Phóng to |
Nhiều người đồng tình thí điểm tăng tuổi hưu ở đối tượng quản lý, chuyên gia... Trong ảnh: bác sĩ Phan Thanh Hải (65 tuổi, giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, TP.HCM) siêu âm cho bệnh nhân - Ảnh: N.C.T. |
* PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (nữ đại biểu Quốc hội - ĐBQH - tỉnh Hòa Bình, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Tăng tuổi hưu là phù hợp
Có nhiều lý do để có thể xem xét tăng thêm độ tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ so với quy định hiện nay. Chẳng hạn như tuổi thọ trung bình của người VN đã tăng đáng kể (tính đến năm 2010 là 73 tuổi, trong khi đó năm 1960 mới ở mức 40 tuổi - theo báo cáo của Tổng cục Dân số năm 2011). Chế độ dinh dưỡng cũng ngày càng được cải thiện, hay thể lực của người dân phát triển tốt hơn trước nhiều và đặc biệt là để tăng độ an toàn cho quỹ BHXH... Đồng thời vấn đề chênh lệch độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng cần nỗ lực tìm cách thu ngắn lại, không nên tiếp tục chấp nhận một khoảng cách quá xa như hiện nay (chênh lệch đến 5 tuổi). Nếu để phụ nữ về hưu ở độ tuổi 55 như hiện nay (đặc biệt là với khối nữ trí thức, hoặc tham gia công tác quản lý) thì nhìn nhận ở một góc độ nào đó sẽ là một sự lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội.
Vì vậy, theo tôi, có thể tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ, đồng thời giảm mức chênh lệch độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm như hiện nay xuống còn ở mức khoảng 2,5-3 năm. Cụ thể, có thể nâng độ tuổi nghỉ của nam là 62 và nữ là khoảng 58-59 và có thể xem xét thí điểm ở đối tượng trí thức, lao động kỹ thuật cao hoặc tham gia công tác quản lý.
Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến việc tạo ra các vị trí việc làm mới cho lớp trẻ trong tình hình tỉ lệ thanh niên không có việc làm tương đối lớn. Tuy nhiên, nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu thì mặt tác động bất lợi này sẽ chỉ có thể diễn ra trong vòng 3-5 năm đầu áp dụng, do việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu 2-3 năm nên các vị trí việc làm mới được tạo ra ít hơn so với giữ độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Sau giai đoạn này thì chắc chắn sẽ dần đi vào cân bằng và ổn định.
"Liên quan đến quỹ BHXH của nước ta còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xem xét. Các vị cứ lấy lý do về quỹ này để tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho là chưa đúng"
Ông THANG VĂN PHÚC(nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ)
* Ông Nguyễn Anh Sơn
(phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định):Khó nhận được sự đồng tình cao
Cần hết sức cân nhắc, xem xét thận trọng mọi tác động liên quan của việc nâng tuổi nghỉ hưu trong lúc này vì có thể sẽ không nhận được sự đồng tình cao của xã hội nói chung, đặc biệt là của lao động nữ nói riêng.
Một trong những lý do được đưa ra cho đề xuất trên là phải cân đối khả năng chi trả của quỹ BHXH, như tính toán của các nhà quản lý và khoa học là đến năm 2030 khả năng cân đối của quỹ này sẽ hết sức căng thẳng. Tôi thấy rằng cần tính toán thêm các khả năng khác, chẳng hạn như nâng mức đóng BHXH thêm chút ít, ở mức vẫn có thể chấp nhận được trong tình hình đời sống, kinh tế của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời phải rà soát lại việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH hiện nay, kể cả vấn đề quản lý quỹ, đã phù hợp, khoa học và nghiêm minh hay chưa? Thực tế cho thấy số tiền nợ BHXH, người sử dụng lao động bỏ trốn dẫn đến không thu được BHXH... là một con số không nhỏ. Đó là chưa kể bộ máy, biện pháp quản lý quỹ này hiện còn nhiều bất cập, cần tiếp tục khắc phục.
* Ông Cao Văn Sang (giám đốc BHXH TP.HCM):
Không thể tăng mức đóng BHXH
Khoảng 5-10 năm nữa, VN bước vào giai đoạn già hóa dân số nên số người hưởng lương hưu sẽ ngày càng tăng. Ngược lại, tốc độ tăng người đóng BHXH ngày càng chậm đi, dẫn đến quỹ hưu trí đương nhiên sẽ bị thiếu. Các nước phương Tây cũng phải tăng tuổi nghỉ hưu chứ không riêng gì VN, có quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam giới và phụ nữ đến 65 tuổi. Do vậy xu thế kéo dài tuổi hưu, đứng ở góc độ cân đối quỹ là cần thiết và khó tránh.
Có ý kiến cho rằng không nên tăng tuổi hưu mà phải tăng mức đóng BHXH. Tôi cho rằng mức đóng BHXH hiện nay là ghê gớm lắm rồi, đóng nữa thì không ai chịu nổi. Mức sống người dân mình thấp, tiền lương người lao động mình thấp, tỉ lệ đóng BHXH trên tiền lương hiện nay đã là quá lớn (trên 30%). Do đó chỉ còn cách là thời gian đóng BHXH phải dài ra. 5-10 năm nữa chúng ta cũng phải tính đến tăng tuổi hưu đến 65 tuổi như các nước phương Tây.
* Một nữ giáo viên THCS ở Q.3, TP.HCM:
Muốn nghỉ hưu ở tuổi 57-58
Xung quanh việc tăng tuổi hưu, ở nơi tôi làm việc có hai luồng ý kiến khác nhau, một nửa muốn về hưu đúng tuổi, còn một nửa muốn nâng tuổi hưu lên. Ở trường tôi có người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không muốn về vì thấy sức khỏe còn tốt, khả năng cống hiến còn nhiều và nếu phải nghỉ hưu đúng tuổi hiện nay họ cảm thấy rất hụt hẫng. Trường tôi cũng từng bị phòng giáo dục phê bình vì có nhiều thầy cô đã nghỉ hưu nhưng vẫn được giữ lại dạy thỉnh giảng. Lý do bị phê bình là “đến tuổi mà cứ ở lại thì lớp trẻ làm sao có chỗ vào làm việc”.
Cá nhân tôi là phụ nữ, tôi không muốn làm việc đến 60 tuổi vì tuổi đó hơi cao quá và sức khỏe đã xuống nhiều. Còn nếu về hưu lúc 55 tuổi lại hơi sớm một chút. Tôi nghĩ tuổi phù hợp để nữ giới nghỉ hưu là 57-58 tuổi.
* Bà NGUYỄN TRẦN PHƯỢNG TRÂN (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM, trưởng ban chính sách pháp luật): Nên quy định độ tuổi cho từng đối tượng Trong Bộ luật lao động hiện hành đã có quy định tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam và có thể tăng thêm nhưng không quá năm năm. Tuy nhiên quy định này chỉ phù hợp với một số lĩnh vực mang tính chất nghiên cứu hoặc quản lý, không thể áp dụng chung, nhất là đối với lao động trực tiếp trong các lĩnh vực như da giày, may mặc, bởi người lao động hiện nay đang làm việc trong những điều kiện gây tổn hại nhiều đến sức khỏe. Đề xuất điều chỉnh tuổi hưu của nữ bằng với nam dựa trên quan điểm bình đẳng giới cũng không nên bởi sức khỏe, thể trạng của nam và nữ khác nhau và nữ giới phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Ở góc độ quản lý, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ gây cản trở đối với việc bố trí các cán bộ trẻ, không khuyến khích được người trẻ phấn đấu làm việc, giảm cơ hội phát huy năng lực của lớp lao động trẻ. Đồng thời đề xuất tăng tuổi hưu cần căn cứ vào những nghiên cứu, khảo sát cụ thể chứ không thể để giải quyết một nguy cơ tức thời nào đó như vỡ quỹ BHXH. Riêng về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, cái mà BHXH hiện đang thu là căn cứ vào thu nhập hợp đồng, trong khi đó mức thu nhập thực tế của nhiều người lao động có thể cao hơn. Cách giải quyết là nên điều chỉnh mức đóng BHXH theo mức thu nhập thực tế của người lao động. VŨ THỦYghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận