29/09/2020 11:17 GMT+7

Có nền kinh tế 'mở' hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam kiếm được rất ít trong chuỗi giá trị

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Các chuyên gia thế giới có chung lời khuyên rằng những cải cách kinh tế tới đây của Việt Nam nên tập trung vào “chất” thay vì nhìn vào “lượng”.

Có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam kiếm được rất ít trong chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Diễn đàn cải cách và phát triển VN năm nay được tổ chức trực tuyến với các chuyên gia ở những điểm cầu khác nhau trên thế giới - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng nay (29-9), trong khuôn khổ Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam với chủ đề Việt Nam hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc thảo luận với các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

"Cú sốc lớn nhất" từ sau Chiến tranh thế giới 2

Phát biểu trực tuyến qua mạng Internet, bà Victoria Kwakwa, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, chúc mừng Việt Nam vì "đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế".

Dù vậy, bà Kwakwa cho rằng vẫn còn quá sớm để hiểu tác động đầy đủ của loại virus này đối với nền kinh tế toàn cầu. Các ước tính sơ bộ của chuyên gia WB cho thấy đây là cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn nhiều so với đại suy thoái trước đây, là cú sốc lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2.

"GDP toàn cầu được dự báo giảm 5,2% trong năm 2020, mức suy thoái toàn cầu sâu nhất trong vòng tám thập kỷ. Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm đi 700 tỉ USD vào năm 2020 so với năm 2019, vượt quá tác động tức thì của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 tới 60%. Tháng 4-2020, số lượng hành khách bay chỉ bằng chưa đầy 1/7 tháng 4-2019" - bà Kwakwa dẫn chứng các con số.

Vị nữ phó chủ tịch WB cũng cho rằng đại dịch đã làm cho mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy. Tất cả những trung tâm quan trọng nhất của mạng lưới toàn cầu này đều bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus.

Có khoảng 1.000 công ti, nhà cung cấp trên thế giới sở hữu 12.000 cơ sở tại các khu vực phải cách ly do dịch, hầu hết ở Trung Quốc. Mức tập trung cao về chuỗi cung ứng này giải thích mức độ nghiêm trọng của đứt gãy, đặc biệt là khi các chuỗi giá trị toàn cầu chiếm tới 50% thương mại quốc tế.

"Nhưng trong thách thức có cơ hội, thách thức tạo ra các cơ hội mới. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phục hồi kinh tế mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu" - bà Kwakwa nói.

Có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam kiếm được rất ít trong chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Từ Indonesia, TS Jonathan Pincus khuyên Việt Nam cải cách kinh tế theo hướng tập trung vào "chất" thay vì chú trọng về "lượng" như giai đoạn trước đây - Ảnh: Lê Kiên

Cải thiện năng lực trong nước để được "chia miếng bánh" to hơn

"Đại dịch COVID-19 có thể khởi phát những thay đổi lâu dài về tổ chức và công nghệ đối với cách thức hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa sản xuất, phát triển thương mại điện tử..." - bà Kwakwa nhận định.

Bà cho rằng việc tái phân bổ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các công ty đa quốc gia theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc hình thành các liên minh kinh tế mới chính là cơ hội cho các nước đang phát triển, Việt Nam nên nắm bắt tốt cơ hội này. 

"Việt Nam có nhiều dư địa để cải thiện và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và thu hẹp khoảng cách đối với các quốc gia phát triển" - bà nói.

Từng là giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, bà Kwakwa cũng chỉ ra rằng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực còn hạn chế dù là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới.

Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỉ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, xếp thứ 55/174 quốc gia. Con số này chưa bằng ¼ của Philippine (84,4 tỉ USD), quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á và đứng trên Việt Nam  trong bảng xếp hạng (34/174).

Bà khuyên Việt Nam cần chuẩn bị tốt để tham gia các chuỗi giá trị, thu hút các nguồn vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Thực hiện các biện pháp để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, Việt Nam cần chiến lược về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất.

"Chúng ta sắp đến Tết Trung thu truyền thống, tôi muốn đưa ra một công thức bánh (P.I.E) cho thành công, trong đó P là chữ viết tắt của khu vực tư nhân (private sector), một khu vực sôi động, sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI. Và chữ I là chữ viết tắt của thể chế tốt (Institutions) và chữ E là chữ viết tắt của giáo dục có chất lượng (Education)" - Kwakwa nói.

TS Jacques Morrset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, cũng dẫn chứng so sánh: "Độ mở của nền kinh tế Việt Nam gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế thu hút FDI, nhưng hàm lượng nội địa trong hàng hoá lại rất thấp".

Ông cho rằng Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị thì cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng phát triển, phát triển công nghệ mới, mở cửa dịch vụ. Trong đó phát triển dịch vụ sẽ là động lực cho các ngành kinh tế khác.

Tham gia thảo luận trực tuyến từ Indonesia, TS Jonathan Pincus, cố vấn cao cấp của WB, nhận định rằng Việt Nam vẫn là một đất nước có lợi thế thu hút FDI, đặc biệt khi thu nhập bình quân tăng lên, Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

"Việt Nam nên tập trung phát triển các ngành sản xuất ít thâm dụng lao động, các ngành kinh tế xanh, hướng đến tính hiệu quả thay vì số lượng. Cần thu hút FDI hiệu quả theo hướng các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thách thức của Việt Nam không phải là thu hút thêm FDI mà là tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong nước để kết nối với FDI, gia tăng hàm lượng công nghệ, công nghiệp" - ông nói.

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình

"Từ góc độ của Việt Nam cũng như đánh giá của giới phân tích quốc tế, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững" - trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông khẳng định: Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh "hậu COVID-19" và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của VN đã tạo được những bước phát triển nhanh trong đại dịch. Các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc. Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hiệp Quốc (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 42 trên 131 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Ba góc độ nổi bật từ góc nhìn cải cách thể chế và chính sách Ba góc độ nổi bật từ góc nhìn cải cách thể chế và chính sách

TTCT - “Tìm đường” và “định hình” đương nhiên là những bài toán hóc búa, và nếu nói đến “lời giải” - ở nghĩa là Chính phủ đã có những câu trả lời rõ ràng, mục tiêu chính sách rõ ràng, và một chương trình cải cách thể chế và khu vực công rõ ràng, cả cho lộ trình ngắn hạn và trung hạn - rõ ràng là chưa. Năm 2018 vì thế, dừng lại nhiều hơn ở góc độ làm rõ thêm những xu thế, xác nhận thêm những vấn đề và sẽ là tiền đề cho những câu trả lời, hi vọng được định hình và sẽ lộ diện trong năm 2019.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp