11/09/2020 10:52 GMT+7

Có ngôi trường sẵn sàng đón nhận học sinh bị đuổi học

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Khi cánh cửa trường công lập đóng lại với những học sinh từng bị kỷ luật đuổi học hay bị gợi ý ngầm ép chuyển trường, có một cánh cửa khác mở ra.

Có ngôi trường sẵn sàng đón nhận học sinh bị đuổi học - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường - Ảnh: website nhà trường

Người kiên trì giữ cho cánh cửa ấy luôn rộng mở trong hơn 30 năm qua là thầy Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch hội đồng giáo dục, nguyên hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Chìa khóa để thu phục những học sinh cá tính chính là sự thấu hiểu, bao dung và tôn trọng. Điều đó có thể khiến những học sinh khó dạy nhất tự thay đổi, tự cố gắng để tiến bộ. Tôi gọi đó là quá trình tự kỷ luật.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm

Nhận những học sinh mắc lỗi

Năm 1989, sau khi thông tư 08 của Bộ Giáo dục ra đời, nhiều trường áp dụng hình thức kỷ luật đuổi học với một số học sinh cá tính. Trong số này có những học sinh đánh nhau, bỏ học, dính vào tệ nạn xã hội nhưng cũng có những học sinh chỉ mắc các lỗi như đốt pháo, cãi thầy cô, không thực hiện nề nếp nhà trường, học hành sút kém.

Trong hồ sơ còn được lưu lại, nhiều học sinh trong diện đuổi học có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm do mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ ly hôn, không quan tâm. 

Có những học sinh bị sang chấn tâm lý do biến cố gia đình nên chán nản, có hành vi quậy phá... Trường THPT Đinh Tiên Hoàng được mở với mục đích ban đầu là nhận những học sinh mắc lỗi, bị kỷ luật, gặp khó khăn không đủ điều kiện học ở các trường khác.

"Trường tôi đến bây giờ đã khác trước rất nhiều, có những học sinh học giỏi, thành đạt nhưng vẫn có những học sinh phải chuyển trường đến vì một lý do nào đó. Trong số ấy, có những học sinh không bị đuổi học nhưng lại bị gợi ý ngầm ép chuyển đi khỏi các trường công lập. Chúng tôi không chọn lọc đầu vào. 

Điều này giống như nhiều trường ngoài công lập khác cần học sinh để tồn tại. Nhưng có một điểm đặc trưng của trường mà chúng tôi kiên trì giữ và xem đó như yếu tố tạo nên giá trị của ngôi trường này, đó là nhận học sinh để dạy dỗ chứ không nhận cho có để thu học phí" - ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Những năm đầu tiên mở trường, theo số liệu lưu lại, có trên 60% học sinh học lực dưới trung bình. Những lớp "thu dung" (nhận học sinh bị kỷ luật nơi khác) hầu hết là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Khóa đầu tiên tốt nghiệp THPT chỉ đạt 40%. Nhưng ở thời điểm năm 2018, tỉ lệ học sinh khá, giỏi là 60%, tỉ lệ tốt nghiệp 99%, trong đó 75% học sinh đỗ đại học...

"Sinh ra lần nữa"

Điều thuyết phục hơn những con số là đã có nhiều học sinh trong hơn 10.000 học sinh đến và rời ngôi trường này nói mình được "sinh ra lần nữa".

"Con tôi từng học ở trường X. Cháu có xích mích với bạn nên xảy ra đánh nhau. Cậu bạn đánh con tôi đã vô tình làm bị thương một học sinh khác. Sự việc rất ồn ào, nhà trường lập hội đồng kỷ luật. 

Nhưng điều khó hiểu là cậu học sinh gây thương tích cho bạn không bị đuổi mà chỉ con tôi bị đuổi học. Vì điều đó, con tôi uất ức. Suốt mấy tháng trời, khi đã chuyển về Trường Đinh Tiên Hoàng, cháu giấu một con dao trong tủ quần áo.

Tôi không biết nó định làm gì nên rất lo. Tôi đã tìm gặp thầy Tùng Lâm và cô giáo chủ nhiệm. Các thầy cô đã gặp con tôi. Không biết bằng cách nào mà khiến nó chia sẻ mọi chuyện và khi nó bỏ con dao ra khỏi tủ quần áo, tôi biết là nó đã thay đổi. Giờ con tôi đã có gia đình, cháu nội tôi cũng được bố mẹ nó cho học ở ngôi trường này" - một phụ huynh chia sẻ.

"Nếu thầy cô không dạy được thì cho nó ra đường đi ăn cắp" - từng có ông bố nghiện cờ bạc nói với giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Đinh Tiên Hoàng như vậy, khi cô tìm đến nhà để trao đổi về việc kết hợp giáo dục học sinh. Chính vì thế, nhiều thầy cô giáo đã đi theo vị "thủ lĩnh" là thầy Tùng Lâm có tâm niệm cứ cố hết sức giúp vì không trông đợi được ở bố mẹ học sinh...

Kỷ luật tích cực

Để giáo dục học sinh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã thử nghiệm và triển khai những biện pháp kỷ luật tích cực.

Những hình thức đã được áp dụng có thể thấy tại dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật của Bộ GD-ĐT. Đó là gặp riêng học sinh để động viên, nhắc nhở; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; viết cảm nhận, suy ngẫm về sự việc xảy ra; thực hiện kế hoạch giáo dục bao gồm giao nhiệm vụ cho học sinh lao động, tham gia các hoạt động tích cực...

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng là một trong những ngôi trường đầu tiên có phòng tư vấn tâm lý học đường. Đây còn là nơi thực tập, nghiên cứu thực tiễn của một số nghiên cứu viên ngành tâm lý một thời.

"Không có việc học sinh viết bản kiểm điểm theo mẫu một cách áp đặt, mỗi học sinh có một sổ suy ngẫm. Các em có thể viết bất cứ điều gì mình suy nghĩ, và chỉ cô chủ nhiệm và học sinh được biết. 

Khi suy ngẫm và viết, các em bình tĩnh hơn, trải lòng hơn và đó là một trong nhiều cách để thầy cô hiểu học sinh, hiểu nguyên nhân phạm lỗi. Điều thầy Tùng Lâm sáng tạo ra đó tưởng nhỏ nhưng khác hoàn toàn với cách phổ biến là bắt học sinh viết bản kiểm điểm" - cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên của trường, chia sẻ...

Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thay vì các quy định "cấm", mỗi lớp tự thảo luận để xây dựng các "hương ước" để thực hiện, trong đó có điểm cộng và điểm trừ. Học sinh vi phạm tự trừ điểm của mình, đồng thời tìm cách cố gắng thực hiện các việc để có "điểm cộng" bù lại. Sự chủ động, tích cực này khiến những học sinh mắc lỗi không tự ti, không chán nản, áp lực...

Giáo viên nhiều tỉnh đến học tập

Năm 2019, Hội tâm lý giáo dục Hà Nội tổ chức một tọa đàm đánh giá thành quả 30 năm giáo dục đạo đức học sinh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Bất ngờ có nhiều đoàn cán bộ quản lý, giáo viên ở Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam... tự bỏ tiền túi ra dự để học tập.

"Có một cô giáo ở Kon Tum đã hỏi qua nhiều người để xin số điện thoại của tôi. Tôi mời cô ra Hà Nội gặp. Cô ấy đã nghe tôi nói và dự giờ ở trường rồi về áp dụng những gì tôi đã làm với những học sinh ở lớp cô dạy thêm về vật lý.

Cô ấy muốn giúp đỡ những học sinh đó không phải chỉ là kiến thức vật lý mà là xuất phát từ thấu hiểu những khúc mắc các em học sinh không thể vượt qua được" - thầy Lâm kể lại.

Giữ hay bỏ cách phạt học sinh bằng đình chỉ học? Giữ hay bỏ cách phạt học sinh bằng đình chỉ học?

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thông tư 08 năm 1988. Lần đầu tiên sau 30 năm không còn buộc thôi học và bỏ cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Đây là điều được dư luận ủng hộ.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp