19/08/2018 12:40 GMT+7

Cô sinh viên chia sẻ thức ăn thừa

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Maria Rose Belding từng giúp đỡ trong phòng đựng đồ ăn của nhà thờ ở thị trấn quê nhà tại bang Iowa, Mỹ và sớm hiểu rằng việc giúp những người nghèo đói có đủ đồ ăn là chuyện không đơn giản.

Cô sinh viên chia sẻ thức ăn thừa - Ảnh 1.

Maria Rose Belding cùng nhóm bạn trong tổ chức phi lợi nhuận MEANS - Ảnh: CNN

Maria Rose Belding vẫn nhớ vào năm 2009, khi đó cô 14 tuổi, nhà thờ nhận được một lượng lớn mì ống và phômai quyên tặng. Số thực phẩm lớn tới mức cả vùng dùng không hết, nhưng không có cách nào để liên lạc và chia sẻ bớt cho các tổ chức từ thiện khác.

Nhiều tháng sau cô phải ném bỏ hàng trăm hộp đồ ăn hết hạn trong khi biết rõ rất nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ lương thực. 

"Tôi nhớ là mình chỉ còn biết khóc và rất tức giận - cô gái trẻ giờ đã là một sinh viên đại học 22 tuổi, nhớ lại - Lúc ấy không có cách nào giúp chúng tôi có thể liên lạc hiệu quả...".

Thực tế đó không chỉ là khó khăn riêng với Belding và cộng đồng của cô, mà tới nay vẫn còn là hai vấn đề đang gây khó khăn cho hệ thống chia sẻ lương thực tại Mỹ. 

Theo dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong khi hơn 40 triệu người Mỹ thường xuyên không có đủ thức ăn thì vẫn có tới 40% nguồn cung lương thực ở nước này bị lãng phí.

Lúc còn ở trường trung học, Belding đã nghĩ tới ý tưởng xây dựng một cơ sở dữ liệu giúp giải quyết cả hai vấn đề này, song lại không có kỹ năng lập trình để triển khai. 

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Belding gặp một người bạn học là Grant Nelson, một nam sinh ngành luật biết lập trình, và chia sẻ cùng người bạn ý tưởng đó.

Khoảng chín tháng sau, trong năm đầu tiên tại Trường đại học American, hai bạn trẻ đã cho ra mắt một tổ chức phi lợi nhuận quản lý nền tảng trực tuyến miễn phí có tên MEANS - giúp kết nối các doanh nghiệp có nguồn với các tổ chức nhân đạo chuyên hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo đói tại Mỹ.

Cách vận hành của MEANS khá đơn giản. Để được kết nối vào hệ thống và nhận thực phẩm từ nguồn quyên tặng, tổ chức đăng ký phải là một đơn vị từ thiện hợp pháp.

Khi một cửa hàng tạp hóa, nhà hàng hoặc chuỗi bán lẻ đồ ăn muốn quyên tặng thứ gì, họ chỉ cần truy cập nền tảng MEANS, gửi thông báo với những nội dung cốt lõi như họ ở đâu, có những món đồ gì cần cho và thời gian lấy đồ là lúc nào.

Kế đó, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo tới tất cả những bên có nhu cầu về món đồ phù hợp. Thuật toán của nền tảng sẽ rất nhanh chóng "bắt mối" phù hợp giữa bên có nhu cầu cho và bên có nhu cầu nhận.

Thời gian trung bình để một thông tin rao lên và có bên nhận được là một giờ. Nhưng kỷ lục nhanh nhất cho tới nay của MEANS là 2 phút 37 giây.

Kể từ năm 2015 đến nay, nền tảng MEANS, do phần lớn các học sinh trung học và sinh viên đại học điều hành, đã giúp tái phân phối hơn 800.000kg thực phẩm dư thừa tới những người có nhu cầu. Tới nay họ đã có được 3.000 đối tác tại 48 bang của nước Mỹ và đặc khu Columbia.

Belding chia sẻ: "Rất thường xuyên xảy ra tình trạng các cửa hàng rau và các nhà hàng phải vứt bỏ đồ ăn đi trong khi những cộng đồng ở gần lại đang rất cần những lương thực đó. Nền tảng MEANS mong muốn tạo điều kiện để việc quyên tặng thực phẩm dễ dàng hơn thay vì phải vứt bỏ... Chúng tôi giống như một cây cầu chưa từng có trước đây".

Từng phải nghỉ học một năm để dành trọn thời gian lo cho MEANS giai đoạn đầu, song hiện tại Belding đã tiếp tục trở lại với việc học, hằng ngày di chuyển như con thoi giữa lớp học, phòng thí nghiệm và văn phòng của tổ chức để chuẩn bị ra trường vào tháng 5 năm sau.

Vẫn biết vì công việc ở MEANS mà bản thân không được tham dự rất nhiều hoạt động đáng nhớ của thời sinh viên, song cô gái trẻ không thấy tiếc, bởi với cô, những việc đang làm quan trọng hơn nhiều mọi trò vui cá nhân khác.

Đúng như tên gọi của tổ chức: MEANS, có nghĩa là "Matching Excess And Need for Stability" (Khớp nối giữa dư thừa và nhu cầu vì sự ổn định), Belding và những người bạn của cô đang góp phần giảm bớt lãng phí, tạo thêm một sự ổn định cho cuộc sống của những người còn khó khăn trong cộng đồng và cũng tạo thêm sự ổn định cho xã hội.

“Dũng sĩ giải cứu thức ăn thừa” ở New York

TT - Trong hai năm qua, cùng với mạng lưới tình nguyện viên 1.400 người, chàng thanh niên người Mỹ gốc Triều Tiên Robert Lee đã “giải cứu” được hơn 20 tấn thực phẩm thừa, đưa tới tay những người nghèo khổ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp