Sơ đồ dự kiến vị trí xây dựng hai cầu đi bộ nối từ quận 2 sang công viên Bạch Đằng, Q.1 |
UBND TP.HCM vừa giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện đồ án xây dựng hai cây cầu đi bộ nối từ bán đảo Thủ Thiêm (Q.2) với công viên Bạch Đằng (Q.1).
Hai cây cầu này sẽ nghiên cứu thiết kế để đảm bảo thuận lợi cho người đi bộ từ hướng quận 1 sang quận 2 và vị trí hai trụ cầu bên phía quận 1 không lấn sâu vào bên trong mặt đường Tôn Đức Thắng.
Những ý kiến trái chiều
Một số người dân chưa đồng tình việc xây ngay cầu đi bộ nối quận 1 và quận 2 trong thời điểm hiện tại. Người dân chỉ cần những công trình thiết thực để duy trì cuộc sống hằng ngày.
Bạn đọc Huỳnh Anh cho rằng có thể làm các công trình tiện ích khác tại trung tâm quận 1. Ví dụ như xây cầu đi bộ từ chợ Bến Thành sang trạm xe buýt Bến Thành để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đặc biệt là du khách nước ngoài, vì hiện nay giao thông tại khu vực trung tâm thành phố rất đông đúc và nguy hiểm.
Chị Thanh Nguyên chia sẻ: “Hãy cải tạo công viên Bạch Đằng, làm bãi xe ngầm, giải quyết kẹt xe giao lộ Nguyễn Huệ và công trường Mê Linh”.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều.“Hai cầu đi bộ hình thành sẽ làm tăng giá trị các dự án bên Thủ Thiêm, điều này giúp nâng cao đời sống của người dân cũng như có thêm không gian đi bộ mới”, đó là chia sẻ của bạn Phan Lê.
Bạn đọc Nguyễn đưa gợi ý: “Cầu đi bộ từ quận 1 sang 2 nên kết hợp phố ẩm thực; khi đó du khách vừa đi bộ, vừa ngắm cảnh sông nước, vừa thưởng ngoạn thức ăn đường phố, nhất là vào ban đêm”.
Thực hiện đồng bộ
Kiến trúc sư (KTS), chuyên gia đô thị Trương Nam Thuận nói: “Tôi khuyến khích xây dựng cầu đi bộ nối quận 1 sang quận 2”. Tuy nhiên, cần phối hợp đồng bộ giữa việc xây dựng cầu đi bộ và hệ thống phục vụ cho việc lưu hành đi bộ tại trung tâm hiện hữu và quận 2.
Cầu đi bộ phải xây dựng đồng bộ và có sự kết nối toàn bộ hệ thống phục vụ cho việc đi bộ: khu vực để xe, khu trung tâm thương mại ngầm với khu vực nhà ga đường Hàm Nghi; bến taxi thủy tại khu vực Vườn Kiểng (công viên Bạch Đằng); bến trung tâm làm đầu mối giao thông các tuyến taxi thủy và các tuyến giao thông công cộng.
“Vấn đề là các công trình đưa ra phải hoàn thiện cùng lúc. Nếu cầu đi bộ hoàn thiện trước mà các hệ thống khác chưa hoàn thiện thì tôi cho rằng việc xây cầu đi bộ sẽ không thành công” - ông Thuận chia sẻ.
Xây cầu đi bộ khi “2 bên ngang nhau”
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “Hiện nay việc kết nối giữa khu vực Thủ Thiêm và khu vực trung tâm quận 1 còn rất kém”. Trong khi mức sống khu vực Thủ Thiêm còn thấp, thì khu vực trung tâm quận 1 được xem là nơi sầm uất và có mức sống cao nhất của TP về mọi phương diện.
“Theo tôi, nếu có xây cầu thì nên xây cầu cho cả xe chạy và cho người đi bộ. Nếu vẫn quyết định xây cầu đi bộ thì phải đợi Thủ Thiêm thành khu vực sầm uất tương đương với quận 1 thì khi đó xây dựng cầu đi bộ mới hợp lý”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn lưu ý xây cầu không cần quá cao so với độ cao mặt nước, xây chỉ đủ cho tàu du lịch qua lại vì hiện nay thành phố đã di dời cảng nên không còn tàu lớn.
TP.HCM sẽ có diện mạo mới?
Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, phó chủ tịch Hội KTS VN Khương Văn Mười chia sẻ: “Xây dựng cầu đi bộ sẽ kết nối hoạt động công cộng giữa quận 1 và quận 2, tạo không gian sinh hoạt cho người dân”.
Cầu vừa giải quyết vấn đề đi bộ cho người dân từ đầu cầu này qua đầu cầu kia, đồng thời tạo ra không gian vui chơi, thư giãn, ngắm cảnh.
Về quy hoạch, quận 1 gần như hoàn thiện, còn khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) đang trong quá trình xây dựng, cho nên việc nối quận 1 và quận 2 thông qua cầu đi bộ sẽ thúc đẩy kết nối và giao thương hai bên.
Ông Mười cho biết: “Hiện nay bên bờ sông quận 1 có bảo tàng, nhà hát giao hưởng, trung tâm triển lãm và nơi trưng bày những tác phẩm văn hóa - nghệ thuật. Còn bên bờ sông quận 2 có quảng trường hơn 27ha là nơi tổ chức thi quốc tế”.
Cầu sẽ nối liền các hoạt động giữa quận 1 và quận 2, giúp bổ sung và kết nối hai quận thành một thể thống nhất, xây dựng TP với một diện mạo mới.
Cầu đi bộ ở các nước phát triển Cầu đi bộ ở khu Marina tại Singapore hay cầu đi bộ ở trung tâm London được xây dựng khi hai bên cầu đã phát triển ở mức ngang nhau. Những chiếc cầu đi bộ này chỉ mang tính chất trang trí và tô điểm cho thành phố. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> KTS Khương Văn Mười
>> KTS Trương Nam Thuận
>> KTS Ngô Viết Nam Sơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận