BS Võ Tấn Đức (trái) trao đổi với BS Hoài Nam - Ảnh: H.T.V. |
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam: Thưa bác sĩ, có rất nhiều bệnh nhân được chụp MRI khi đi khám bệnh, tuy nhiên nhiều bệnh nhân không hiểu chụp MRI là chụp như thế nào?
- ThS BS Võ Tấn Ðức: MRI hay còn gọi bằng tiếng Việt là chụp cộng hưởng từ. Nguyên lý cơ bản của chụp MRI là một phương pháp thu hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể sống và quan sát lượng nước bên trong các cấu trúc của các cơ quan. Ảnh cộng hưởng từ hạt nhân dựa trên một hiện tượng vật lý là hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân.
* MRI có giá trị hơn hẳn các phương tiện chẩn đoán khác như CT scan, siêu âm... ở điểm nào và bệnh của cơ quan nào trong cơ thể cho hình ảnh MRI tốt nhất?
- MRI có một ưu điểm hơn một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác đó là độ tương phản rõ rệt giữa các loại mô từ mô mềm, dịch trong tổ thương... tuy nhiên với các chất vôi như xương, hình xơ vữa động mạch có đóng vôi thì hình ảnh của nó kém so với CT scan.
Do đó MRI rất có giá trị trong chẩn đoán các tổn thương của phần mềm, hệ thống mạch máu, hệ thống thần kinh và khớp xương.
* Hiện nay có nhiều loại máy MRI được sử dụng, các cơ sở y tế đều cho rằng máy của mình là tốt. Như vậy khi chụp MRI bệnh nhân nên chụp loại máy nào để có hình ảnh rõ ràng và chính xác nhất?
- Hiện nay người ta đánh giá khả năng chụp của máy MRI qua đơn vị tính là Tesla. Trước đây khi mới ra đời máy MRI khá yếu, chỉ có 0,3-0,5 Tesla mà thôi. Còn hiện nay các máy ở các cơ sở y tế có độ mạnh dao động từ 1,5-3 Tesla. Có những máy có độ mạnh đến 7 Tesla đã được sản xuất nhưng sử dụng còn hạn chế, chưa được thương mại hóa.
Như vậy khi chụp, bệnh nhân có thể chụp ở những máy có độ mạnh từ 1,5-3 Tesla là tốt nhất.
* Hiện nay có phong trào “mê tín” MRI quá mức, khi khám bệnh tôi gặp rất nhiều bệnh nhân đến đòi chụp MRI vì những bệnh hết sức linh tinh mà không có chỉ định của bác sĩ khám bệnh. Vậy theo bác sĩ có nên tôn trọng đòi hỏi của bệnh nhân hay không? Và có nên chụp MRI để tầm soát ung thư thường quy hay không?
- Bệnh nhân kể ra cũng hơi quá, tuy nhiên có bệnh thì vái tứ phương mà. Có một thời họ coi siêu âm như thần dược, cái gì cũng “siêu” một cái mới ưng bụng, có người còn nói sau khi “siêu” một cái họ hoàn toàn khỏi bệnh liền.
Cái đó thật sự không tốt. Bệnh nhân chỉ chụp MRI khi có chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám bệnh cẩn thận, đôi khi sau khi làm siêu âm và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đơn giản khác. Khi đó dựa trên cơ sở các triệu chứng có được sẽ có sự hội chẩn giữa bác sĩ khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, nhưng kết luận về chẩn đoán mới chính xác.
Còn sử dụng MRI để tầm soát ung thư trong khám sức khỏe thì không nên, mặc dù chụp MRI hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và giá cả có hơi cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam.
Ngoài lý do về kinh tế, nói cho cùng MRI cũng chỉ là một trong những phương pháp chẩn đoán bằng máy móc, không thể thay thế bác sĩ khám bệnh.
Chỉ chụp MRI khi có chỉ định của bác sĩ lâm sàng sau khi khám kỹ cho bệnh nhân, không tự ý xin hay ép bác sĩ phải cho chụp MRI để tầm soát bệnh tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận