Hội nghị ngày 12-5 - Ảnh: MINH HÒA
Tham dự hội nghị có ông Ngô Minh Châu - phó chủ tịch UBND TP.HCM; thiếu tướng Lê Hồng Nam - giám đốc Công an TP; thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C07) Bộ Công an; đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - phó giám đốc Công an TP cùng đại diện các sở, ngành, quận, huyện TP…
Tại hội nghị, đại diện UBND quận 11 (TP.HCM) cho biết hiện nay trên địa bàn quận còn tồn tại nhiều nhà dân xây dựng tạm bợ, trong đó có chứa nhiều vật liệu dễ cháy cộng với địa hình nhiều hẻm nhỏ, xa đường lớn nên công tác chữa cháy cũng gặp khó khăn.
Trên địa bàn quận 11 có 15 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó 5 cơ sở kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Trong khi đó việc đăng ký các cơ sở kinh doanh hóa chất hiện nay rất dễ, chỉ cần khai báo là cấp giấy phép kinh doanh, không có ràng buộc, còn công tác chế tài, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động cũng còn bất cập.
UBND quận 11 mong thời gian tới, đơn vị của Bộ Công an cũng như Công an TP hướng dẫn cho các công an quận, huyện để làm sao thực hiện tốt việc đã vi phạm là phải xử lý đình chỉ và có hướng di dời các cơ sở hóa chất nguy hiểm trong khu dân cư, những cơ sở này như những "quả bom nổ chậm".
Thiếu tướng Hùng đề nghị Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP tham mưu cho ban giám đốc Công an TP làm việc với từng UBND các quận, huyện.
UBND cấp phường, xã phải chủ trì giao nhiệm vụ cho công an xã, phường, mà cụ thể là cảnh sát khu vực, đội cảnh sát PCCC trên địa bàn phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nơi, vào đến tận nhà dân chỉ những chỗ nào sai để dân khắc phục.
Theo Thứ trưởng Hùng, đặc điểm những vụ cháy lửa bùng rất nhanh, phải lên phương án triển khai phối hợp để làm sao huy động nhanh lực lượng, đừng cát cứ, phân chia địa bàn quận này, quận kia.
"Ví dụ cháy ở quận 11 mà đơn vị chữa cháy quận khác gần hơn đứng nhìn là không được. Các đồng chí phải xây dựng lại phương án, sơ đồ, phương án tác chiến, điều động lực lượng như thế nào cho hiệu quả, đảm bảo nhanh nhất", Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - phó giám đốc Công an TP.HCM - báo cáo tại hội nghị - Ảnh: MINH HÒA
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng báo cáo từ ngày 15-12-2020 đến 8-5-2021, số vụ cháy tại TP được kiềm chế, kéo giảm so với cùng kỳ (giảm 26 vụ). Tuy nhiên số người chết, người bị thương tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 10 người chết, tăng 11 người bị thương). Số vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng tập trung tại các nhà ở đơn lẻ, số vụ cháy lớn tập trung tại các công ty, doanh nghiệp.
Các vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng về người thường xảy ra lúc rạng sáng, thời gian người dân ngủ say, khóa trái cửa, trong các hẻm nhỏ và sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai lực lượng, phương tiện...
Công an TP.HCM cần tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, huấn luyện kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người dân, doanh nghiệp và lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ... Xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các trường hợp đã được kiến nghị, nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận