28/01/2017 16:50 GMT+7

​Có nên để trẻ giữ tiền lì xì?

LÊ ĐINH
LÊ ĐINH

TTO - Tiền lì xì nên để trẻ tự quản lý hay phải đưa cho cha mẹ? Đây cũng là một trong những câu hỏi khiến nhiều cha mẹ phải “đau đầu” trong việc giáo dục trẻ về ý nghĩa của lì xì đầu năm và giá trị của đồng tiền.

Trẻ em nên được dạy để trân trọng và sử dụng đồng tiền đúng đắn theo từng giai đoạn tuổi - Ảnh: Lê Đinh
Trẻ em nên được dạy để trân trọng và sử dụng đồng tiền đúng đắn theo từng giai đoạn tuổi - Ảnh: Lê Đinh

"Nếu cha mẹ thu lại tiền lì xì, sao người lớn không tự lì xì nhau?"

Tiền lì xì đầu năm mới được đựng trong bao đỏ sặc sỡ là món quà cầu mong điều may mắn sẽ đến với người nhận được nó. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh phải ngượng chín mặt vì bị con đòi trả tiền lì xì giữa bàn dân thiên hạ.

Chị D (39 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) kể mỗi năm tết đến, hai con, 5 và 16 tuổi, của anh chị, một doanh nhân thành đạt, đều được nhận những lì xì với số tiền rất lớn, có khi lên tới cả ngàn đô la Mỹ.

Cả hai cậu đều ý thức rất rõ tiền lì xì này là của mình. Và mỗi lần khách về là cả nhà lại náo loạn lên cũng chỉ vì khoản tiền đó.

“Cả hai đều ý thức được khoản tiền này có thể đáp ứng được một số nhu cầu cá nhân của chúng nên đều muốn giữ tiền lì xì. Trong khi đó, với số tiền lớn như vậy thì không một cha mẹ nào yên tâm để con mình tự tiêu xài. Vậy nên không một ngày tết nào yên ổn vì cả nhà tranh cãi số tiền lì xì thuộc về tay ai. Đã thế, khách lại còn đông nên một ngày cha mẹ con cái hục hặc nhau không biết bao lần”, chị D kể.

Cũng theo chị D, người chị 16 tuổi có còn lớn tiếng với mẹ là tiền lì xì của ai thì người đó được giữ. Nếu tiền lì xì mà cha mẹ thu lại hết của con thì “tại sao người lớn không trực tiếp lì xì cho nhau mà phải lì xì qua trẻ con rồi sau đó thu lại?”.

“Trong khi đó, người mẹ quát lại con là tiền người ta lì xì con thì mẹ cũng phải đi lì xì lại cho con họ chứ làm gì được dùng. Vả lại, tuổi còn nhỏ thì giữ làm gì một số tiền lớn như vậy? Tiền cha mẹ cất đi cũng là để nuôi con. Nên việc con đưa lại lì xì cho cha mẹ là đương nhiên. Rồi cứ thế, bài ca này tái diễn mỗi mùa xuân sang làm không khí gia đình căng thẳng”, chị D cho biết.

Anh Vũ Minh Quang (34 tuổi, ngụ Q.10) cho rằng đúng thật tiền lì xì cho các con thì là của các con, chẳng có vấn đề gì cả cho đến khi mệnh giá tiền dùng để lì xì lại càng ngày càng cao.

“Nhiều bao lì xì có mệnh giá trên 500 ngàn đồng được tặng cho những đứa trẻ còn chưa biết giá trị của đồng tiền và ý nghĩa thực sự của lì xì đầu năm. Chúng chỉ cần biết tiền có thể mua được những món đồ mà chúng muốn, trong đó có cả những món đồ mà chúng đòi thì cha mẹ cũng không mua cho  với lý do “hết tiền”. Vậy nên, việc muốn giữ tiền lì xì lại càng được chúng ý thức rõ hơn”, anh Quang chia sẻ.

“Chính vì còn quá nhỏ để nhận thức sự việc, nhiều lúc khách đang đến nhà chúc tết, con cái cứ nhèo nhẹo đòi cha mẹ trả lại tiền lì xì, còn không thì vừa lì xì cái là bóc vỏ bao lì xì, lấy tiền ra cất đi hoặc cứ ngồi giữ khư khư tiền lì xì. Cha mẹ dù ngượng lắm cũng phải cười trừ cho qua chuyện. Cảnh dở khóc dở cười như vậy không phải hiếm”, anh Quang nhận định.

Nhận tiền lì xì, dạy con lòng biết ơn

Theo diễn giả Trần Quốc Phúc (Kỷ lục gia, tác giả của cuốn sách giáo dục trẻ em Vườn Tâm Hồn), khi trẻ còn quá nhỏ và chưa đủ nhận thức, cha mẹ nên giữ tiền lì xì giúp trẻ. Vì trẻ ở giai đoạn này thật sự chưa có khái niệm về giá trị của đồng tiền.

Khi trẻ đã ý thức được về giá trị tiền, cha mẹ không nên quá khắt khe trong việc giữ tiền cho bé, hãy linh hoạt và tùy vào từng trường hợp để có hướng quản lí số tiền lì xì đó.

Cách phù hợp nhất mà vẫn tạo sự thoải mái đó là hãy đề xuất cho con cách sử dụng, đề ra kế hoạch chi tiêu hợp lý. Ví dụ cha mẹ hãy nói với bé là con nên dùng số tiền này mua sách, tiết kiệm để du lịch cùng gia đình cuối năm, dùng để mua món đồ con thích.

Cụ thể, theo bác sĩ Anh Nguyễn (tác giả cuốn sách Làm mẹ không áp lực), trẻ từ 2-3 tuổi, các bé không thể biết giá trị mệnh giá của tiền, các bé chỉ cuốn hút với màu sắc và kích thước của tờ tiền/đồng tiền. Việc cha mẹ nên giữ cho bé là điều cần thiết.

Trẻ từ 4-5 tuổi, các bé nên được dạy đồng tiền là cần phải sử dụng có ý nghĩa nhưng các bé chưa có khả năng giữ tiền. Cha mẹ có thể công khai giữ hộ cho bé và hứa dùng tiền này để mua 1 món quà tặng bé vào dịp tết, hoặc 1 quyển sách cho bé đọc, 1 món đồ chơi cho bé khác nghèo hơn, mua 1 bịch thức ăn chó/mèo cho chó mèo hoang ăn,…

Quan trọng là nên hướng cho trẻ ở độ tuổi này biết cách mà dòng tiền được sử dụng như thế nào. Trẻ từ 6 tuổi trở lên nên được dạy cách trữ tiền và sử dụng đồng tiền này khi bé cần thiết. Hãy mua cho bé 1 con heo đất to, nói công khai là “con hãy để tiền vào đây và mẹ sẽ giữ heo con này cho con”.

Cha mẹ cũng nên cho bé thời gian là bao lâu bé sử dụng nó. Đến ngày sử dụng, cha mẹ hỏi con: “Con dùng một nửa số tiền này để mua 1 bộ quần áo, tập sách và 1 phần còn lại con có hài lòng với việc sử dụng 1 phần tiền cho việc sử dụng trong gia đình chúng ta?”

“Khi bé nhận được tiền mừng tuổi, hãy nhắc nhở con biết ơn người đã lì xì mình. Nếu không nhắc con, bé sẽ nghiễm nhiên nghĩ rằng đây là điều mà người lớn đương nhiên phải làm. Ý nghĩ này không tốt và khiến bé quên đi lòng biết ơn, sự trân trọng.

Hãy dạy bé sử dụng số tiền lì xì thật hiệu quả và xứng đáng với tình cảm mà người lớn đã cho. Có như thế thì dù con của bạn có nhận được tiền ít, tiền nhiều, bé cũng biết trân trọng”, ông Phúc chia sẻ. 

Còn một câu hỏi quan trọng là người lớn có nên lì xì cho trẻ quá nhiều tiền không, liệu nét văn hóa này sẽ có biến tướng làm trẻ nhận thức khác đi về ý nghĩa tiền lì xì? Bạn thấy thế nào, hãy chia sẻ dưới bài. Xin cám ơn.

 

LÊ ĐINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp