30/06/2019 11:34 GMT+7

Cô sinh viên năm nhất kiếm 2,88 triệu USD cho giáo dục

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Được sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần từ Room to Read (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục), hàng ngàn nữ sinh tại các vùng quê nghèo miền Tây đã thoát khỏi nghèo khó bằng con đường học vấn.

Cô sinh viên năm nhất kiếm 2,88 triệu USD cho giáo dục - Ảnh 1.

Kim Thùy chia sẻ với các nữ sinh đang học phổ thông cách vượt qua những trở ngại tâm lý tuổi dậy thì tại trại hè do Room to Read tổ chức vào cuối tháng 5-2019 - Ảnh: RtR

Đến bây giờ em vẫn thấy niềm tin vào việc đi học của mình là đúng đắn.

Đinh Thị Kim Thùy

"My name is Thuy Dinh, I’m from Trà Ôn, Vĩnh Long, Việt Nam", giọng nói tự tin của Đinh Thị Kim Thùy, nữ sinh viên năm 1 ngành kinh doanh thương mại khoa kinh tế Đại học Cần Thơ, trong một ngày cuối tháng 2-2019 tại buổi kêu gọi sự hỗ trợ thiện nguyện do Room to Read tổ chức tại Hong Kong. 

Những tràng vỗ tay vang lên đáp lại Thùy từ 200 người thành đạt khắp thế giới quy tụ về đây.

Diễn giả tiếng Anh sau... 1 tháng

Hiện có mặt tại 16 quốc gia, Room to Read đến Việt Nam từ năm 2001 và đã xây gần 1.400 thư viện tại 25 tỉnh thành. 

Tính đến năm 2018, đã có hơn 6.000 nữ sinh tại các vùng khó khăn của TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh được chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh của tổ chức này giúp đỡ.

Và những buổi mà Thùy đang phát biểu nhằm mục đích gây quỹ cho chương trình tiếp tục hoạt động. 

Những người tham gia sẽ tùy vào cảm hứng mà rút hầu bao của mình giúp đỡ các nữ sinh nghèo của nhiều quốc gia được đến trường.

"Cho phép tôi chia sẻ với các bạn một câu trích dẫn của Nam Cao, nhà văn tôi ưa thích: kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên người khác, kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của chính mình. Cảm ơn các bạn đã đến đây, với cả trái tim và đôi vai mạnh mẽ đã hỗ trợ tôi cũng như rất nhiều bạn nữ khác ở Việt Nam...". Tiếng vỗ tay lại dậy lên.

"Bạn ấy như một diễn giả chuyên nghiệp! Rất nhiều người ở bữa tiệc liên tục trầm trồ sau phần phát biểu của Thùy" - chị Huỳnh Mỹ Ngọc, cán bộ kỹ thuật của chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh, người cùng Thùy tham dự buổi thiện nguyện tại Hong Kong, kể lại.

Chị Ngọc cho biết: "Trước đó, chúng tôi cũng từng đưa nhiều em nữ sinh trưởng thành từ chương trình đi tham gia các bữa tiệc gây quỹ ở Singapore, Thụy Sĩ, Nhật, Pháp... nhưng chưa có bạn nữ sinh nào ít vốn tiếng Anh như Thùy. Nhưng Thùy lại là người phát biểu tốt nhất từ trước tới nay".

Và bài phát biểu của Thùy đã góp phần tạo nên một kỷ lục mới cho các buổi gây quỹ của Room to Read trên toàn thế giới. Hơn 2,88 triệu USD (hơn 67 tỉ đồng) là số tiền buổi gây quỹ hôm đó thu được.

Để có bài diễn thuyết thành công này, Thùy chỉ có hơn một tháng luyện tiếng Anh. 

Sau khi soạn bài và được các cô chỉnh sửa giúp sang tiếng Anh cho hoàn chỉnh, cô sinh viên năm 1 đã rời phòng ký túc xá nhiều hơn ra bến Ninh Kiều (Cần Thơ) tìm khách Tây luyện tiếng Anh.

Cứ rảnh là Thùy lại luyện nói tiếng Anh. Riêng bài diễn thuyết, Thùy luyện nhiều đến mức các bạn cùng phòng ký túc xá thuộc theo.

Trước khi Thùy phát biểu, màn hình đã trình chiếu lại đoạn phim về Thùy. 

Và khi thấy cảnh cha mẹ vất vả gồng lưng xúc cát phụ hồ, thấy ông nội ngồi trong căn nhà cấp 4 lọt thỏm giữa các rạch nước, cô gái sinh ra và lớn lên từ cù lao Mây, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long đã bước lên bục thuyết giảng với tất cả cảm xúc mãnh liệt nhất.

Cô sinh viên năm nhất kiếm 2,88 triệu USD cho giáo dục - Ảnh 3.

Kim Thùy và gia đình của mình - Ảnh: RtR

Hi vọng từ "đảo Đài Loan"

Thùy là thế hệ thứ 5 lớn lên giữa cù lao Mây. "Từ đời ông nội của tui đã ở đây. Tui sinh cha của cháu Thùy ở đây, rồi cháu Thùy cũng ra đời ở đây. 

Nhưng bốn đời đã phải quay trong một vòng mưu sinh với mục đích chính là có ăn qua ngày và không thoát ra được khỏi rạch nước cù lao này" - ông Đinh Văn Son, ông nội của Thùy, tâm sự.

Mong muốn con cái thoát khỏi vòng luẩn quẩn mưu sinh trên đất cù lao của ông Son không thực hiện được, khi những đứa con ông lần lượt nghỉ học sớm. 

Ông lại dốc lòng hi vọng sự học của cháu. Mảnh đất cù lao màu mỡ chỉ đủ rau cháo cho gia đình 5 người không chết đói, nhưng tiền thì không cách gì kiếm ra được. 

Thùy cùng mẹ hết đi thu hoạch vườn mướn đến ngồi đan giỏ lục bình mòn tay. Việc tìm số tiền đủ để đóng học phí của em trở nên xa vời.

May thay, bước vào lớp 6 cũng là lúc Thùy được hỗ trợ. "Ngoài việc được Room to Read chi trả học phí, áo quần, sách vở, em còn được tặng ngay một chiếc xe đạp. Đó đúng là món quà tuyệt vời mà một đứa bé nghèo thậm chí chẳng dám nghĩ đến" - Thùy kể.

Bên cạnh đó, Thùy còn được dạy rất nhiều kỹ năng sống từ chương trình của Room to Read. 

"Nhờ những lớp học kỹ năng sống này, những cô gái ở thôn quê như em đã có thể thoát khỏi vỏ bọc, nhận định được giá trị bản thân và tự tin thực hiện những mục đích trong cuộc sống" - Thùy nói.

Cù lao Mây từ hơn hai mươi năm qua còn được nhắc đến với một tên khác: "đảo Đài Loan", với tỉ lệ phụ nữ xuất ngoại lấy chồng ở Đài Loan khá cao. Và làn sóng này vẫn còn kéo đến tận ngày nay.

"Họ hàng em cũng nhiều người bỏ học sớm, lấy chồng nước ngoài. Đến bây giờ em vẫn thấy niềm tin vào việc đi học của mình là đúng đắn. 

Em chưa làm được gì nhiều, nhưng em có rất nhiều dự định cho cuộc đời và luôn cảm thấy mình đang rất hạnh phúc" - cô sinh viên năm 1 cười tươi.

Căn nhà của Thùy giờ luôn tràn đầy nụ cười. Em gái của Thùy cũng học được từ chị sự tự tin, thỉnh thoảng khoe với chị những giải thưởng học tập, thể thao mà em đạt được. 

Ông Son luôn cười khi có ai hỏi tới cháu nội. Bởi ông đã thấy được ánh sáng tương lai của hai cháu gái mình. Chúng sẽ không còn quần quật với đói nghèo trên chốn cù lao này như những thế hệ trước nữa.

Được học bổng báo Tuổi Trẻ

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thùy đã làm đơn xin học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ và là một trong những tân sinh viên được học bổng này vào năm 2018.

Đây cũng là động lực giúp Thùy ngừng những việc làm thêm kiếm tiền giúp cha mẹ, tập trung hoàn toàn vào việc học cho những dự định tương lai.

Kỳ tới: Chuyện cô giáo Tây Thi

Room to Read mời gọi sáng tác cho thiếu nhi

TT - Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi, các họa sĩ và biên tập viên đại diện một số nhà xuất bản như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Công ty Phan Thị cùng với Tổ chức Room to Read (RtR) đã ngồi lại với nhau trong hai ngày 9 và 10-4 để thảo luận về các yêu cầu quan trọng đối với sách dành cho thiếu nhi, nhất là trẻ em lớp 1, lớp 2.


SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp