Thông tin được nêu tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 7-7.
Thành lập quỹ phát triển giao thông vùng
TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết việc lập quỹ có rất nhiều khó khăn bởi pháp luật hiện tại của Việt Nam không có pháp lý về vùng cũng như vấn đề tài chính liên quan vùng.
Dù đó là điểm nghẽn rất lớn, song cũng là cơ hội để các địa phương vận dụng được tính sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm như kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Theo ông Vũ, ba điểm nghẽn lớn nhất của vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch, hạ tầng giao thông và du lịch. Để giải quyết được các vấn đề trên, điểm mấu chốt quan trọng nhất là vấn đề thể chế.
Vừa qua TP.HCM đã được thông qua nghị quyết 98, trở thành địa phương duy nhất có cơ chế sử dụng ngân sách đầu tư vào các dự án vùng.
Triển khai các tuyến metro còn lại
Trao đổi vấn đề lập quỹ vùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với Bộ Tài chính, nhưng các địa phương cũng cần có phương án chủ động.
Bởi đây là quỹ phát triển giao thông vùng nên giám đốc sở giao thông vận tải các địa phương phải thống nhất trước mắt cần làm những công trình giao thông nào. Từ đây mới vạch ra nhu cầu vốn, hình thức huy động vốn.
Ông Mãi giao Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp với Ngân hàng Thế giới và sở tài chính các địa phương để tiếp tục hoàn thiện phương án và đề xuất trong tháng 7. Trong quá trình nghiên cứu, có thể nghiên cứu cơ chế trong nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho TP.HCM.
Trước mắt, đề xuất cho phép địa phương sử dụng ngân sách góp vào quỹ cộng với nguồn có thể vay quốc tế, nguồn ngân sách của trung ương, nguồn tài trợ của doanh nghiệp. Ví như mạng lưới metro số 1 TP.HCM vay của Nhật, tuyến số 2 vay của Đức.
“Khi tổ chức thực hiện nghị quyết 98, TP sẽ đánh giá lại, để thực hiện đồng bộ các tuyến còn lại của metro thì sẽ tốn bao nhiêu tiền. Từ đó TP sẽ lập một đề án để đi vay tập trung, triển khai các dự án”, ông Mãi nói.
Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM đề nghị các tỉnh thành tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, trước hết là các dự án đường sắt kết nối vùng.
Về cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Mãi cho biết ngày 15-7 tới TP sẽ giải trình và cố gắng trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 7. Dự kiến đến cuối năm nay dự án sẽ phê duyệt, năm 2024 sẽ giải phóng mặt bằng và năm 2025 sẽ khởi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận