Đó là ông Thomas Eugene Wilber - con trai cố trung tá hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber từng tham chiến ở Việt Nam và từng bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò.
Câu chuyện được ông Thomas xúc động kể khi tham dự khai mạc trưng bày chuyên đề Thang âm cuộc chiến do ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức ngày 6-12.
Một người Mỹ coi di tích Nhà tù Hỏa Lò là ngôi nhà thứ hai
Đứng bên góc trưng bày câu chuyện về cha minh, ông Thomas bồi hồi nhớ về người cha của mình, đặc biệt là quãng thời gian cha ông ở nhà tù Hỏa Lò hơn 50 năm trước.
Ngày 16-6-1968, trung tá hải quân Walter Eugene Wilber bắt đầu tham chiến tại Đông Nam Á, cùng đồng nghiệp lái máy bay F4J Phantom II ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.
Chiếc máy bay bị phi công Đinh Tôn, lái máy bay MiG21 bắn rơi tại Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Người đồng đội của Walter Eugene Wilber tử nạn, còn ông nhảy dù, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Ông bị bắt và chuyển về trại giam Hỏa Lò. Ngày 12-2-1973, ông được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Trong 5 năm bị tạm giam tại đây, ông Walter đã nhận được sự đối xử nhân đạo, khoan dung. Điều này đã khiến gia đình ông rất cảm kích và từ đó có những thiện cảm sâu sắc dành cho Việt Nam.
Và trong thời gian đó, ông viết nhiều thư về cho gia đình mình. Một trong những bức thư ấy là thư gửi cho con trai cả của ông khi cậu tròn 17 tuổi vào mùa Giáng sinh năm 1970.
Bức thư vẫn còn được lưu giữ ở di tích Nhà tù Hỏa Lò (do các bức thư này không được gửi mà sẽ được các cựu binh đọc, thu âm và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng quốc tế), lần này được mang ra trưng bày phiên bản phục chế.
Ông Thomas còn nhớ ông và cả gia đình mình đã xúc động thế nào khi nghe được giọng đọc thư của cha trên sóng phát thanh được phát sóng trên toàn thế giới. Đã hai năm ông không nghe thấy tiếng của cha. Nên khi nghe được giọng nói ấm áp, đầy nghị lực của cha, biết cha vẫn khỏe, ông rất hạnh phúc.
Gia đình hoàn toàn yên tâm khi biết người thân của mình được chăm sóc tốt dù là tù binh. Họ cầu mong chiến tranh sớm kết thúc để gia đình được đoàn tụ. Ngày đó cũng đến vào hơn hai năm sau, mùa xuân năm 1973.
Ông Thomas còn nhớ sinh thời cha mình rất mong muốn được trở lại Việt Nam, thăm lại trại giam Hỏa Lò nhưng ông không kịp thực hiện.
Thomas đã nỗ lực thực hiện tâm nguyện này thay cha. Ông đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2014, và tất nhiên phải tìm đến trại giam Hỏa Lò nay đã thành di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Ông đến đây không chỉ như một vị khách thông thường, mà còn kết nối, trở thành một người bạn của ban quản lý di tích này, tặng lại nhiều hiện vật của cha liên quan tới thời kỳ ông sinh sống ở đây cho di tích.
Kể từ những bước chân đầu tiên trên di tích Hòa Lò, ông Thomas đã cảm thấy rất thân thuộc. Mỗi bước chân của ông ở đây đều khiến ông rất hạnh phúc bởi ý nghĩ được kết nối với những bước chân của cha mình hơn nửa thế kỷ trước.
Nên lần sau ông đến Việt Nam ông cũng tới thăm nơi này, như người ta trở về nhà mình.
Khi phi công Mỹ xin... điếu cày làm quà kỷ niệm
Ngoài góc trưng bày những lá thư của cựu binh Mỹ gửi về cho gia đình từ trại giam Hỏa Lò, trưng bày còn mang tới nhiều câu chuyện thú vị, xúc động.
Như chuyện trung sĩ William Andrew Robinson xin lãnh đạo trại giam Hỏa Lò bức ảnh chụp ông bị O du kích Nguyễn Thị Kim Lai dẫn giải tại Hà Tĩnh làm kỷ niệm, trước ngày được trao trả 12-2-1973.
Đại úy không quân Anderson John Wesley thì xin… chiếc điếu cày dùng trong thời gian ở trại giam Hỏa Lò làm quà kỷ niệm trước khi được trao trả.
Trưng bày còn có nhiều câu chuyện xúc động khác, được kể trong ba nội dung: Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ức và Chung tay hàn gắn.
Trưng bày giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng không quân và hải quân của quân đội Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972).
Bên cạnh đó là cuộc sống của các phi công Mỹ trong trại tạm giam Hỏa Lò được đối xử nhân văn, về niềm hạnh phúc của họ trong ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973).
Những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các tổ chức, cá nhân nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trưng bày diễn ra đến ngày 30-6-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận