Các nhà khoa học nói có nhiều căn cứ cho thấy sự sống có thể tồn tại trên mặt trăng Enceladus của sao Thổ - Ảnh minh họa: NASA |
Theo Tech Times ngày 10-5, có nhiều căn cứ để các nhà khoa học đưa ra kết luận trên, mới đây nhất là kết quả phân tích dữ liệu do tàu thăm dò Cassini của NASA gửi về. Theo đó, các đại dương trên Enceladus có thể mặn như đại dương ở Trái đất, với độ pH đạt mức 11 hoặc 12 - mức cho phép một số vi sinh vật sống trên Trái đất tồn tại.
Trên tạp chí Geochimica et Cosmochimica Acta, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Christopher Glein (thuộc ĐH Carnegie Mellon, Mỹ) đứng đầu, cho biết độ pH này do một quá trình địa hóa học có tên là serpentinization gây ra.
"Việc phát hiện serpentinization trên Enceladus khiến nó trở thành một ứng cử viên đầy hứa hẹn cho sự sống tồn tại", Glein nói.
Enceladus là mặt trăng lớn thứ sáu trong số 62 mặt trăng của sao Thổ với đường kính chỉ khoảng 500km. Các nhà khoa học tin nó là một trong những nơi tốt nhất trong Hệ mặt trời có thể hỗ trợ cho sự sống.
Họ cũng cho rằng có thể có nước ở dạng lỏng bên dưới bề mặt phủ băng của Enceladus. Các nghiên cứu trước đó về Enceladus cũng tiết lộ rằng các đại dương bên dưới bề mặt nó cũng có thể tiếp xúc với lớp manti (giống lớp nằm giữa vỏ và nhân của trái đất) gây ra phản ứng hóa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận