Tranh của Leo về phòng chống
Chủ đề của triển lãm là phòng chống tham nhũng, nếu nghệ sĩ vẽ một khuôn mặt gợi liên tưởng tới một cá nhân cụ thể thì có nghĩa khẳng định người đó tham nhũng. Nếu nhân vật đó đã bị tòa án tuyên tham nhũng thì không sao, nhưng nếu tòa chưa tuyên mà nghệ sĩ đã “tuyên án” họ là vi phạm pháp luật
Họa sĩ biếm Lý Trực Dũng
Dù thừa nhận "rất áp lực" với một đề tài gai góc, "nhạy cảm", ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trưởng ban tổ chức triển lãm - khẳng định ban tổ chức sẽ rất cởi mở, "không có vùng cấm".
Tuy nhiên, ông cũng có một số lưu ý cho nghệ sĩ cần tránh.
Theo ông Vi Kiến Thành, nhận thấy công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là một vấn đề rất được xã hội quan tâm, nên Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch giao cho cục phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm với mong muốn giới thiệu tới công chúng những tác phẩm đả kích, châm biếm nạn tham nhũng nhưng "với tinh thần xây dựng, hướng thiện, nhân văn".
Có mặt tại lễ phát động, họa sĩ biếm Hùng Dingo và họa sĩ Lê Phương (Leo) cho biết các anh rất hứng thú với chủ đề của cuộc triển lãm lần này và sẽ nhiệt tình tham gia.
Đại diện hội đồng giám khảo, họa sĩ biếm Lý Trực Dũng bày tỏ ông tin tưởng với một chủ đề cởi mở, gai góc, triển lãm sẽ thu hút được rất nhiều tài năng, nhưng thành công của một cuộc thi thì ngoài tài năng của các nghệ sĩ còn cần cả năng lực, trình độ của ban giám khảo.
Tranh của họa sĩ biếm Lê Hùng (Hùng Dingo) được chọn in trong cuốn sách Quan tham, thuộc dự án thi vẽ biếm họa chủ đề Quan tham năm 2015
Dù khẳng định triển lãm lần này "đúng xu thế", ông Vi Kiến Thành nói ông "áp lực lắm" khi ngồi ghế trưởng ban tổ chức bởi chủ đề rất "nhạy cảm".
Chính vì tính chất "nhạy cảm" của chủ đề, nên ban tổ chức không có chủ trương đưa các tác phẩm dự thi bình chọn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định hội đồng giám khảo sẽ rất cởi mở, "không có vùng cấm".
Tuy vậy, trước câu hỏi liệu các họa sĩ có được vẽ biếm họa các lãnh đạo, ông Thành nói: "Hội đồng sẽ làm theo quy chế. Câu hỏi khó nên tôi xin trả lời khó như vậy". Còn "quy chế" ấy như thế nào thì ông Thành cũng khẳng định luôn: "Ban tổ chức không có trách nhiệm cung cấp quy chế này cho báo chí".
Họa sĩ biếm Lý Trực Dũng gợi ý các họa sĩ không vẽ những chân dung mà có thể khiến công chúng liên tưởng tới một cá nhân lãnh đạo nào đó, để "tránh những ảnh hưởng nằm ngoài ý muốn".
Ông Dũng dẫn ví dụ Giải biếm họa Cúp Rồng tre năm 2014, một bức biếm họa được giải, được đánh giá có ý tưởng tốt, nhưng sau đó đã không được triển lãm bởi chân dung trong bức biếm họa giống với một lãnh đạo của TP.HCM lúc bấy giờ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Vương Duy Biên khẳng định với Tuổi Trẻ nếu nghệ sĩ, thí sinh "làm với cái tâm đúng đắn thì Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch rất ủng hộ. Nhưng nếu lợi dụng cho những mục đích khác thì không được".
Triển lãm tranh biếm họa về chủ đề phòng chống tham nhũng dành cho mọi công dân Việt Nam trên 18 tuổi. Những tác phẩm tham dự triển lãm phản ánh vấn đề nóng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, phê bình và lên án những thói hư tật xấu, những vấn đề tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân... Tranh biếm họa tham dự triển lãm được sáng tác từ năm 2016-2018. Mỗi tác giả được gửi nhiều nhất 10 tranh. Ngoài 20 giải thưởng, tranh được chọn sẽ được in trên panô để trưng bày ngoài trời. Ban tổ chức sẽ nhận tác phẩm từ ngày 4-9 đến 7-9 tại Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, 38 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội.
Mặc dù than phiền việc xin tài trợ cho các sự kiện mỹ thuật là rất khó khăn và Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm chưa từng xin được tài trợ nào từ nguồn xã hội hóa cho các triển lãm, ông Vi Kiến Thành cho hay lần này ban tổ chức đang làm công văn xin tài trợ để gửi lên Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận