Sinh viên Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chương trình đào tạo được điều chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế, kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề mới có được giá trị thực sự trong việc bảo đảm chất lượng khám - chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Bài báo "Muốn hành nghề y, phải lấy chứng chỉ" (Tuổi Trẻ 26-7-2019) đã cho công chúng biết thông tin về những sự thay đổi quan trọng trong việc đào tạo và sử dụng chuyên gia y khoa (chủ yếu là các bác sĩ) do Bộ Y tế thực hiện qua Luật khám - chữa bệnh sửa đổi.
Theo đó, bộ đã tạm ngưng đào tạo định hướng chuyên khoa của các trường đại học y - dược và bệnh viện tư, để tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) dự kiến tiến hành từ năm 2021.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng các chuyên gia y tế hiện hành, tôi xin mạnh dạn đóng góp với bộ một số ý kiến của cá nhân mình.
Trước hết, cần tìm hiểu xem "những điểm bất cập" mà đại diện Bộ Y tế nêu trong bài báo - trong quá trình đào tạo y khoa của chúng ta đã bắt đầu từ đâu. Có thể thấy ngay rằng sự "bất cập" đó xuất phát từ nhận thức sai lầm về học vị "bác sĩ" so với nhận thức quốc tế.
Ở nước ngoài, các trường đại học y đào tạo 6 năm (ở Pháp) hay 8 năm (ở Mỹ) để cấp bằng Docteur d’ Medicine (theo tiếng Pháp) hoặc Medical Doctor (tiếng Anh - viết tắt là M.D.), đều có nghĩa là tiến sĩ y khoa hay bác sĩ y khoa (tùy theo cách dịch sang tiếng Việt).
Các trường đại học y tại Việt Nam kế thừa truyền thống y khoa Pháp nên cũng đào tạo theo chương trình 6 năm để cấp bằng bác sĩ (tức tiến sĩ y khoa). Tuy nhiên, do không hiểu thuật ngữ "bác sĩ" trong y khoa hoàn toàn đồng nghĩa với "tiến sĩ" ở các ngành khác, nên cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam đã hạ cấp học vị bác sĩ (đào tạo 6 năm ở đại học y) xuống trình độ "cử nhân"(!). Sự nhầm lẫn tai hại này đã khiến cho mô hình đào tạo y khoa của Việt Nam trở nên bất cập, không tương đồng với mô hình quốc tế.
Hơn nữa, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo bác sĩ, các đại học y của nước ngoài tiến hành một quá trình đào tạo "sau tiến sĩ" (post-doc) tức "đào tạo chuyên khoa" (ở Mỹ tối thiểu là 3 năm, ở Pháp từ 2 đến 5 năm tùy theo yêu cầu của từng chuyên khoa).
Việt Nam cũng theo truyền thống Pháp nên đã tổ chức đào tạo "định hướng chuyên khoa" (gồm 2 bậc là chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2) nhưng không coi đó là đào tạo "sau tiến sĩ", mà lại tổ chức thêm hệ đào tạo "sau và trên đại học" với các học vị "thạc sĩ y khoa" (chỉ có ở Việt Nam) và "tiến sĩ trên bác sĩ" (chưa từng có ở nước ngoài). Từ những sự khác biệt đó, hệ thống chương trình đào tạo y khoa của Việt Nam rõ ràng là bất cập so với chương trình chuẩn quốc tế.
Bởi thế, vấn đề hướng đến "mô hình đào tạo tương đồng" với quốc tế không thể giải quyết chỉ bằng cách tổ chức "một kỳ thi quốc gia cấp CCHN" như Bộ Y tế đang dự định, mà phải điều chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo y khoa của Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Áp dụng chuẩn quốc tế vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, chúng ta có thể giữ nguyên khung chương trình đào tạo bác sĩ 6 năm hiện hành, nhưng phải chỉnh sửa cả "chuẩn đầu vào" và "chuẩn đầu ra", để điều chỉnh nội dung chương trình nhằm đạt tới học vị "bác sĩ" tương đương "tiến sĩ y khoa" (Medical Doctor - M.D.) theo chuẩn quốc tế.
Tiếp đó sẽ điều chỉnh chương trình "định hướng chuyên khoa" (cả chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2) theo chuẩn quốc tế của hệ đào tạo sau tiến sĩ (post-doc). Khi ấy, có thể bãi bỏ việc đào tạo "thạc sĩ y khoa" và "tiến sĩ trên bác sĩ" đã trở nên bất hợp lý, không cần thiết và bất cập so với mô hình đào tạo quốc tế.
Với chương trình đào tạo được điều chỉnh như vậy, kỳ thi cấp CCHN mới có được giá trị thực sự trong việc bảo đảm chất lượng khám - chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận