Ông , chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói tại buổi lễ khánh thành rằng: "Ngoài biển khơi xa kia huyện đang bị ngoại bang chiếm đóng trái phép" - Ảnh: HỮU KHÁ
Sáng 28-3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Buổi lễ khánh thành đặc biệt và giàu ý nghĩa này đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Tại buổi lễ nhiều người có cùng suy nghĩ rằng: Khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa sáng nay, thực ra chúng ta cũng chỉ mới đi một nửa đoạn đường.
Đấu tranh đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là con đường phía trước còn rất dài mà mọi thế hệ người Việt sau này phải tiếp nối, có trách nhiệm khi một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Dâng trào cảm xúc
Ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết, công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng một cách sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế.
Buổi lễ khánh thành đặc biệt và giàu ý nghĩa này đã thu hút đông đảo học sinh tham quan - Ảnh: HỮU KHÁ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xúc động nói: "Được tận mắt chứng kiến Nhà trưng bày Hoàng Sa bấy lâu mong đợi sắp bước vào hoạt động phục vụ người dân Đà Nẵng và du khách thập phương ngay trong những ngày cuối tháng ba lịch sử này, chắc hẳn lòng chúng ta đang trào lên nhiều cảm xúc.
Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề - có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước.
Nhưng có thể nói rằng không có nơi nào trên đất nước này phù hợp hơn thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, bởi khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần sáu chục năm qua thì xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ biển Đông của Đà Nẵng là hợp tình hợp lý."
Theo ông Thơ, thiết kế nhà trưng bày Hoàng Sa có hình "Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam" hết sức ấn tượng.
Ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời chứng tỏ Việt Nam đã có một quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thời các chúa Nguyễn mà việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này.
Đà Nẵng chưa hoàn toàn giải phóng
Ông Thơ nói rằng: "Sau lễ khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa, người Đà Nẵng cùng du khách thập phương có thể đến đây để tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo này, nhưng quan trọng hơn là để luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng bởi ngoài biển khơi xa kia đang còn nguyên một huyện bị ngoại bang chiếm đóng trái phép...
Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ làm cho tâm thức ấy càng sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu của chúng ta thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang để trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận huyện khác trong đất liền của thành phố Đà Nẵng.
Các chiến sĩ hải quân đang xem các tư liệu về Hoàng Sa. Ảnh: HỮU KHÁ
Theo ông Thơ: "Khánh thành nhà trưng bày Hoàng Sa, thực ra chúng ta cũng chỉ mới đi một nửa đoạn đường. Nửa đoạn đường còn lại là làm sao để nhà trưng bày này hoạt động với hiệu quả cao nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ, xem đây là một khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật để đòi lại Hoàng Sa.
Muốn thế, tôi đề nghị UBND huyện đảo Hoàng Sa mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ viên chức công tác tại Nhà Trưng bày phải hết sức năng động, không ngừng đổi mới hình thức hoạt động theo hướng một bảo tàng hiện đại, từ việc tiếp tục tìm kiếm tư liệu hiện vật để làm phong phú đa dạng nội dung trưng bày, cho đến nâng cao năng lực bảo quản tư liệu hiện vật, cho đến nghệ thuật thuyết minh hướng dẫn sao cho chạm tới trái tim người xem".
Có mặt tại buổi lễ khánh thành công trình Hoàng Sa, trong lòng mỗi người dân Việt dâng trào nhiều cảm xúc - Ảnh: HỮU KHÁ
Đồng thời, ông Thơ đề nghị ngành giáo dục thành phố đã biên soạn và đưa vào giảng dạy trong chương trình lịch sử ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông toàn bộ quá trình liên tục xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt cũng như người Đà Nẵng đối với quần đảo Hoàng Sa.
Với sự ra đời của Nhà trưng bày Hoàng Sa, các cô giáo, thầy giáo đang có thêm một phương tiện trực quan sinh động bổ trợ cho giáo trình về Hoàng Sa, bởi trăm nghe không bằng một thấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận