Để có thể tiếp tục hoạt động hàng không trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp là điều không hề đơn giản
Tuy nhiên để vượt qua giai đoạn khó khăn, hãng bay này vẫn cần Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỉ đồng. Hãng này cũng dự tính tung một loạt giải pháp.
Phải hoàn lại 4.000 tỉ đồng cho khách
Tính đến phiên giao dịch ngày 15-06 vừa qua, Vietnam Airlines vẫn đang duy trì ổn định mức vốn hóa có giá trị 40.000 tỉ đồng với khoảng 2,1 triệu cổ phiếu HVN có mức giá đóng cửa tại mốc 27.200 đồng tiếp tục được giao dịch.
Xét tham chiếu với ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE tại mức 40.600 đồng/cổ phiếu thì Vietnam Airlines đang mất đi khoảng 30% nguồn tài chính.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh ngành hàng không đang liên tiếp hứng chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19 gây ra, con số này theo giới chuyên gia và nhà đầu tư là có thể chấp nhận được. Đồng thời, cổ phiếu HVN vẫn đang là một trong những mã chứng khoán đạt giao dịch lớn nhất theo ghi nhận của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Mới cách đây khoảng một tháng, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã đưa ra dự báo ngành hàng không thế giới có thể thiệt hại tới 314 tỉ USD doanh thu.
Tuy nhiên, tới ngày 09-06, con số này đã cán mốc 419 tỉ USD cùng khoản lỗ sơ bộ là 84 tỉ USD. Các tổ chức quốc tế nhận định, có thể sẽ cần 250 tỉ USD nhằm giúp đỡ các hãng hàng không "sống sót" qua đợt dịch bệnh.
"Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch COVID-19 đã "đốt" 41% tài chính, tương đương 157 tỉ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới, trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng.
Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 1-2020 đến tháng 2-2020, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỉ đồng cho khách, mất đi một lượng lớn tiền mặt trong tài khoản" ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines nói.
Song song với việc cắt giảm chi phí sản xuất hay chấp nhận điều chỉnh lương của người lao động, Vietnam Airlines nhanh chóng chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước. Tổng công ty đã cắt giảm được khoảng 4.346 tỉ đồng chi phí nói chung.
Đối với các khoản thuê tàu bay, là khoản chi phí cố định nặng nhất, tính đến giữa tháng 6-2020, tổng số tiền giãn thanh toán được 81 triệu USD, trong đó 51 triệu USD không chịu lãi suất và 30 triệu USD chỉ phải chịu lãi với mức ưu đãi.
Những yếu tố tài chính vững chắc được vun đắp trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh trước đây đã giúp Vietnam Airlines vẫn đang trụ vững trước những va đập của thị trường.
Cần hỗ trợ nhưng không xin tiền của Chính phủ
Để có thể thực sự vượt qua "cơn bão" khó khăn, Vietnam Airlines cho hay vẫn cần đến sự hỗ trợ của các cổ đông, đặc biệt là chủ sở hữu Nhà nước (chiếm 86%) trong vai trò là cổ đông chi phối. Hiện nay, hãng dự kiến chưa thể chi trả cổ tức và để lại lợi nhuận chưa phân phối từ kết quả kinh doanh năm 2019.
Tổng công ty đang chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu Châu Âu (TCTD) và các ngân hàng trong và ngoài nước, một trong những điều kiện tiên quyết để các TCTD và ngân hàng cho phép hãng giãn nợ là "không chia cổ tức cho các cổ đông". Đây là thông lệ quốc tế khi xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán đối với các công ty bị ảnh hưởng COVID-19.
Vietnam Airlines cũng kiến nghị cổ đông Nhà nước sớm xem xét hỗ trợ hãng 3 giải pháp tài chính, trong đó có việc hãng đề nghị được tiếp cận khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước với thời gian vay tối thiểu là 3 năm, và sẽ được bung ra ngày trong vòng 1-2 tháng tới.
Cần có sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía để ngành hàng không có thể tiếp tục an tâm sải cánh trên bầu trời
Để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, hãng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.
Dự kiến, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc 1 doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn trung-dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
"Vietnam Airlines không kỳ vọng xin được từ ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không", ông Hiền nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, với vai trò cổ đông chi phối, giả sử Chính phủ chấp nhận đưa ra các gói hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines cũng là cách mà chủ sở hữu nhà nước bảo vệ khoản đầu tư của mình sau nhiều năm nhận cổ tức từ hãng Hàng không Quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận