15/05/2017 15:45 GMT+7

​Có nên nhổ răng sữa ở trẻ em?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Khi trẻ có một chiếc răng sữa bị sâu nhiều hoặc mới bị lung lay, nhiều bố mẹ nghĩ rằng nên chủ động nhổ chúng đi. Họ nghĩ rằng nhổ sớm như vậy sẽ giúp răng trưởng thành dễ mọc và không mọc xấu.

Suy nghĩ trên là không đúng. Thực tế việc nhổ răng sữa bị sâu hoặc lung lay sớm như vậy gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích.

Quá trình mọc và thay thế răng sữa

Vào lúc được 3-4 tuổi, hầu hết trẻ sẽ có 20 chiếc răng sữa. Những chiếc răng sữa sẽ bắt đầu lung lay và rụng đi khi chân răng của chúng bị tiêu dần để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên thay thế. Phần lớn trẻ bắt đầu có răng sữa lung lay ở độ tuổi 5 - 6 tuổi, cũng có một số trẻ có răng sữa lung lay bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn lúc 4 tuổi hoặc muộn hơn lúc 7-8 tuổi. Tuy nhiên nếu trẻ có răng sữa bị lung lay và rụng quá sớm trước 4 tuổi thì cần đưa đi khám nha sĩ.

Thường hai răng cửa hàm dưới sẽ là những chiếc bị lung lay và rụng đầu tiên, tiếp theo là răng cửa hàm trên. Nói chung, răng sữa thường được thay thế bởi răng vĩnh viễn theo thứ tự cái nào mọc trước sẽ được thay trước, với thứ tự thông thường là từ răng cửa, đến răng nanh, răng tiền hàm và răng hàm. Răng vĩnh viễn ở hàm dưới mọc trước xen kẽ với răng ở hàm trên theo thứ tự này. Đến khoảng 13-14 tuổi, trẻ thường thay hết 20 răng sữa.

Vai trò quan trọng của răng sữa

Không phải ai cũng hiểu hết tầm quan trọng và vai trò của những chiếc răng sữa đối với sức khỏe của trẻ. Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc nhai, nói, thẩm mỹ của khuôn mặt và tạo chỗ cho những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên sau này.

Răng vĩnh viễn mọc lên và phát triển ở bên dưới chiếc răng sữa. Nếu răng sữa bị sâu thì việc này cũng gây hại cho răng vĩnh viễn bên dưới. Vì vậy cần chữa trị kịp thời tình trạng sâu răng của răng sữa.

Vì bất kỳ lý do nào mà trẻ bị mất răng sữa quá sớm do sâu răng nặng, do chủ động nhổ sớm, chấn thương... thì có thể dẫn đến những nguy cơ và hậu quả như: giảm sức nhai, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sự phát âm và răng vĩnh viễn mọc lệch.

Chăm sóc răng sữa

Chính vì răng sữa có vai trò hết sức quan trọng nên các bậc phụ huynh cần chăm sóc và bảo vệ răng sữa, tốt nhất là bằng các biện pháp dự phòng như:

-  Trẻ dưới 3 tuổi, chỉ dùng bàn chải đánh răng cho trẻ bằng nước sạch mà không dùng kem đánh răng vì trẻ dễ nuốt kem đánh răng gây nhiễm fluor, làm ố men răng.

-  Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể tập tự đánh răng bằng kem đánh răng dành riêng cho trẻ em với lượng kem rất ít để tránh tình trạng nuốt kem. Lúc đầu lượng kem bằng hạt gạo sau tàng dần theo tuổi của trẻ, lúc 5 tuổi trẻ chỉ dùng lượng kem đánh răng bằng hạt đậu xanh là đủ.

-  Hướng dẫn trẻ lớn cách vệ sinh răng miệng đúng cách: đánh răng thường xuyên bằng kem đánh răng có chứa fluor, nên đánh răng sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất là hai lần mỗi ngày. Đặc biệt, nên đánh răng buổi tối trước khi đi ngủ; nên đánh răng theo chiều dọc từ trên xuống và ngược lạỉ hơn là đánh theo chiều ngang (đánh theo chiều dọc sẽ dễ dàng giúp làm sạch thức ăn và các bợn mắc kẹt giữa các răng).

-  Để phòng các bệnh về răng thì không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có nhiều đường (dễ bị sâu răng).

-  Cần chữa, trám sớm các răng sữa bị sâu, tránh suy nghĩ sai lầm rằng răng sữa trước sau gì cũng rụng nên không cần trám dẫn đến sâu răng nặng và mất răng sữa quá sớm.

-  Nên đưa trẻ đi khám nha sĩ định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra điều trị sớm sâu răng, các bệnh răng miệng cũng như làm vệ sinh răng (lấy cao răng).

Trường hợp trẻ bị sâu răng sữa nặng, mất răng sữa quá sớm do bệnh lý của ráng, hàm, nướu, hoặc do chấn thương... thì cần đưa đi khám nha sĩ để làm phục hình răng như răng giả hoặc chụp mão răng... để giữ chỗ trên hàm giúp răng vĩnh viễn mọc đúng sau này.

Làm gì khi răng sữa bắt đầu lung lay?

Khi răng sữa bắt đầu lung lay, không nên nôn nóng nhổ sớm dù chỉ vài tháng vì làm trẻ đau, có thể chảy máu nhiều và sợ việc khám chữa răng. Cũng cần khuyên trẻ đừng cố lắc mạnh để bẻ răng sữa khi chúng mới lung lay.

Thời gian từ khi bắt đầu lung lay đến khi rụng một chiếc răng sữa thường mất vài tháng. Khi răng vĩnh viễn đã sẵn sàng thay thế, chiếc răng sữa bên trên sẽ càng lung lay nhiều. Mặc dù điều này có hơi gây khó chịu, đứa trẻ vẫn ổn và tự xoay xở bằng việc nhai thức ăn tránh chỗ răng lung lay đó. Đến khi răng gần như lỏng ra thì đứa trẻ có thể tự lắc nhẹ và lấy chiếc răng sữa sắp rụng ra. Với cách lấy răng lung lay tự nhiên như vậy, trẻ thường sẽ không đau và không chảy máu, hoặc chỉ đau và chảy máu rất ít. Trong trường hợp chảy máu ít, có thể dùng bông y tế ấn vào chỗ răng rụng và bảo trẻ cắn nhẹ trong vài phút là sẽ cầm máu. Chỉ những trẻ có bệnh lý về máu hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng khác có thể gây chảy máu nhiều thì mới cẩn đưa đi nha sĩ khám và điều trị.

Bố mẹ cũng không cần phải nhổ giúp vì thường trẻ cũng sợ việc người lớn nhổ răng mình. Thậm chí nếu trẻ lỡ vô tình nuốt chiếc răng bị rụng thì các nha sĩ thấy rằng nó cũng chẳng gây hại gì và chiếc răng đó sẽ được thải ra ngoài theo phân.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp