01/07/2021 08:58 GMT+7

Có nên tháo dỡ cầu Nông Sơn cũ?

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Sở Giao thông vận tải Quảng Nam đề xuất dỡ cầu Nông Sơn (cũ). Đây là cây cầu được xây từ tấm lòng của người dân cả nước sau vụ chìm đò khiến 18 học sinh thiệt mạng năm 2003.

Có nên tháo dỡ cầu Nông Sơn cũ? - Ảnh 1.

Người dân Nông Sơn muốn giữ lại cầu cũ (trái), đây là cây cầu xây nên từ tấm lòng người dân cả nước - Ảnh: LÊ TRUNG

Và người Nông Sơn muốn giữ lại cây cầu này.

Cầu xuống cấp, cần tháo dỡ?

Năm 2020, Sở GTVT Quảng Nam có văn bản gửi tỉnh này đề xuất tháo dỡ cầu Nông Sơn cũ (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Theo sở này, cầu Nông Sơn (mới) được tỉnh phê duyệt đầu tư từ năm 2019, xây dựng bên cầu cũ (phía hạ lưu) với hai làn xe. Cầu cũ giữ lại sử dụng cho xe thô sơ và người đi bộ.

Trong quá trình lập dự án còn có xem xét phương án xây dựng thêm một đơn nguyên (bằng khổ cầu cũ, bề rộng 4,5m) để kẹp vào cầu cũ, nhưng phương án này không thực hiện được bởi cầu cũ sau khi kiểm định chỉ đảm bảo khai thác với tải trọng 8 tấn, kết cấu nhịp còn tốt nhưng kết cấu mố trụ bị xuống cấp, cần phải sửa chữa mới tiếp tục duy trì hoạt động bình thường được.

Cầu Nông Sơn mới đang xây. Nếu giữ lại cầu cũ, cần phải bổ sung kinh phí để sửa chữa hư hỏng các bệ trụ cầu (khoảng 1 tỉ đồng) và cần xây thêm một cống chui dưới đường đầu cầu cũ (khoảng 2 tỉ đồng). Bên cạnh đó, hằng năm phải tốn thêm chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng.

Theo Sở GTVT Quảng Nam, nếu tháo dỡ cầu cũ thì việc tổ chức giao thông các nút hai đầu cầu sẽ ít phức tạp hơn, đảm bảo an toàn cho lưu thông đường thủy dưới cầu, tiết kiệm được chi phí bảo trì và sửa chữa cầu cũ, không cần xây cống chui mới dưới đường đầu cầu cũ. 

Tháo dỡ cầu cũ có thể thu hồi 20 dầm cầu và hệ lan can tay vịn (chất lượng tốt), có thể tận dụng xây dựng các cầu lân cận cho địa phương. Xét thấy phương án tháo dỡ cầu có nhiều yếu tố lợi hơn so với giữ lại, sở này đề xuất với tỉnh tháo dỡ cầu cũ.

Tháng 5-2021, ông Trần Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GTVT - tiếp tục có công văn gửi huyện Nông Sơn về việc cho ý kiến tháo dỡ cầu Nông Sơn cũ. 

"Thời gian qua có hiện tượng xâm thực khiến bệ trụ cầu cũ bị nứt, ảnh hưởng vị trí nằm kết cấu chịu lực của trụ, chúng tôi cảm thấy không an toàn, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy" - ông Thanh nói thêm. 

Để thủ tục thực hiện phương án tháo dỡ thêm chặt chẽ cần có thêm ý kiến đồng thuận của người dân, vì vậy sở đã đề nghị địa phương lấy ý kiến bằng văn bản về việc giữ lại hay tháo dỡ cầu.

Người Nông Sơn muốn giữ lại

Ông Nguyễn Công Định (41 tuổi, xã Quế Trung) nói: "Cây cầu cũ vẫn đang lưu thông bình thường, tháo dỡ thì vô lý quá. Vả lại cây cầu cũng là chứng tích cho vụ chìm đò tang thương mười mấy năm trước, xây nên từ tấm lòng người dân cả nước".

Còn ông Tạ Hồng Mười (65 tuổi) nói nên để lại cây cầu cũ, vì đó là kỷ niệm từ sự ủng hộ của người dân cả nước với Nông Sơn. "Để cây cầu lại người dân có thể đi xe máy, đi bộ. Cầu mới xe tải chạy nhiều, người dân có thêm lựa chọn là đi cầu cũ" - ông Mười nói.

Ủy ban MTTQVN xã Quế Trung đã tổ chức lấy ý kiến của người dân, qua phát phiếu cho 126 hộ dân thì tất cả đều không thống nhất tháo dỡ cầu cũ và yêu cầu giữ lại chiếc cầu nghĩa tình này. Còn UBMTTQ huyện Nông Sơn cho rằng cây cầu được xây dựng là cầu tình thương, từ nguồn xã hội hóa của nhân dân cả nước đóng góp, do vậy người dân muốn giữ lại cây cầu như một cách ghi ơn. 

Giữ nguyên cây cầu cũ cũng là ý kiến của tập thể thường trực HĐND huyện này. Mới đây, UBND huyện này có báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở GTVT, thống nhất theo như nguyện vọng của người dân và đề xuất giữ lại cây cầu cũ.

Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết huyện đã chỉ đạo họp dân, phát phiếu lấy ý kiến. Đa phần người dân không đồng ý tháo dỡ cầu cũ. 

"Trong thời điểm địa phương hết sức khó khăn, nhân dân cả nước, các cơ quan báo chí, đặc biệt báo Tuổi Trẻ đã phát động kêu gọi lòng nhân ái, đóng góp để xây cầu, địa phương phát triển kinh tế xã hội. Đó là điều đáng quý, ý nghĩa. Người dân không đồng tình dỡ đi bởi cây cầu là một chứng tích. Để lại cây cầu cũ sẽ còn nhiều ý nghĩa khác nữa về văn hóa, du lịch, kinh tế của địa phương" - ông Hòa nói.

Cây cầu nghĩa tình

Vụ chìm đò ở khu vực bến Cà Tang trên sông Thu Bồn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) chiều 19-5-2003 khiến 18 học sinh thiệt mạng. Một đợt phát động chung tay dựng cầu tặng người dân Cà Tang đã được khởi xướng. Khoản tiền 12 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của bạn đọc, các cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được dành cho công trình ý nghĩa này (trong đó bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ để xây cầu 2,8 tỉ đồng). Ngoài số tiền này, tỉnh trích vốn đối ứng cùng Tuổi Trẻ hiện thực hóa giấc mơ xây cầu.

Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép, dài 346m, hai đường dẫn dài 585m, mặt cầu rộng 6m, gồm 10 nhịp, với kinh phí hơn 20 tỉ đồng, được bàn giao ngày 29-4-2005.

Cầu Nông Sơn mới được tỉnh đầu tư có tổng đầu tư khoảng 128 tỉ đồng, chiều dài 337,3m, rộng 9m, dự kiến hợp long và bàn giao công trình này trong năm 2021.

Ngày 25-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GTVT Quảng Nam - cho biết việc lấy ý kiến là sự tôn trọng người dân. Nguyện vọng người dân muốn giữ lại cây cầu, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh sửa chữa lại cầu, bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Nông Sơn, cây cầu nghĩa tình của bạn đọc trên bến Cà Tang Nông Sơn, cây cầu nghĩa tình của bạn đọc trên bến Cà Tang

TTO - Trong khi đợi cây cầu mới, người dân huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn ngày ngày qua sông Thu Bồn bằng cầu Nông Sơn – cây cầu được xây nên bởi sự đóng góp của bạn đọc trên cả nước.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp