Tiêm chất làm tan mỡ cho khách hàng tại một cơ sở làm đẹp trái phép - Ảnh: XUÂN MAI
Có một thực trạng nhức nhối là khi xử phạt chỗ này, các cơ sở lại chạy qua chỗ khác hành nghề.
Ông Tăng Chí Thượng(phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM)
Đây chỉ là một trong bốn ca mất thị lực sau tiêm filler mà Bệnh viện Mắt T.Ư tiếp nhận gần đây, nhưng điều này cho thấy những hiểm nguy gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng với chị em có nhu cầu làm đẹp.
Mù mắt vì tiêm chất làm đầy nâng mũi
Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh - trưởng khoa chấn thương Bệnh viện Mắt T.Ư, người đã tiếp nhận điều trị ban đầu cho bệnh nhân - cho biết ông bị sốc vì thấy rất thương cháu bé.
"Bệnh nhân được tiêm chất làm đầy tại spa của bạn vào lúc 18h ngày 21-10. Sau 30 phút, cháu bé thấy chóng mặt, buồn nôn, sau 4 giờ xuất hiện ban tím vùng trán, mũi kèm theo đau nhức, đến 24h cùng ngày mất thị lực hoàn toàn ở mắt phải và đau đầu nhiều.
Chúng tôi đã tiếp nhận bốn ca như vậy nhưng cháu bé này là nhỏ tuổi nhất. Việc điều trị bằng cách tiêm tan (làm tan chất làm đầy đã tiêm) có hiệu quả trong 4 giờ đầu, nhưng để muộn thì hiệu quả thấp hơn, thậm chí là không có hiệu quả. Chúng tôi đã chuyển cháu sang Bệnh viện Da liễu T.Ư để điều trị tiếp" - bác sĩ Quốc Anh nói.
Theo bác sĩ Quốc Anh, một điểm chung mà ông thấy ở cả bốn bệnh nhân là đều bị mất thị lực ở mắt phải, có thể do tay phải là tay thuận của người tiêm nên khi tiêm bị lệch về phía đó.
Quản lý kiểu "thả gà ra đuổi"
Sau khi biến chứng xảy ra với bệnh nhân 13 tuổi, cơ quan chức năng ở Nghĩa Lộ, Yên Bái mới kiểm tra thẩm mỹ viện nơi tiêm chất làm đầy cho cháu bé. Nhưng đây không phải là vụ việc "thả gà ra đuổi" đầu tiên sau các ca biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngay tại Hà Nội, trong tháng 10-2019 liên tiếp có bệnh nhân bị tai biến thuốc gây tê và tai biến sau hút mỡ bụng (ca tai biến hút mỡ bụng tại một cơ sở ở Kim Ngưu). Cơ sở này cũng hoàn toàn không phép, và các bệnh nhân đều được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.
Cùng lúc, khách hàng đến nhấn mí tại cơ sở làm đẹp của chị V.T. ở TP.HCM, theo khách hàng bị tai biến thì chính chị V.T. đã nhấn mí cho mình, hậu quả là mũi khâu chằng chịt, chị không thể nhắm mắt được trong khi chi phí tới tận 48 triệu đồng.
Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội có trên 70 cơ sở làm đẹp được ngành y tế cấp phép, số còn lại là các cơ sở chăm sóc da, làm đẹp không xâm lấn (như phun lông mày) thì UBND TP Hà Nội đã giao các UBND quận huyện, nơi cơ sở đó đặt trụ sở, quản lý.
Các cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ gây chảy máu như nhấn mí, làm lúm đồng tiền, xăm môi, xăm lông mày..., nhưng thực tế nhiều cơ sở trong số này có làm dịch vụ gây chảy máu, thậm chí cả hút mỡ bụng như cơ sở ở Kim Ngưu vừa qua.
"Các chị em có nhu cầu làm đẹp có thể vào website của Sở Y tế, ở đó chúng tôi có cập nhật danh sách các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép. Hãy kiểm tra kỹ theo danh sách, và khi đến làm đẹp, chị em có thể xem biển hiệu của cơ sở, xem có tên bác sĩ, giờ làm việc, số giấy phép của Sở Y tế cấp" - ông Cường nói.
Vấn đề đáng nói hơn cả là nhóm thẩm mỹ viện vốn chỉ được phép chăm sóc da, massage hay phun lông mày nhưng... làm đủ thứ. Khi đến một cơ sở làm đẹp ở Vạn Phúc, chúng tôi thấy kỹ thuật viên chỉ được đào tạo ngành cắt tóc lại tiêm... botox cho khách, ở cơ sở này cũng có thể tiêm chất làm đầy. Chẳng ai quản lý!
Ngành y tế thì nói "thành phố đã giao địa phương", địa phương lại nghĩ đó là do ngành y tế quản. Chỉ khi nào tai biến xảy ra mới đi kiểm tra thì lúc này đã có người bị ảnh hưởng thân thể, sức khỏe!
Cần công khai các cơ sở vi phạm
Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã có nhiều người đề xuất tăng mức phạt đối với các cơ sở làm đẹp có vi phạm. Nhưng tăng đến mức nào thì họ vẫn nộp phạt.
"Tôi đề nghị các địa phương hãy lập một website chuyên công khai các cơ sở có vi phạm để khách hàng tránh họ ra, như vậy cơ sở mới sợ và thực hiện quy định nghiêm hơn" - ông Khuê nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận