Các chị trong nhóm đều giỏi giang, thành đạt và... độc thân.
Chuyện này hẳn là lạ trong thế giới của mẹ, của bà chúng ta, nhưng không lạ trong thời đại ngày nay.
Gần đây, người họ hàng của tôi là nữ đã ly hôn và có con gái riêng đã lớn có người cầu hôn. Đàng trai kém đàng gái 5 tuổi và chưa từng lập gia đình, có công ăn việc làm, con người cũng hiền lành nhưng đàng gái từ chối, dù ai cũng nói đây là "món hời" nhưng cô gái chỉ nói "thế hệ của em suy nghĩ khác thế hệ chị rồi", dù cô ấy kém tôi chưa đến 10 tuổi.
Vì thế dịp 8-3 này, bên cạnh những clip khoe hoa, quà, tôi thấy nhiều câu chuyện của "phụ nữ không đòi quà", họ lại nói về những chuyện họ làm được, chuyến đi vui, những gì họ đang học hỏi và nỗ lực.
Trong các gia đình hiện nay cũng có nhiều gia đình vẫn hạnh phúc dù người vợ giỏi giang hơn và là trụ cột về kinh tế, không như truyền thống nhất thiết phụ nữ phải có chồng, dù "méo mó có hơn không".
"Có phải chị em ngày nay đã khác?", có người hỏi thế. Nhìn xung quanh tôi vẫn là những chị em chăm chỉ, tảo tần, thương chồng thương con. Nhưng có điểm khác biệt là đã có thêm nhiều chị em biết "thương mình", biết chăm sóc sức khỏe, ngoại hình, chăm lo đến tri thức và sự tiến bộ của mình thay vì khi lấy chồng cũng là khi chị em nhận vị trí số 2 trong nhà: nhà có ô tô thì đương nhiên là chồng đi ô tô, vợ đi xe máy; mua đồ cho chồng con không tiếc nhưng mua cho mình thì tiếc... Giờ điều ấy đã khác.
Thứ nữa, hiện nhiều phụ nữ không chấp nhận "méo mó có hơn không", mà họ muốn "lấy cho đáng tấm chồng; bõ công trang điểm má hồng răng đen", nếu không có người xứng đáng thì thôi. Điều ấy có bất thường không? Tôi đã hỏi nhiều chị, họ bảo không, họ đều rất vui vẻ.
Gần đây khi để hút người xem, các webdrama có một môtip phim ngắn là sau khi lấy được nàng dâu thông minh khá giả thì nhà chồng bỗng thay đổi, cả nhà bòn rút và đối xử tệ bạc với cô dâu.
Từng có một số quốc gia bị "phản ứng ngược" khi cũng dùng môtip phim ảnh này quá nhiều, dẫn đến các cô gái (trong thực tế) càng e ngại lấy chồng, tỉ lệ kết hôn nguy cơ giảm xuống. Trong khi rõ ràng ngày nay khác rồi, không nhiều phụ nữ chấp nhận bị đối xử tệ bạc chỉ vì để có chồng hay giữ gia đình (cho có vẻ) yên ấm.
Vì thế ngày 8-3 không phải để kêu gọi nữ quyền, vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội, ở công sở hay trên đấu trường thi đấu thể thao đều đã khác, mà 8-3 để thêm một lần nói câu chuyện chị em đã thay đổi, các anh cũng hãy thay đổi cùng, để dù chị em đã khác hơn, hay hơn, giỏi giang hơn vẫn cần các anh bước song song trên đường đời dài và cùng nhau hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận