĩ cho nhập viện phẫu thuật, tuy nhiên, đã có di căn hạch khắp bụng và không cắt được dạ dày, chỉ có thể thực hiện nối ruột để ăn và mở hậu môn ở bụng để dịch mật ở dạ dày tiết ra và giảm việc nôn ói cho ba.  Ba em đã ở giai đoạn cuối, giờ nếu hóa trị thì tỉ lệ đáp ứng không cao, và nếu cơ thể không chịu thuốc thì có thể thời gian sống chỉ tính bằng ngày hoặc tuần.Có cách nào để ba sống lâu hơn không bác sĩ?  (thanhthu22081985@...)

- Chào bạn, bạn hỏi sẽ sống bao lâu nữa, muốn kéo dài hơn, việc này còn tùy thuộc vào tiến triển của bệnh, đáp ứng của thuốc, vào chăm sóc, vào tinh thần,vào dinh dưỡng nữa bạn ạ, chúc ba bạn có chất lượng sống tốt hơn trong những ngày cuối…

* Năm 2017, kết quả sinh thiết của ba mình là carinom tuyến biệt hoá vừa, CT thì không phát hiện có hạch, bác sỹ chỉ định mổ cắt 1/2 dạ dày. Sau đó kết quả giải phẫu bệnh cho thấy không phải K dạ dày, không cần hoá trị. Bác sỹ cũng giải thích ba mình là giai đoạn tiền ung thư nên không cần hoá trị, là giai đoạn vàng, lúc sinh thiết đã lấy hết tế bào ung thư. Từ đó đến nay ba mình vẫn đi tái khám định kỳ, mọi thứ vẫn bình thường. Như trường hợp ba mình thì liệu khả năng bị ung thư sau này có cao không bác sĩ? (Lê Thanh Quý)      

- Chào bạn, thực ra vẫn không thể loại trừ K.dd sau này, nhưng tỉ lệ là rất thấp, nên bạn không cần lo lắng quá , có thể nói là khỏi rồi đấy, nhưng vẫn cần khám định kỳ theo hướng dẫn của bs, chào bạn nhé.

* Tôi có đi khám và làm xét nghiệm có kết quả xét nghiệm như sau: H.pylori IgG POS < 500 và H.pylori IgM NEG >10 chỉ số này nói lên điều gì và tôi có bị viêm dạ dày không? Trước đó 6 tháng tôi đi xét nghiệm thì igG POS 439 và igM là NEG 24.6 Xin hỏi tôi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày không? (Nhật Minh, minhnguyennhat@...)

- Chào bạn Nhật Minh, theo bạn chia sẻ thì kết quả xét nghiệm IgG của bạn cao(+) nghĩa là bạn đã từng bị nhiễm HP, giai đoạn mãn hoặc đã khỏi. Còn IgM (-),âm tính nghĩa là hiện nay bạn không nhiễm HP, như vậy nguy cơ bị ung thư dạ dày do nhiễm HP là không còn. Nếu có điêu kiện bạn nên đi soi dạ dày để biết tình trạng cụ thể của dạ dày mà có những hướng xử lí tiếp theo. Chúc bạn khỏe nhé.

* Thưa bác sĩ! Tôi 53 tuổi, thường bị ợ chua và hay nhói đau ở vùng thắt ngực như nghẹt thở. Tôi đã khám bệnh, nội soi, xét nghiệm và được chẩn đoán là viêm vi khuẩn HP, nấm thành thực quản. Xin hỏi tôi có thể dùng CurmarGold được không? Hiện tại tôi vẫn dùng thuốc concord (huyết áp 1.25mg /ngày) và thỉnh thoảng cũng dùng Gucoseamine (xương khớp). Mong bác sĩ cho lời khuyên. (Giang Anh, ngothigiangan@...)

- Chào bạn Giang Anh, như bạn trao đổi thì bạn được chẩn đoán  nhiễm HP,

Nấm thành thực quản, bạn hỏi có dùng CurmarGold được ko?

Có thể dùng được bạn ạ. Nhưng đây không phải là thuốc điều trị, bạn hiện đang dùng thuốc HA, rồi glucosamine…

Thực ra bạn cần điều trị bệnh nhiễm HP, vì nó là 1 trong những yếu tố gây ung thư dạ dày đó, bạn cần tới bệnh viện để chữa bệnh này, bệnh này chữa khỏi được bạn ạ.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp