MobiFone sẽ sớm được cổ phần hóa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Mới đây, Thủ tướng có quyết định thúc 93 doanh nghiệp (DN) sớm cổ phần hóa, hạn chót là cuối năm 2020 phải xong.
Cổ phần hóa cả những "ông lớn"
Trong số 93 DN kể trên có nhiều DN lớn như Agribank, Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV - công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính - viễn thông VN (VNPT - công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất VN (công ty mẹ)...
Tại TP.HCM, số DN nằm trong danh sách này cũng có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...
Ông Đặng Quyết Tiến - cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính - cho biết tiến độ cổ phần hóa triển khai rất chậm, rất "nhỏ giọt". Ông Tiến thẳng thắn nêu nguyên nhân của tình trạng này là có sự thiếu quyết liệt của DN và ngay cả địa phương, bộ ngành mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần.
Có tình trạng chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ở một số bộ, ngành, địa phương, DN nhà nước.
Người đứng đầu DN chưa thực sự quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Bất nhất hướng dẫn về định giá đất
Theo ông Tiến, quá trình cổ phần hóa DN nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Ông Vũ An Khang - tổng giám đốc Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính VN - cho rằng áp dụng chính sách cổ phần hóa vào thực tế, đơn vị tư vấn và DN cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể: với phương án sử dụng đất, nghị định 126 năm 2017 quy định các DN cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất này.
Phát biểu tại cuộc họp của Chính phủ đánh giá về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra ngày 8-7, ông Trần Mạnh Hùng - chủ tịch hội đồng thành viên VNPT - cho biết tập đoàn có 4.270 mảnh đất trên 63 tỉnh thành. Hiện việc sắp xếp nhà đất mới thực hiện được 95,8% nên VNPT chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hóa.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, các DN tư vấn thẩm định giá đều có chung đề nghị là cần phải điều chỉnh quy định đồng nhất về đánh giá lợi thế đất khi cổ phần hóa. Nếu như căn cứ tiêu chuẩn thẩm định giá thì hoàn toàn định giá được. Vì đó là tài sản vô hình thì cổ phần hóa hay thoái vốn đều định giá được.
Theo đề xuất của ông Khang, Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị DN đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị DN. Đặc biệt, cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu nếu để chậm trễ việc phê duyệt phương án sử dụng đất.
Mặt khác, bà Phan Vân Hà - Công ty thẩm định giá IVC VN - cho rằng phương pháp định giá cũng là một nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa. Bà Hà cho hay đã từ chối tư vấn định giá cho Agribank. Vì nếu làm theo phương pháp định giá tài sản thì rất rối. Trên cả nước, Agribank có hàng nghìn phòng giao dịch ở cả hải đảo, biên giới.
Nếu áp dụng phương pháp tài sản thì phải tính hết toàn bộ tài sản của ngân hàng này trên cả nước. Trong khi đó, Agribank là định chế tài chính, mà theo thông lệ quốc tế, phương pháp định giá đối với một định chế tài chính là theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Nếu buộc áp dụng phương pháp tài sản thì rất khó thực hiện được và không biết bao giờ mới xong.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank (Q.1,TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tái khởi động sau 2 năm tạm dừng
Đại diện lãnh đạo Saigontourist cho biết DN sẽ triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng và tiến trình mà UBND TP.HCM đề ra. Thực tế, theo kế hoạch trước đó, Saigontourist sẽ được cổ phần hóa trong năm 2018 và trong giai đoạn đầu, 35% cổ phần nhà nước tại đây sẽ được bán.
DN đã tiến hành nhiều công việc liên quan như xác định giá trị DN, xác định các tiêu chí để lựa chọn cổ đông chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực... để chuẩn bị cho chiến lược phát triển sau cổ phần hóa.
Tuy nhiên sau đó, tiến trình cổ phần hóa ở TP.HCM bị tạm dừng lại, đến nay các DN không còn nhắc đến sự chuẩn bị từng diễn ra rất hào hứng hai năm trước đó. Năm 2017, trong cuộc họp tổng kết của đơn vị này, Saigontourist cho biết tiến độ cổ phần hóa phụ thuộc nhiều vào việc định giá tài sản, do đó tại hội nghị, phía Saigontourist đã kiến nghị TP.HCM sớm ban hành quyết định giao tài sản để cổ phần hóa.
Tương tự, đại diện Satra cho biết từng mời chuyên gia về tư vấn sẵn sàng cho thủ tục đánh giá thẩm định tài sản, giá trị thương hiệu cho công tác cổ phần hóa. Tuy nhiên do chủ trương TP tạm ngưng việc thoái vốn, tăng vốn và cổ phần hóa đối với các công ty thuộc Nhà nước nên các hoạt động cũng tạm dừng lại.
Doanh nghiệp cổ phần hóa khổ vô cùng
Hiện có sự bất nhất trong chính sách về tính lợi thế quyền thuê đất khi nghị định 126 không đề cập đánh giá lợi thế quyền thuê đất trong giá trị DN khi cổ phần hóa. Trong khi đó, nghị định 32 năm 2018 quy định đánh giá lợi thế quyền thuê đất. Thực tế này khiến DN tư vấn khá lúng túng khi định giá trị DN.
Nếu theo nghị định 32, việc xác định chênh lệch lợi thế quyền thuê đất để định giá trị DN đang rất vướng. Bởi thẩm quyền xác định giá đất là do UBND cấp tỉnh. Chúng tôi đang tư vấn cổ phần hóa cho một DN ở Hà Nội có đất tại Phú Quốc (Kiên Giang), Thanh Hóa. TP Hà Nội nhất định yêu cầu phải có ý kiến của Kiên Giang, của Thanh Hóa và DN cứ thế chờ, qua 6 tháng kết quả định giá phải được làm lại. Là DN tư vấn, chúng tôi cũng muốn có hợp đồng, được trả thêm tiền, nhưng với DN thực hiện cổ phần hóa họ khổ vô cùng. (Bà Phan Vân Hà)
Chậm mà chắc!
Trên thực tế, thời gian qua đã có những trở ngại từ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước, chất lượng DN và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách và tư duy đón nhận dòng vốn từ các nhà đầu tư của các chủ DN vẫn còn nhiều ngần ngại.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Hồ Sỹ Hùng, Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện, điều chỉnh về cơ chế pháp lý, cùng với đó là một loạt vấn đề như định giá DN, quản trị DN, quản trị của cơ quan Chính phủ trong các DN nhà nước... và các khác biệt trong thông lệ kế toán. Việc chậm lại là để đảm bảo hiệu quả, tiến độ tốt hơn. Ngoài ra, xác định giá trị DN có thể gặp nhiều vướng mắc, nhưng đang trong quá trình tiếp cận thị trường, sao cho đủ và đúng.
Chất lượng cổ phần hóa được nâng lên
Chuyên gia và những người trong cuộc cho rằng việc chặt chẽ trong cổ phần hóa để tài sản nhà nước không bị thất thoát và chỉ đảm bảo cổ phần hóa đúng đối tượng nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Trần Văn Khuyên (chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên - Sawaco):
Kinh nghiệm thế giới không cổ phần hóa doanh nghiệp cấp nước
Theo quy định trước đây, Sawaco là một trong những đơn vị phải được cổ phần hóatrong giai đoạn 2018. Tuy nhiên qua rà soát thấy rằng ngành cấp nước còn nặng tính chất phục vụ an sinh xã hội, đặc biệt trong nỗ lực cung cấp nước sạch cho 100% người dân trên địa bàn TP, trong đó có những địa bàn xa như Cần Giờ, Bình Chánh... Ngoài ra, giá nước hiện do Nhà nước điều chỉnh, trong khi cổ phần hóa phải có yếu tố thị trường.
Mặt khác, quá trình tham khảo mô hình cấp nước ở một số TP trên thế giới cho thấy việc cổ phần hóa đơn vị cấp nước có quy mô lớn cần phải được tính toán kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Như Hungary cổ phần hóa một công ty cấp nước, 20 năm sau nhà nước phải mua lại cổ phần với giá cao gấp 10 lần nhưng hệ thống cấp nước tệ gấp 10 lần so với trước đây. Tuy vậy, nhà nước không thể không mua lại để cải tạo khi chất lượng giảm và ảnh hưởng đến người dân...
Từ các yếu tố trên và đề xuất của Sawaco, Ban quản lý đổi mới DN, UBND TP.HCM đã đề xuất đưa Sawaco ra khỏi danh sách đơn vị phải cổ phần hóa trong giai đoạn đến năm 2020 và được Thủ tướng đồng ý.
Ông Phạm Đức Trung (trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Chất lượng cổ phần hóa được nâng cao rất nhiều
Dù chậm nhưng chất lượng cổ phần hóa DN nhà nước đã được nâng cao rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2016. Giai đoạn trước năm 2016 có nhiều trường hợp đánh giá không đúng giá trị tài sản DN, xử lý tài chính sai nguyên tắc, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin về chính sách cổ phần hóa. Vì vậy từ năm 2016, Chính phủ ban hành một loạt nghị định, thể chế hóa pháp luật cổ phần hóa, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước.
Việc áp dụng các chính sách mới về cổ phần hóa đã làm cho quá trình cổ phần hóa tuân thủ pháp luật, quy luật thị trường, định giá tài sản theo thông lệ quốc tế bao gồm giá trị tài sản DN, giá trị đất đai, thương hiệu, lịch sử văn hóa, làm cho chất lượng cổ phần hóa cao hơn rất nhiều.
Ông Đặng Quyết Tiến (cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính):
Cổ phần hóa sẽ rất nhanh, nếu...
Theo Luật đất đai, DN nhà nước phải thường xuyên thực hiện sắp xếp đất đai để quản lý tài sản này. Nhưng bấy lâu nay các DN nhà nước chưa sắp xếp theo quy định của Luật đất đai. Nếu DN nhà nước đã làm đúng, làm tốt khâu sắp xếp đất đai trước khi có quyết định cổ phần hóa thì sẽ bảo đảm quá trình cổ phần hóa rất nhanh chứ không chậm như lâu nay. Vì thế cũng cần tách bạch hai giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn cổ phần hóa để đánh giá tiến độ nhanh hay chậm.
Đặc biệt sau khi đã cổ phần hóa, với quy định hiện nay, DN phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá trị DN được thị trường phản ánh, phải thực hiện theo quản trị DN của công ty niêm yết, có sự giám sát của thị trường, buộc phải công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Hồng Long (phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN):
Chậm do vướng đất đai
Cổ phần hóa và thoái vốn chỉ là một trong những biện pháp với mục đích đổi mới quản trị, kêu gọi được công nghệ, mời gọi được vốn đầu tư. Nay DN nhà nước phải xây dựng được phương án sử dụng đất là tiền đề để xây dựng phương án cổ phần hóa. Đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất, kéo dài quá trình cổ phần hóa vì nguồn gốc đất đai của DN qua một thời gian dài rất phức tạp. Cổ phần hóa không bao giờ gây ra mất đất nhưng quá trình chuyển mục đích sử dụng đất sau này mới làm thất thoát đất.
Việc xác định giá trị DN rất quan trọng để tránh thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán đấu giá, trước đây DN nhà nước có quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng mới phải mời cơ quan kiểm toán vào kiểm toán để xác định giá trị tài sản, nhưng quy định hiện nay DN nhà nước có giá trị trên 1.800 tỉ đồng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán để xác định giá trị tài sản. (B.NGỌC - Q.KHẢI ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận