Cô Thanh bên những học trò miễn phí của mình - Ảnh: LÊ TRUNG |
Lớp học nhỏ tọa lạc trong mái hiên ngôi nhà cũ kỹ của cô Thanh. Một tấm bảng phai màu sơn đen và vài dãy bàn ghế đã in hằn nhiều vết ố. Trong lớp học ấy, những em bị nhiễm chất độc da cam, mồ côi cha mẹ và những đứa trẻ bình thường cùng học với nhau.
Cô giáo có gương mặt khắc khổ trìu mến cầm tay mỗi đứa trẻ, tập cho chúng nắn nót viết từng chữ.
Nhà giáo tận tụy
Cô Thanh kể đầu năm 1980 ra trường, cô dạy học ở huyện Trà My (Quảng Nam). Đến năm 1984, cô được chuyển về gần nhà dạy Trường tiểu học Trần Ngọc Sương (sau này là Trường tiểu học Tiên Thọ).
Sinh ra, lớn lên ở vùng đất bom đạn khói lửa triền miên này, cô biết rõ nơi đây có nhiều trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Nhiều em không được đi học, cô thấy thương quá nên ấp ủ mở một lớp học tại nhà dạy miễn phí cho chúng.
Năm 1993, tâm nguyện ấy của cô mới được thực hiện. Cô đã ngược xuôi lên phòng giáo dục huyện xin một cái bảng và vài bộ bàn ghế cũ đem về tận dụng để dạy học.
“Hồi đó cứ dạy một buổi trên trường, buổi còn lại tôi dạy cho các em ở nhà. Những em được người thân xin vào học chủ yếu bị khuyết tật, học sinh nghèo hoặc mồ côi cha mẹ. Mới đầu chỉ có hơn chục em nhưng sau đó phụ huynh xin vào đông mấy chục đứa, tôi nhận hết. Có khi một năm tôi dạy gần trăm em” - cô Thanh nhớ lại.
Chuyện cô Thanh dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật được đồn xa nên có một đoàn từ thiện về đây, đặt vấn đề tài trợ xây hai lớp học cho trẻ khuyết tật ở xã Tiên Thọ với điều kiện cô Thanh phải là người trực tiếp dạy. Mừng quá cô nhận lời ngay, sắp xếp thời gian các buổi không ở trường thì cô đến hai lớp này dạy. Thời gian còn lại cô dành cho các cháu mồ côi, nghèo khó tại nhà mình.
“Dạy từ năm 1997 đến năm 2002 thì hai lớp đó giải tán vì địa phương có cơ chế cho các cháu tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng một thời gian sau các cháu cũng trở về học lại tại nhà cô, thế là tôi nhận luôn” - cô Thanh kể.
Niềm vui duy nhất
Cô Thanh dạy bằng cả tấm lòng một nhà giáo, có bao nhiêu chỉ vẽ các cháu bấy nhiêu. Đối với những cháu học xong mẫu giáo lên lớp 1, cô dạy cho biết đọc, viết con chữ. Những cháu từ lớp 2 đến lớp 4 cô dạy môn toán, tiếng Việt với những kiến thức như trên trường cô dạy học sinh. Với những đứa trẻ khuyết tật cô có giáo án đặc biệt phù hợp hơn.
Cô còn trích tiền lương ba cọc ba đồng của mình mua sách, vở, dụng cụ học tập cho những cháu có hoàn cảnh nghèo khó. Có đứa mồ côi cha mẹ, cô giữ ở lại cho ăn cơm nhà mình.
Dường như việc “gõ đầu trẻ” là cả cuộc sống của mình nên đến giờ cô Thanh vẫn chưa có chồng con, hằng ngày cô sống cùng mẹ của mình. Cô nói: “Mình vẫn thấy lòng đủ đầy khi có những đứa trẻ bên cạnh mỗi ngày. Đó là niềm vui duy nhất của đời mình”.
Năm 2016 cô Thanh về hưu nhưng vẫn chưa “nghỉ hưu” ở lớp học nhà mình. Mỗi ngày cô vẫn lấy dạy học làm niềm vui tuổi già. “Tôi sẽ dạy các em đến khi nào tay không cầm được phấn nữa thì thôi” - cô nói mãn nguyện.
Cái tâm trong sáng Cô Nguyễn Thị Thanh đã được tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - chủ tịch Hội khuyến học xã Tiên Thọ - cho rằng nhiều năm nay cô Thanh đã giúp rất nhiều trẻ em khuyết tật, nghèo khó ở xã bằng một cái tâm trong sáng. “Cô đã đóng góp công sức cho công tác khuyến học của xã, giúp các em dù khó khăn đến mấy cũng được học hành đàng hoàng. Tất cả những chuyện cô làm đều từ tấm lòng của nghề giáo” - bà Tâm nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận