Robot Tấm đang trả lời các câu hỏi do bác sĩ đưa ra - Ảnh: CTV
Và càng bất ngờ khi các loại robot này đều là sản phẩm do Bệnh viện Quân dân y miền Đông mày mò nghiên cứu sáng tạo.
Hình dáng của robot rất thân thiện, giống như một nữ y tá, có khả năng di chuyển tự động trong khu vực sảnh tiếp đón bệnh nhân, có thể giao tiếp và nhớ tên người bệnh nhằm hướng dẫn, trả lời đa dạng các câu hỏi từ người bệnh.
Ông TRƯƠNG HOÀNG VIỆT (giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông)
"Tấm ơi, Tấm ơi, bạn đang làm gì ở đây thế?"
"Sự ra đời của các loại robot, đặc biệt là robot Tấm xuất phát từ mong muốn làm cho người bệnh cảm thấy hài lòng hơn - đó cũng là lý do robot được lấy tên là Tấm" - ông Trương Hoàng Việt, giám đốc bệnh viện, chia sẻ.
"Tấm ơi, Tấm ơi, bạn đang làm gì ở đây thế?" - bác sĩ Việt hỏi. Chỉ mất ít giây, Tấm - con robot có ngoại hình một cô y tá xinh đẹp - đáp lại: "Tôi đứng đây để đón tiếp, hướng dẫn người bệnh đến chăm sóc sức khỏe". Ai nấy trong hội trường một phen bất ngờ trước câu trả lời như "người thật".
Và theo lời ông Việt, tới đây hình ảnh này sẽ không còn quá xa lạ bởi robot Tấm và hàng loạt robot khác sẽ xuất hiện ở mọi nơi trong bệnh viện để phục vụ người bệnh.
Từ ý tưởng ban đầu đến lúc cho ra lò robot Tấm đầu tiên, êkip thực hiện phải trải qua quá trình mày mò, sáng tạo trong việc in 3D, kết nối các mạch điện với thời gian chỉ 1,5 tháng, chi phí bỏ ra khá khiêm tốn, khoảng 40 triệu đồng.
Robot Tấm được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ vạn vật kết nối (IoT) với khả năng nhận dạng người, vật cản, xử lý và phân tích ngôn ngữ giao tiếp.
Trên thân thể robot được thiết kế bảng điện tử, có thể giúp người bệnh tra cứu danh mục viện phí và cho phép đặt lịch hẹn khám bệnh theo các chuyên khoa. Điều đặc biệt là robot "Tấm" có khả năng đi lòng vòng hỗ trợ người bệnh khoảng 2 tiếng, nếu pin yếu có thể tự động đến nơi sạc pin.
Một điểm lợi thế của robot mà các nhân viên y tế khó lòng thực hiện là nhận dạng hành động thiếu ý thức và phát loa nhắc nhở. "Khu vực khám bệnh, có một số người hút thuốc, xả rác, thậm chí tổ chức nhậu. Nếu nhân viên y tế nhắc nhở có thể xảy ra xích mích nhưng khi robot nhắc thì người bệnh tỏ ra vui vẻ chấp hành" - ông Việt chia sẻ.
Tuy vậy, ông Việt cho rằng đến thời điểm này ông vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với Tấm. Đó là dù robot được nhúng trí tuệ nhân tạo, sử dụng big data (dữ liệu lớn) giọng nói nhưng trong giao tiếp nhiều lúc robot chưa nhận dạng đầy đủ và đôi lúc phải nhắc lại lần hai.
"Hi vọng theo thời gian, được giao tiếp với nhiều câu hỏi, giọng điệu khác nhau, robot sẽ học hỏi và tích lũy thông tin để ngày càng hoàn thiện mình hơn" - ông Việt nói.
Robot lau sàn vệ sinh có thể giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí nhân lực, tự động lau chùi khi bẩn hoặc có mùi hôi vượt mức quy định - Ảnh: HOÀNG LỘC
Dọn vệ sinh, phục hồi cánh tay
Ngoài robot Tấm, Bệnh viện Quân dân y miền Đông còn ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại như robot lau sàn nhà vệ sinh, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật. Trong bối cảnh quá tải bệnh viện, nhu cầu đáp ứng vệ sinh được đánh giá ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của người bệnh thì sự ra đời robot lau dọn được xem là giải pháp khá mới.
Thay vì cắt cử nhân viên vệ sinh "trực chiến" lau chùi, với robot lau sàn nhà vệ sinh có thể liên kết với hệ thống quan trắc nhà vệ sinh, từ đó tự động hóa trong việc lau dọn định kỳ, khi bẩn hoặc có mùi hôi vượt ngưỡng cho phép.
Đặc biệt, nó có thể hoạt động trong môi trường ngập nước, nhiệt độ và độ ẩm cao. Lau và sấy khô bề mặt nhà vệ sinh mà không cần bất cứ sự can thiệp, tác động của con người.
"Ngoài việc giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, robot có hình dạng lạ mắt, ngộ nghĩnh có thể giúp người bệnh quên hết bực dọc, khó chịu trong lúc chờ khám bệnh" - nhóm nghiên cứu đánh giá.
Đứng trước thực tế giá các sản phẩm hỗ trợ cho người bệnh tàn tật khá cao khiến nhiều người không đủ tiền mua, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Trương Hồng Việt cho ra đời cánh tay robot để hỗ trợ.
Với chi phí khoảng 60 triệu đồng (giá thế giới khoảng 2,3 tỉ đồng), "cánh tay giả" được đánh giá là "cơ hội hồi sinh" cho các cánh tay người khuyết tật, có khả năng chuyển động phức hợp từ các khớp, gân, ngón tay… nhằm giúp người khuyết tật có thể cầm nắm các vật thông thường như quả trứng, cái ly và các nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt.
"Sản phẩm này đang được thử nghiệm lâm sàng với các bệnh nhân mất tay hoặc bệnh binh đang điều trị tại bệnh viện. Và ngoài vấn đề thẩm mỹ, thời gian tới chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người khuyết tật chân hoặc liệt tay chân do di chứng tai biến mạch máu não" - bác sĩ Việt chia sẻ và cho biết các loại robot này sẽ được nhân rộng sử dụng đại trà trong bệnh viện đầu năm 2020.
Xây dựng "bệnh viện thông minh"
Thiếu tướng Võ Văn Thi - phó tư lệnh Quân khu 7 (Bộ Quốc phòng) - đánh giá Bệnh viện Quân dân y miền Đông là đơn vị đạt kết quả nổi bật trong nghiên cứu, ứng dụng các nhóm công nghệ phần mềm gồm quản trị thông minh, hỗ trợ người bệnh và hỗ trợ nhân viên y tế.
Ngoài các robot nêu trên, bệnh viện còn áp dụng công nghệ thông tin trong trang bị hệ thống gọi số thứ tự cầm tay không dây, cân đo thể lực tự động, tủ lưu trữ hồ sơ thông minh, hệ thống kiểm soát ra vào phòng bệnh và thiết bị nhắc nhở, cảnh báo nguy hiểm cho người bệnh…
Tất cả các ứng dụng này đều hướng đến xây dựng mô hình "bệnh viện thông minh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận