17/05/2012 11:52 GMT+7

Có nên lồng từ thiện vào quảng cáo?

JACKIE
JACKIE

TTO - Hàng trăm bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến về Tuổi Trẻ Online chia sẻ câu chuyện liên quan Clip quảng cáo gây tranh cãi. Quảng cáo gắn với từ thiện có nên không, thể hiện tính nhân văn hay lạm dụng lòng trắc ẩn?

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tiếp tục cùng chia sẻ quan điểm riêng của mình.

AazMQrcV.jpgPhóng to
Hình ảnh bé Tuấn bị ung thư trong clip quảng cáo - Ảnh chụp từ clip
Clip quảng cáo Gấu Đỏ - Ký ức yêu thương - Nguồn: YouTube

Hãy làm quảng cáo phù hợp hơn

Cảm giác lần đầu tiên của tôi khi xem clip quảng cáo này là rất xúc động trước một clip đầy tính nhân văn, kêu gọi đóng góp cho một cộng đồng trẻ em nghèo bất hạnh. Nếu clip "Gấu Đỏ - Ký ức yêu thương" chỉ dừng ở những thông điệp bằng hình ảnh và không kèm theo lời kêu gọi việc đóng góp "gián tiếp" bằng việc sử dụng sản phẩm mì thì nó là một thông điệp rất mạnh đi vào lòng người.

Cái hay ở đây là đơn vị thực hiện mẫu quảng cáo này đã xây dựng được ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó. Nhưng cái "không hay" là lồng ý nghĩa cao cả ấy thông qua một sản phẩm kinh doanh nhất định.

Dù Gấu Đỏ có là nhãn hiệu tích cực trong việc tham gia các hoạt động vì cộng đồng thì clip quảng cáo ấy kèm theo thông điệp đóng góp "gián tiếp" như vậy theo tôi là chưa phù hợp. Clip ấy tôi nghĩ chỉ phù hợp cho một hoạt động phi kinh doanh. Còn việc Gấu Đỏ có những hoạt động vì cộng đồng bằng cách trích một phần từ doanh số bán hàng thì nên chọn một mẫu quảng cáo khác phù hợp hơn.

Từ thiện thì bất vụ lợi

Làm từ thiện là một hoạt động nhân đạo xã hội, hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng thương yêu đồng loại, đồng bào nhằm xoa dịu và góp phần chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn. Từ thiện hoàn toàn bất vụ lợi.

Việc quảng cáo với mục đích làm từ thiện theo tôi là trái với nguyên tắc này. Đừng biến hoạt động từ thiện bằng hình thức quảng cáo và coi đó là chiêu bài đánh động lòng người.

Có nhiều doanh nghiệp làm từ thiện hết sức thiết thực và thể hiện thật sự tấm lòng, tinh thần nhân đạo.

Đừng dùng nỗi đau ung thư để quảng cáo!

Thật quá đáng khi lạm dụng lòng trắc ẩn của mọi người để làm tăng doanh số cho công ty. Xã hội cần những đơn vị có tâm chứ không cần cái khẩu hiệu. Muốn làm từ thiện chân chính thì không nên dùng "chiêu" này!

Ngày nay chúng ta phải luôn có cái nhìn đa phương diện và đa cách, để tiếp xúc với vấn đề một cách khách quan nhất. Tại sao chúng ta cảm thấy hình ảnh về một cậu bé ung thư được sử dụng vì mục đích quyên góp và ủng hộ những người thiếu may mắn là đụng chạm, là khơi nỗi đau của những gia đình, những người có căn bệnh này.

Chúng ta hướng đến một xã hội văn minh và thân thiện, giàu tình thương và nhân ái. Có nhiều cách để chúng ta thể hiện điều đó, không cần quảng bá sản phẩm của mình gắn với hình ảnh cậu bé ung thư để chạm vào lòng trắc ẩn của khán giả.

10 đồng và con số lớn hơn

Nếu đem hết tiền làm mẩu quảng cáo trên để làm từ thiện thì chắc chắn con số không phải nhỏ. Nhưng nếu những người làm quảng cáo muốn nhắm vào con số 10 đồng trên mỗi gói mì bán ra, chắc chắn họ đang nghĩ tới một con số lớn hơn. Từ thiện ngày nay đang bị gán ghép vào nhiều hoạt động khác quá!

Dùng hình ảnh bệnh nhi là để kêu gọi sẻ chia

Khi xem quảng cáo "Gấu Đỏ - ký ức yêu thương", tôi thấy lòng mình nghẹn lại vì xúc động. Còn đó những mảnh đời đang bị lãng quên. Họ đang gánh chịu nỗi đau bệnh tật từng ngày mà chẳng biết chia sẻ cùng ai. Tôi nghĩ rằng mục đích của quảng cáo là kêu gọi mọi người dùng sản phẩm. Như vậy, quảng cáo đó trước hết vì mục đích lợi nhuận.

Họ dùng hình ảnh bệnh nhi ung thư để kêu gọi mọi người dùng sản phẩm, ủng hộ các em bé ấy. Đó là điều không thể chối cãi.

Nhưng nếu nghĩ thoáng hơn ta cũng nhận ra họ đã góp phần truyền đi thông điệp yêu thương, nhân ái giữa con người với con người. Nó thôi thúc chúng ta chia sẻ với các bệnh nhân ung thư nghèo nhiều hơn nữa, không chỉ bằng cách mua sản phẩm.

Hình ảnh bệnh nhi ung thư trong clip khiến ai cũng thấy xót xa, đáng thương. Nhiều người nghĩ rằng như thế là làm tổn thương họ nhưng tôi lại nghĩ chúng ta có thể nhìn một góc cạnh khác: vốn dĩ cuộc đời các bệnh nhân ấy quá cay đắng và đang cần chúng ta an ủi, sẻ chia, cần xã hội biết đến và giúp họ vượt qua nghịch cảnh.

Hình ảnh họ được đưa lên quảng cáo là để mọi người cảm thông và chung tay chữa lành nỗi đau ấy.

uDOTQIr3.jpgPhóng to

Kết quả thăm dò cho câu hỏi "Bạn nghĩ gì về clip quảng cáo Gấu Đỏ - Ký ức yêu thương?" tính đến 10g hôm nay 17-5. Chiếm số lượng cao nhất đang là ý kiến: "Không nên dùng hình ảnh trẻ em ung thư để quảng cáo".

5xw2aAny.jpgPhóng to
Giọt nước mắt đau đớn, bất lực của người mẹ nghèo khi không thể giúp đứa con nhỏ bị ung thư tiếp tục chữa trị. Đây là một trong những hình ảnh xúc động trong clip quảng cáo - Ảnh chụp từ clip

Quảng cáo khơi dậy lòng thương người

Tôi hiện là sinh viên ngành kinh tế. Theo tôi, có thể sử dụng hình ảnh trẻ em ung thư trong quảng cáo. Người Việt Nam luôn nói có truyền thống thương người, khi quảng cáo như thế chúng ta có thể cảm thông và đóng góp sự yêu thương của mình đối với những cảnh đời bất hạnh. Quảng cáo ấy có thể khơi dậy tình thương, sự đùm bọc với những mảnh đời bất hạnh.

Không chỉ mua mì mới có thể giúp đỡ được những người như thế mà có thể giúp bằng những cách khác nhau. Ở đây, mì Gấu Đỏ đã phần nào khơi dậy tinh thần tương thân tương ái đối với mỗi người. Mặt khác là nhà tiên phong trong sử dụng hình ảnh này trong quảng cáo để tạo sự khác biệt và đánh vào tâm lý khách hàng. Đó cũng là một cách thức hay mà các doanh nghiệp cần học hỏi. Không những bán được hàng mà còn truyền thông điệp ý nghĩa đến tất cả người Việt Nam.

Một chiến lược tuyệt vời

Xét về khía cạnh chuyên môn, clip quảng cáo này không vi phạm Luật quảng cáo. Chắc chắn rằng hình ảnh trong clip mang tính tượng trưng, rất đời thường.

Xét về tính nhân văn thì clip này có đủ tính nhân văn. Ở khía cạnh xã hội, văn hóa thì clip này rất "được lòng người", nghĩa là phù hợp với người Việt Nam. Không phải ai cũng đủ tiền, đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những xúc cảm của mình trước những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng không phải ai cũng có đủ khả năng đứng ra để làm đại diện cho những ước mơ, những hoài bão muốn chia sẻ với cộng đồng. Gấu Đỏ mượn hình ảnh nỗi đau ung thư để truyền tải một thông điệp nhân văn.

Nếu chưa một lần nghĩ đến những ước mơ được chia sẻ, nếu chưa một lần nghĩ đến những số phận bất hạnh, Gấu Đỏ không thể làm được điều đó! Những trẻ em nghèo, bất hạnh sẽ ấm lòng hơn với những tấm lòng nhân ái. Còn nếu bạn cho rằng Gấu Đỏ đã dùng những hình ảnh đó để đánh vào lòng nhân ái, tính thương người... thì thật tuyệt vời, Gấu Đỏ đã làm được điều đó. Quả đúng là chiến lược tuyệt vời!

Theo bạn đọc, nên hay không nên sử dụng hình ảnh trẻ em ung thư, hình ảnh người nghèo khổ cho clip quảng cáo? Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt) và tham gia thực hiện phần thăm dò bên dưới.

Bạn nghĩ gì về clip quảng cáo Gấu Đỏ - Ký ức yêu thương?
Xúc động, sâu sắc, nhiều ý nghĩaKhông nên dùng hình ảnh trẻ em ung thư để quảng cáo Bình thường thôi Ý kiến khác
JACKIE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp