Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đọc sách Lịch sử Đà Nẵng - Ảnh: P.Được |
Cứ ngỡ rằng với tình hình dạy và học lịch sử như hiện nay, thật khó để tìm lại “cái thuở ban đầu lưu luyến” ấy, nhưng mới đây tôi đã được sống lại cái cảm giác đầy say mê khi dạy bài “Đà Nẵng từ khởi thủy đến giữa thế kỷ 19” trong chương trình lớp 10.
Phải nói rằng thầy và trò hết sức hào hứng. Thầy say sưa giảng, trò chăm chú nghe. Đỉnh cao sự hào hứng của thầy và trò nằm ở phần kiến thức “Quần đảo Hoàng Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Đại Việt”.
Sau khi tôi cung cấp những bằng chứng lịch sử chứng tỏ Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều cánh tay đưa lên, nhiều ý kiến được đưa ra từ phía học sinh khiến tôi vô cùng xúc động trước tình cảm các em dành cho Hoàng Sa.
Kết thúc bài học tôi hỏi: “Bây giờ các em đã có thể đưa ra được những bằng chứng chứng tỏ Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không?”, tất cả học sinh đều tự tin khẳng định sẽ làm được.
Sự tự tin đó không chỉ thể hiện bằng lời nói mà bằng cả suy nghĩ, hành động. Hai tuần sau, trong bài kiểm tra 1 tiết tôi đưa ra câu hỏi: “Trình bày những bằng chứng lịch sử chứng tỏ Hoàng Sa là của Việt Nam”, các em đã làm bài rất tốt.
Tôi dạy năm lớp 10 với 200 học sinh thì gần như 100% học sinh làm được câu này, trong đó có nhiều bài phải nói là quá tốt. Các em không chỉ trình bày đầy đủ bằng chứng có trong cuốn sách giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng mà còn đưa ra những bằng chứng tìm hiểu được trên sách báo, mạng Internet như: tấm bản đồ do nhà Thanh vẽ năm 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa; bản đồ do học giả phương Tây vẽ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thậm chí cả thông tin rất thời sự như Thủ tướng nước Đức - bà Angela Markel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc không có Hoàng Sa cũng được học sinh đưa vào bài làm...
Tôi đem niềm vui này chia sẻ với thầy Phạm Đình Kha, chuyên viên môn lịch sử, đồng tác giả cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng. Thầy Kha cho biết thông tin phản hồi từ các trường, đặc biệt là từ chính các giáo viên dạy môn lịch sử là rất tích cực, hầu hết đều đánh giá cao nội dung, chất lượng cuốn sách và cách làm táo bạo của Đà Nẵng.
Từ sự tiên phong và thành công như vậy của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, mong rằng kiến thức về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông, giảng dạy cho học sinh toàn quốc.
Kiến thức về Hoàng Sa vào trường học Ngay sau khi cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng được xuất bản vào trung tuần tháng 4-2015, ngày 21-4 Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã ban hành công văn hướng dẫn về việc tổ chức dạy sách Lịch sử Đà Nẵng. Sách ra mắt vào thời điểm cuối năm học, thầy và trò bận rộn cho việc ôn thi, nhưng nhiều trường vẫn tổ chức dạy Lịch sử Đà Nẵng ngay cuối học kỳ II năm học 2014 - 2015. Từ năm học 2015 - 2016, việc dạy về Hoàng Sa được Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức bài bản hơn. Theo đó, yêu cầu các trường nghiêm túc tổ chức thực hiện, khi kiểm tra 1 tiết phải có 2 - 3 điểm dành cho kiến thức về Hoàng Sa. Sách Lịch sử Đà Nẵng dày 75 trang, trong đó có 21 trang viết về Hoàng Sa với nhiều tư liệu, bằng chứng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận