Tại sao tôi lại bảo là Tết của ngoại? Đơn giản vì từ khi tôi nhận thức được thì nhà ngoại đã là nơi mang đến cho tôi cảm giác ấm áp, hân hoan vào những ngày Tết đến xuân về.
Lúc còn ở quê, thường xuyên đến nhà ngoại nên tôi cũng không để ý hay nhớ nhung gì nhiều. Thế nhưng, vào những ngày đầu bước chân vào đại học, ở một nơi xa lạ của ngoại thành, bao nhiêu nỗi nhớ cứ ập đến tâm trí của đứa cháu xa bà.
Trong khuôn viên trường có vườn rau rộng và nuôi một đàn gà cục tác cục ta. Những lúc đó, tôi bắt đầu nhớ đến ngoại. Nhà bà cũng trồng rau, nuôi gà. Cứ đến Tết, ngoại sẽ bắt lấy vài con để đãi con cháu no căng bụng.
Tết năm ngoái, tôi theo cha mẹ đến nhà bà ngoại. Ngoại tôi còn nhanh nhẹn lắm, dáng người cao ráo và da dẻ vẫn hồng hào. Với tôi, ngoại là một lão mỹ nhân. Nhà ngoại là căn nhà cỡ trung, dán gạch, lợp lau phông và có gắn nhiều cửa sổ.
Quanh nhà còn được bao bọc bởi một khu vườn nhỏ. Nhờ vậy mà mỗi khi bước vào nhà, tôi cảm thấy thư thái, mát mẻ lắm. Không khí thoáng đãng, gió thổi hiu hiu.
Buổi chiều, tôi ra băng ghế trước thềm nhà, ngồi dựa lưng vào ghế đá mát lạnh, nhắm mắt lại và cảm nhận làn gió nhẹ lướt qua từng sợi tóc, từng lỗ chân lông trên da cùng mùi hương hoa mai đọng lại nơi chóp mũi. Cảm giác mọi phiền muộn của bài vở chẳng còn. Tâm tĩnh lặng, lòng an yên.
Bên mâm cơm ngày Tết, món lỗ tai heo, cháo gà, thịt kho tàu, pa tê, chả lụa, lạp xưởng ngon tuyệt. Nhìn là thấy Tết, không khí Tết hiện diện trong từng miếng lỗ tai heo chua ngọt giòn giòn, trong món thịt kho tàu đậm vị, vừa ngọt vừa mặn lại béo…
Đã lắm!
Tối đến, con cháu quây quần chúc Tết bà ngoại và thắp hương cho ông ngoại. Ông ngày xưa cũng là một mỹ nam. Với vẻ đẹp trai, lãng tử cùng tính tình hiền hậu, ông đã chinh phục được bà.
Hai người nắm tay nhau qua những thăng trầm cuộc đời đến những năm cuối đời của ông. Ông mất, bà tôi buồn lắm. Không phải cái buồn gào khóc dữ dội. Đấy là cái buồn lặng lẽ, trầm tư của một người chứng kiến lão bạn đồng hành mấy mươi năm rời đi trước.
Là sự chấp nhận vận mệnh, là nỗi trống trải cả ngày lẫn đêm khi chẳng còn ai nói chuyện, khi gối cạnh bên không người nằm. Cũng được mấy năm rồi, mọi nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai. Bà dành hết tình cảm cho con cho cháu.
Tối những ngày Tết, chúng tôi ngồi trên đi văng, kể cho nhau nghe những ngày qua sống thế nào. Ngoại nghe cậu dì kể đủ chuyện và chỉ cười nhẹ. Thi thoảng, bàn tay gầy của ngoại vuốt nhẹ mái tóc tôi, vỗ vai anh họ tôi.
Đôi lúc, ngoại lại ôm bé Su - con của dì vào lòng. Tôi còn để ý thấy ngoại thường nhìn tấm hình trên bàn thờ ông ngoại. Có lẽ, ngoại biết ông cũng đang vui khi thấy con cháu tề tụ đông đủ, yêu thương nhau hết mực.
Mùi hương của nén nhang tỏa ra từ bàn thờ ông ngoại. Không khí sum vầy, tràn đầy tình thương. Tiếng nói cười rôm rả và đôi lúc lặng im vài phút. Phải chăng mọi người cũng như tôi, đang cảm nhận "hương vị Tết" ấm áp, an lành.
Tết không cần khách khứa nhiều, không cần cao lương mỹ vị, không cần bày biện trang hoàng sang trọng. Với tôi, Tết là có ngoại, có những món ăn truyền thống từ bàn tay khéo léo của bà, có anh chị em lâu ngày không gặp quây quần nói cười.
Tết là cảm nhận được hương vị tình thân, là được thấy nụ cười trên gương mặt những người tôi thương. Ai bảo càng lớn thì càng xa cách với ông bà, với làng quê đâu chứ.
Càng lớn, càng phải tự lập, sống nơi đất khách, tôi càng thêm yêu và trân trọng những người thân bên cạnh, trân quý từng khoảnh khắc được ở bên gia đình.
Không quan trọng bạn sinh ra ở đâu, giàu hay nghèo. Nếu không có người thương bên cạnh, bạn sẽ không bao giờ hiểu hết ý nghĩa của ngày Tết. Còn tôi, có ngoại là có Tết!
Tính đến ngày 26-1, cuộc thi Về nhà đã nhận được hơn 380 bài dự thi. Cảm ơn các bạn đã gửi bài.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận