06/04/2015 11:04 GMT+7

​Có thật Phần Lan đòi bỏ dạy toán, lý, hóa?

NGUYỄN VẠN PHÚ
NGUYỄN VẠN PHÚ

TT - Không biết do đâu một loạt báo rút tít “giật gân”: Phần Lan xóa sổ các môn toán, lý, hóa... Người nóng ruột lên tiếng ngay “VN không thể bỏ dạy các môn toán, lý, hóa như Phần Lan”.

Ảnh minh họa

Nói cho sòng phẳng các chuyên gia giáo dục trong nước, khi được phỏng vấn về chuyện này, đều nhấn mạnh gọi là “xóa sổ” chứ thật ra phải nói Phần Lan vẫn dạy cho học sinh các môn này nhưng không thành môn học riêng biệt mà “tích hợp” chúng trong các tình huống cụ thể.

Có lẽ “đầu têu” là bài báo gốc trên tờ The Independent của Anh. Nhưng báo này cũng không đến nỗi rút tít gây hiểu nhầm như thể Phần Lan muốn bỏ các môn khoa học tự nhiên. Báo này nói rõ ngay trong tít là Phần Lan bỏ dạy theo môn học, thay vào đó dạy theo chủ đề.

Xuống dưới bài báo cho các ví dụ cụ thể để nhấn mạnh thay vì học các sự kiện, học sinh sẽ được học các giải pháp; thay vì học theo lớp, học sinh sẽ được học theo nhóm nhằm cùng nhau giải quyết một vấn đề cụ thể...

Nhưng điều đáng nói là mấy ngày sau khi The Independent đăng bài này thì giới quản lý giáo dục Phần Lan đã lên tiếng khẳng định hoàn toàn không có chuyện nước này bỏ dạy các môn học!

Tờ Finland Times trích lời người phát ngôn của Ủy ban Quốc gia giáo dục Phần Lan Hannu Ylilehto cho biết: “Đáng tiếc, bài báo đã tạo ra ấn tượng không đúng về những gì chúng tôi đang làm trên bình diện quốc gia”.

Ông này cho biết ngành giáo dục hiện chỉ yêu cầu các trường xây dựng ít nhất một kỳ học “đa môn” tập trung vào một hiện tượng hay một chủ đề mà học sinh quan tâm. Riêng ở thủ đô Helsinki thì các trường phải có ít nhất hai kỳ học như thế, mỗi kỳ kéo dài vài tuần.

Các kỹ năng được nhấn mạnh trong các kỳ học là khả năng phối hợp học cùng lúc với nhiều giáo viên phụ trách các môn học khác nhau và các kiến thức nền, giúp nắm được bản chất vấn đề được đem ra thảo luận.

Bước cải cách này mới được thông qua vào cuối năm 2014 và sẽ được áp dụng vào tháng 8-2016.

Giới chức giáo dục Phần Lan nhấn mạnh các môn học riêng lẻ vẫn sẽ tồn tại, chỉ có sự gắn kết các môn khoa học tự nhiên với nhau hay các môn mỹ thuật và ngôn ngữ với nhau hơn.

Tờ Washington Post thì trích đăng bài của nhà giáo dục Phần Lan nổi tiếng Pasi Sahlberg trong một bài báo mang tựa đề “Không, Phần Lan không bỏ các môn học truyền thống. Đây mới là sự thật”.

Sahlberg nhấn mạnh đặc điểm của nền giáo dục Phần Lan: đó là sự tự chủ cao của các trường khi được quyền tự quyết định dạy gì, dạy như thế nào.

Vì thế chương trình khung quốc gia chỉ gợi ý về kỳ học “đa môn” theo chủ đề, còn tiến hành như thế nào thì tùy từng trường quyết định. Quá trình thiết kế các kỳ học này có sự tham gia của học sinh.

Dù sao bài báo trên tờ The Independent đã buộc nhiều người phải suy nghĩ lại các vấn đề rất cơ bản như vai trò của giáo dục. Có thể thấy Phần Lan không muốn làm cách mạng giáo dục như nhiều người lầm tưởng, nước này chỉ muốn liên tục cải cách giáo dục để con em họ nhận được nền giáo dục mà họ tin là tốt nhất.

Chính vì thế, nỗ lực cải cách lần này không nhằm nâng thứ hạng Phần Lan trong các kỳ thi quốc tế. Năm 2003 học sinh Phần Lan đứng thứ nhì trong kỳ thi PISA nhưng đến năm 2012 tụt xuống hạng 12.

Nhà giáo dục Sahlberg cho rằng dạy theo chủ đề sẽ có thể càng làm học sinh Phần Lan tụt hạng khi đi thi, nhưng giới chức giáo dục vẫn cho rằng nhà trường phải dạy cho học sinh những gì chúng cần trong cuộc sống chứ không phải dạy cho các em đi thi đạt thứ hạng cao.

Vì thế, vấn đề không phải là bỏ dạy môn toán! Vấn đề là làm sao học sinh không bị nhồi nhét kiến thức mà không biết sử dụng kiến thức đó vào việc gì.

Đó cũng không phải là chuyện coi môn này quan trọng hơn môn kia, mà làm sao để phối hợp các môn vì ngày nay chỉ giỏi một môn học nào đó không thôi chưa đủ để ứng xử trong một xã hội đa kỹ năng.

 

NGUYỄN VẠN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp