Ông Nguyễn Văn Tỷ khiếu nại xung quanh việc bồi thường đất của mình - Ảnh: Tấn Thái |
Ông Nguyễn Văn Tỷ - ngụ ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới kể: Năm 1978, gia đình tôi được Nhà nước cấp phần đất nằm gần cầu Đầm Cùng hiện nay.
Đến năm 1994, tôi được cấp giấy đỏ với diện tích ghi trên giấy là 33.300m2. Tuy nhiên thực tế tôi quản lý, sử dụng lớn hơn (37.000m2). Thời điểm này tôi trồng lúa nên chính quyền giao cho gia đình tôi phải giữ đê ngăn mặn giữ ngọt.
Một thời gian sau, do con đê (thường gọi đê y tế cũ) bị mọt phá, nước mặn ngấm vào làm lúa không phát triển được nên chính quyền cho phép dời đê vào trong khoảng 30m (gọi là đê y tế mới).
Phần đất ngoài đê y tế mới đến đê y tế cũ (1.740m2) do bị nhiễm mặn, không trồng lúa được nên gia đình tôi đã trồng đước, dừa nước...
Vào năm 2005, lúc này quốc lộ 1 đi ngang qua nên đất có giá, vì vậy khi Nhà nước đo đạc, lập lại bản đồ đã lấy diện tích đất 1.740m2 của gia đình tôi “chuyển” sang đất của UBND xã Trần Thới.
Biết được việc này, tôi khiếu nại thì tháng 7-2006 UBND huyện Cái Nước ra quyết định bác đơn, tôi tiếp tục khiếu nại thì tiếp tục bị bác đơn.
UBND huyện Cái Nước đưa ra lý do: lấy diện tích đất ghi trong giấy đỏ của tôi trừ đi diện tích đất thực tế tôi quản lý sử dụng và nằm trong phạm vi sổ đỏ của tôi, một phần chênh lệch là của UBND xã Trần Thới.
Việc giải quyết như vậy rất vô lý. Ngoài ra, huyện Cái Nước lại bất nhất: lân cận tôi các hộ có đất tương tự (nhưng không giáp ranh với UBND xã) thì họ vẫn được điều chỉnh cấp sổ đỏ theo diện tích thực tế.
Điều bất ngờ là gần chín năm sau (ngày 9-6-2015), chủ tịch UBND huyện Cái Nước đã nhận ra sai lầm nên ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định chính họ đã giải quyết trước đây. Lý do UBND huyện rút lại là vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Điều tôi khó hiểu là UBND huyện Cái Nước “thấy sai đã sửa” và tôi chuẩn bị kiện UBND xã Trần Thới ra tòa án để phân xử thì vụ việc bất ngờ sang một ngã rẽ khác.
Cụ thể trong quá trình thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cầu Đầm Cùng, Thanh tra tỉnh Cà Mau cho rằng phần đất 1.740m2 đang tranh chấp là của UBND xã Trần Thới. Do đó thanh tra kết luận khi lập phương án bồi thường cho tôi là sai.
Tôi đã khiếu nại kết luận thanh tra đến UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu xem xét giải quyết vì đất đang “tranh chấp” và tôi đang khiếu kiện ra tòa thì không thể kết luận “bồi thường cho tôi là sai”.
Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên - môi trường đo đạc cả trên thực địa và trên bản đồ lại cho rằng phần đất của tôi được cấp giấy đỏ có diện tích là 37.278m2.
Tuy nhiên, vào năm 2005 khi đo đạc chỉnh lý biến động, UBND xã Trần Thới đã ghi một phần diện tích đất nằm trong thửa 135 tờ số 12 của tôi sang thửa số 7 tờ bản đồ số 19 (của UBND xã Trần Thới).
Việc chồng lấn này chỉ được ghi trong sổ mục kê, không được triển khai trên thực địa, không công bố cho người dân biết. Dù kết luận này được Sở Tài nguyên - môi trường báo cáo đến UBND tỉnh Cà Mau trước khi Thanh tra Cà Mau ra kết luận gần một năm nhưng bị “ngó lơ”.
Lập tổ công tác giải quyết khiếu nại Để quá trình giải quyết khiếu nại được khách quan, ông Lâm Văn Bi - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - vừa ký quyết định thành lập tổ công tác (do giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường làm tổ trưởng) giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại đối với ông Tỷ. Trong quyết định có lưu ý: khi trưng dụng cán bộ nghiệp vụ, không trưng dụng các cán bộ đã tham gia giải quyết vụ việc trước đây. Ông Trịnh Văn Lên, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết tổ công tác đang xác minh lại vụ việc. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo UBND tỉnh và đề xuất hướng xử lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận