18/06/2018 12:09 GMT+7

Có nhà thôi chưa đủ

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - "Ai bị giải tỏa cũng sẽ có nhà" (Tuổi Trẻ ngày 17-6) là cam kết của chính quyền TP.HCM về việc di dời khoảng 22.000 hộ dân trên và ven kênh rạch nhằm chỉnh trang đô thị.

Có nhà thôi chưa đủ - Ảnh 1.

Để thực hiện cam kết trên, TP dành 10.000 căn hộ bố trí chỗ ở cho những hộ dân không đủ điều kiện tái định cư khi di dời khỏi nơi ở cũ, để "không đẩy người dân ra đường". 

Nhiều hộ gia đình "không một tấc đất cắm dùi" ven kênh rạch có thể phần nào bớt lo lắng khi nghĩ về tương lai, khi Nhà nước di dời nhà, nạo vét kênh, làm đường, công viên cây xanh ngay trên nơi ở của họ hiện nay.

Với những căn hộ tại chung cư cao tầng, người dân ở trong đó mưa không đến mặt, nắng không tới đầu, có đầy đủ tiện nghi, không khí thoáng đãng, sạch sẽ, trẻ con có chỗ vui chơi an toàn... 

Người dân đang sống trên và ven kênh rạch cả đời dành dụm có khi cũng không đủ tiền mua, nhưng nhờ Nhà nước làm dự án mà họ được chuyển đến ở những căn nhà đàng hoàng, vững chãi. 

Ở đó, nước sạch đến tận vòi từng nhà, dây điện âm tường. Vào mỗi mùa mưa, người dân sẽ không phải chui vô mùng ăn cơm để tránh muỗi mòng vốn sinh sản rất nhanh trên những dòng kênh đen ngòm, nước đọng nhiều hơn nước chảy.

Tất cả người dân đều có nhà ở, không ai phải ra đường dù nhà của họ trên kênh có nguồn gốc pháp lý là lấn chiếm, xây cất trái phép, ở nhờ, ở đậu... 

TP đang có cơ hội thực hiện mong ước của nhiều đời lãnh đạo, khi đang có một quỹ nhà rất lớn dành cho tái định cư.

Nhưng có được chỗ ở đàng hoàng, người dân chỉ bớt lo lắng chứ chưa thể yên tâm hoàn toàn. Vì di dời không chỉ chuyện căn nhà, nơi ở, mà còn là công ăn việc làm, việc học, thu nhập, chi phí...

 Rồi ở nhà mới phải đóng tiền thuê, tiền góp hằng tháng, phí vệ sinh, phí quản lý, phí gửi xe hằng tháng... 

Những câu chuyện tưởng đương nhiên đối với người bình thường nhưng là gánh nặng với một gia đình đã quen buôn gánh bán bưng ở ven sông rạch. 

Xa hơn là chuyện thay đổi môi trường sống, xa xóm giềng thân thuộc, đứt gãy các quan hệ xã hội vốn được gầy dựng từ bao đời. 

Những phận người vốn đã dễ tổn thương nay càng chông chênh, yếu đuối hơn trước những thay đổi của đô thị.

"Có nhà" thôi chưa đủ đối với người tái định cư. Căn nhà mà hằng đêm ngủ họ nằm trong đó không lo lắng về tiền trả góp, không thấp thỏm về các loại chi phí phải trả vào sáng mai dù có làm việc vất vả và chi tiêu tiết kiệm hơn. 

Chính vì vậy, các cấp chính quyền cần phải điều tra thấu đáo, thực chất về mọi mặt đời sống của từng hộ dân trước khi di dời họ. 

Trên cơ sở đó, Nhà nước có một quyết sách thực tế, sát sườn, các đoàn thể chính trị cần một tổ chức đồng hành sâu sát với người dân từ bây giờ đến trong và sau khi di dời. 

Có như vậy, chính sách "ai bị giải tỏa cũng sẽ có nhà" của hôm nay mới được cộng hưởng và kết thúc có hậu cho mai sau. 

Để người dân bị di dời thực sự được hưởng lợi từ sự chỉnh trang, phát triển đô thị, chứ không phải chỉ là những câu khẩu hiệu suông.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp