Anh Ðinh Văn Châu (ở số 41 I1, đường 30-4, phường 9) cho biết nguồn gốc căn nhà trên là do anh trai của anh để lại và giấy tờ nhà hiện vẫn mang tên người anh trai. Mặc dù anh có đăng ký tạm trú tại căn nhà này từ gần 10 năm nay, con gái anh có thẻ bảo hiểm y tế ghi địa chỉ trên, có chứng chỉ hoàn thành chương trình mầm non tại một trường mẫu giáo ở phường 9 nhưng khi đem hồ sơ của cháu Ðinh Việt Hà đến Trường tiểu học Quang Trung, con anh đã bị “đánh rớt”.
Nguyên nhân là bởi chủ quyền nhà mang tên Ðinh Văn Hòa (anh trai anh Châu - PV) chứ không phải tên anh Châu. Hiện anh Châu đang lo lắng vì con gái lớn của anh đang học ở Trường Quang Trung, anh lại đi biển thường xuyên. Nếu con gái út phải học ở trường khác thì vợ anh sẽ khó khăn trong việc đưa đón con đi học.
Còn anh Phạm Duy Sơn có con là Phạm Duy Hưng cũng xin vào Trường Quang Trung nhưng bị loại hồ sơ vì thiếu giấy chủ quyền nhà mang tên anh.
Anh Sơn hiện đang thuê nhà số 6 đường 30-4 từ năm 2009 để cư ngụ và mở tiệm photocopy - chỉ cách Trường tiểu học Quang Trung vài trăm mét. “Thuê nhà như tôi thì lấy đâu ra sổ đỏ, giấy tờ nhà. Nhà trường yêu cầu như vậy thì khó cho những người như chúng tôi quá” - anh Sơn nói.
Ðáng nói hơn là trường hợp của cháu Nguyễn Thị Hương Lý hiện cư ngụ nhờ tại nhà bác của mình ở số 20 Lương Thế Vinh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Lê Thị Hà - mẹ cháu Lý - phải đưa con xuống ở nhờ nhà bác tại địa chỉ trên từ năm 2007 đến nay. Nhưng cũng như những trường hợp trên, cháu Lý bị nhà trường loại hồ sơ. “Quy định như nhà trường, phòng giáo dục đưa ra là vô lý. Vô lý đối với những đứa trẻ con nhà nghèo, không có đất ở, phải tạm trú, ở nhờ như cháu nhà tôi” - bà Lê Thị Tuyến bức xúc nói.
Chiều 20-7, cô Nguyễn Thị Thu - người nhận và kiểm tra hồ sơ của Trường tiểu học Quang Trung - cho biết theo danh sách từ Phòng GD-ÐT TP Vũng Tàu đưa xuống, đợt 2 này nhà trường tuyển 57 em nhưng thực tế chỉ còn 55 em vì một trường hợp đã được tuyển vào đợt 1 và một trường hợp trùng tên. Tính đến chiều 20-7, trong 55 em này chỉ có 19 em đủ các giấy tờ, trong đó có “sổ đỏ”, có giấy chứng nhận sở hữu nhà đứng tên bố mẹ. Còn 29 em chủ yếu thiếu “sổ đỏ”, giấy sở hữu nhà đứng tên cha mẹ nên nhà trường không nhận. Bảy em còn lại chưa thấy bố mẹ, phụ huynh liên hệ trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thanh Tuyền, hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, cho biết quy định trên là của phòng giáo dục đưa về và nhà trường không thể làm khác. Những trường hợp không tuyển được sẽ lập danh sách, ghi rõ lý do gửi về phòng. Còn ông Võ Văn Lương, trưởng Phòng GD-ÐT TP Vũng Tàu, khẳng định phòng không có quy định như trên mà chỉ yêu cầu công an phường, tổ dân phố xác minh lại nơi thường trú của học sinh. Dù ai có hộ khẩu ở phường 9 nhưng không thường trú ở đây thì cũng loại.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sở dĩ Trường tiểu học Quang Trung làm như trên là xuất phát từ chỉ đạo của UBND TP Vũng Tàu và Phòng GD-ÐT. Cụ thể, tại quyết định phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 1 năm học 2013-2014 do bà Nguyễn Thị Bạch Ngân - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - ký ngày 2-7 có quy định: “Riêng đối với phường 9, tuyến vào Trường tiểu học Quang Trung và Trưng Vương chỉ khi gia đình học sinh có hộ khẩu thường trú và nhà ở tại nơi cư trú”. Bà Lê Thị Thanh Tuyền cũng cho hay phiếu báo tuyển sinh lớp 1 có in đậm dòng chữ “Bản photo sở hữu nhà ở của bố mẹ” cũng do Phòng GD-ÐT in ra và phát cho nhà trường, nhà trường chỉ việc đóng dấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận