Nhà thơ Phan Hoàng giới thiệu tập sách kỷ niệm của bạn văn đối với Lê Văn Thảo - Ảnh: L.Điền |
Bản thảo tập sách bắt đầu từ tọa đàm về nhà văn Lê Văn Thảo do Hội Nhà văn và bạn bè đồng nghiệp của ông tổ chức trong những tháng ngày ông nằm bệnh.
Đến nay, tất cả như những gì từ cách sống và cách viết, câu chuyện cuộc đời, những chuyện làm nghề, kỷ niệm và giao tình... của Lê Văn Thảo còn đọng lại trong lòng đồng nghiệp, đều được tập hợp trong hơn 300 trang sách này.
Và buổi ra mắt sách trở thành dịp bạn văn của Lê Văn Thảo ôn lại kỷ niệm cùng ông. Thầy giáo Võ Văn Nhơn nhớ thói quen ông Thảo luôn dậy sớm để đi chợ mua đồ nấu ăn, bởi ông cho rằng đi chợ sớm sẽ nghe được nhiều chuyện - toàn là chất liệu để viết văn.
Họa sĩ Trang Phượng nhớ thời kháng chiến ở rừng. Nhà báo Lê Dụng nhớ kỷ niệm thời làm báo Văn Nghệ TP.HCM...
Ngoài ra, giới nghiên cứu phê bình văn học về sự nghiệp của Lê Văn Thảo như GS Huỳnh Như Phương nhận định về “cái lạ, cái nhạt và cái thật” trong truyện ngắn Lê Văn Thảo; ThS Phương Thúy bàn về “nỗi niềm chiến tranh và nghĩa tình Nam bộ”, nhà phê bình Lê Tiến Dũng nhấn mạnh tính xứ sở trong văn chương Lê Văn Thảo...
Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: L.Điền |
Đầy cảm xúc là tâm sự của nhà văn - nhà báo Trần Nhã Thụy - người có nhiều năm cộng sự gần gũi với nhà văn Lê Văn Thảo - khi anh tìm thấy cái tứ đặc biệt ở Lê Văn Thảo: Người thiết kế những văn bản văn chương lớn lao từ những điều nhỏ bé.
Và trong chỗ giao tình, Trần Nhã Thụy tự nhận đã học được ở Lê Văn Thảo những điều thật chí lý, đó là “Học cách sống, cách viết, cách làm một người đàn ông thực thụ... Làm một người đàn ông thực sự, có lẽ còn khó hơn cả làm một nhà văn thành công”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận