07/03/2006 07:20 GMT+7

Có một người cha

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Trong những ngày hóa thân vào vai phu xe, tôi được nghe một câu chuyện xúc động về một người cha hơn 10 năm “hành phương Nam” đạp xích lô, chắt chiu từng đồng gửi về miền Trung nghèo khó nuôi con vào đại học...

XWaKxVqu.jpgPhóng to
Anh Lộc trên đường mưu sinh - Ảnh: Vũ Bình
TT - Trong những ngày hóa thân vào vai phu xe, tôi được nghe một câu chuyện xúc động về một người cha hơn 10 năm “hành phương Nam” đạp xích lô, chắt chiu từng đồng gửi về miền Trung nghèo khó nuôi con vào đại học...

Tôi cũng đạp xích lô

Những cuốc xe tần tảo

Ngày anh Phan Văn Lộc chia tay gia đình, chia tay bà con lối xóm ở cái thôn Bảo Ân, xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam của mình để vào TP.HCM tìm đường sống cho đàn con, cả gia đình ra tiễn anh mà không cầm được nước mắt.

Cuộc sống của hai vợ chồng và đàn con lại gánh thêm cha mẹ hai bên già yếu chỉ dựa vào vài sào lúa thường xuyên bị thiên tai, bão lũ làm mất mùa nên bữa no, bữa đói.

Khi đó, hai cô con gái lớn của anh đang học THCS, còn cậu con trai út học tiểu học đều đứng trước nguy cơ bỏ học. Nhiều người trong xóm thấy gia cảnh của anh Lộc khó khăn đều khuyên: “Anh chị nên cho tụi nhỏ nghỉ học ở nhà đi mót lúa phụ ba mẹ. Khổ quá mà cố nuôi chúng ăn học làm gì...”.

Nhiều đêm nằm trằn trọc suy nghĩ, anh Lộc nói với vợ: “Mình nghèo cách mấy cũng chịu nhưng không để tụi nhỏ thất học được. Chỉ có cái chữ là vốn liếng cho chúng sau này. Hay để tôi vào Sài Gòn kiếm sống...”.

Vợ anh khóc ròng, sức anh còm cõi, lại thêm thị lực rất yếu, vào trong đó không bà con, người thân thì chỉ có đi ăn mày. Nhưng đó là con đường sống duy nhất của đàn con nheo nhóc. Một ít thóc còn lại trong nhà được mang theo làm lộ phí.

Vào đến Sài Gòn, anh Lộc thuê một cái góc vừa đủ kê một cái chiếu rách để nằm trong con hẻm trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Mấy chục ngàn đồng tiền bán thóc vỏn vẹn vừa đủ để trả trước tiền thuê “xích lô ma” (không có giấy tờ) làm phương tiện mưu sinh. Anh chọn xích lô cũng vì “mắt mình yếu, chạy chầm chậm cũng được mà”.

Mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, anh Lộc đã tất tả lo chở mối hàng bông, gà vịt cho những bà, những chị tiểu thương gần chỗ trọ bán hàng ở chợ Tân Bình, Ông Tạ... Đến 7 giờ sáng, do xe không có giấy tờ nên không được phép đậu bến cố định, anh lại đạp xích lô rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm trong TP để kiếm khách đến quá nửa đêm.

Đường phố hoàn toàn xa lạ với một người mới chân ướt, chân ráo từ miền Trung vào. Vừa chạy xe, anh Lộc vừa phải dò dẫm tìm đường. Có lần, từ Bà Quẹo một người khách nhờ chở về bùng binh Lăng Cha Cả ngay gần đó mà anh đạp lòng vòng mất cả tiếng đồng hồ. Anh Lộc nhận chở tất tật mọi thứ.

Chiếc xích lô của anh có khi vừa chở khách xong lại chuyển sang chở bàn, ghế, phế liệu, ximăng... và xa bao nhiêu anh cũng chở. Không ít lần, một cuốc xe đi về đã 40-50km chỉ được mười mấy ngàn đồng anh cũng nhận đi. Một ngày chở được nhiều mối, kiếm được 30.000 -40.000 đồng, trừ tiền thuê xe, trả góp tiền phòng, anh Lộc cất riêng khoản tiền gửi về quê và tiền dành dụm mua xích lô cho mình trong một hộp bánh tây bằng thiếc để ở góc đầu nằm. Còn anh tự đề ra việc chi tiêu cho mình một ngày không được quá 10.000 đồng.

Nhiều đồng nghiệp cùng khổ ở khu Ông Tạ nói với tôi rằng anh Lộc là người chạy xe khuya nhất khu vực này từ 10 năm qua. Hôm nào về đến nhà cũng đã gần 1 giờ sáng. Anh cố “vét” những người khách cuối cùng còn sót lại trong đêm rồi mới chịu quay xe trở về nên nhiều lần đạp xe về quá muộn, chủ nhà trọ đóng cửa không cho vào, anh Lộc đành phải ngủ ngay trên chiếc xích lô.

Từ năm 1934, chiếc xích lô đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn. Được chế tạo bởi một nhà kỹ thuật người Pháp P.Coupeaid tại Campuchia và được sử dụng lần đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh; đến năm 1939 xích lô được sử dụng tại hầu hết các đô thị VN như Hà Nội, Hải Phòng, Huế...

Hiện nay, khi nhiều phương tiện giao thông ra đời, xích lô gần như không còn “vị trí” trong xã hội, số lượng xe ngày càng ít dần, tại TP.HCM chỉ còn khoảng 10.000 chiếc, Hà Nội 6.000 chiếc (chiếm 1,1% các phương tiện giao thông). Tại TP.HCM đã ban hành lệnh cấm xe xích lô lưu thông vào 148 tuyến đường…

Và cũng do quá sức, một đêm ngủ say trên xe, sáng ra thấy mình đang nằm dưới vệ đường còn chiếc xích lô đã không cánh mà bay. Tài sản duy nhất mà bao nhiêu ngày chạy xe tằn tiện, dành dụm mới sắm được đã không còn. Vậy là lại phải thuê xe để chạy như những ngày đầu…

Ước vọng tha phương

Mười mấy năm đeo đẳng nghề đạp xích lô một thân một mình xa vợ, xa con, anh Lộc bảo với tôi anh đã gần đạt được ý nguyện. Hai cô con gái hiện đang học năm cuối bậc đại học và cao đẳng. Cô con gái lớn Phan Thị Chung đang học ngành y còn cô em Phan Thị Thủy học ngành kế toán - thương mại ở Đà Nẵng.

Riêng cậu con trai út là học sinh giỏi nhiều năm liền và chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Sở dĩ ý nguyện chỉ gần đạt được vì: “Tụi nó tốt nghiệp ra trường, có công việc làm ổn định mình mới thật sự yên tâm. Mong muốn trước mắt của tôi là năm sau con bé lớn ra trường sẽ có nơi nhận vào làm việc. Chiếc xích lô sẽ còn tiếp tục theo tôi nuôi đứa con út ăn học thành tài”.

Ngày mà cô bé Phan Thị Chung đậu tú tài, anh Lộc mừng quýnh, đó là lần đầu tiên sau hơn mười mấy năm giới xích lô ở Tân Bình mới thấy “anh phu xe Quảng Nam” bỏ cuốc xe đêm để chiêu đãi bạn bè mình một chầu hột vịt lộn với rượu đế đến say mèm. Nhưng rồi Chung lại thi trượt ĐH năm đầu, định xin vào làm công cho một xưởng gỗ ngoài quê.

Biết tin anh vội gửi điện tín về quê cản vợ và con. Muốn con mình được học tiếp lên cao, đến nơi đến chốn, lại sợ con nghe theo bạn bè đi làm kiếm tiền, anh bỏ xe bỏ việc nhảy xe đò về tận quê đưa con vào Sài Gòn để có điều kiện tiếp tục luyện thi đại học. Hai cha con thuê một căn phòng trọ rộng chỉ hơn 4m2 để ở.

Ngoài số tiền cắc củm dành dụm được, anh Lộc còn gom góp, vay mượn thêm của bạn bè “đồng nghiệp” để đủ tiền đóng học phí cho con luyện thi. Dân phu xe khốn khó vậy mà nghe anh Lộc đưa con vào Sài Gòn, ai cũng ở nhà mướn, đạp xe thuê mà vẫn góp vào với anh một tay để nuôi cô gái ăn học. Lúc đó giới phu xe Tân Bình đều hồi hộp chờ kết quả thi của con gái anh Lộc như chính con em của mình.

Còn anh Lộc cứ sáng sáng lại chở con gái trên chiếc xích lô đến trung tâm luyện thi. Trưa hay chiều tối lại quày quả đón con về. Một năm ròng như thế. Kết quả không phụ lòng mong ước. Chung đã thi đậu vào đại học. Đến lượt cô bé Thủy đi thi ngoài quê, anh Lộc cũng trông ngóng, hồi hộp từng ngày và cũng dự định ra đưa con vào để anh lo toan. Đến khi biết tin con đậu vào trường cao đẳng anh mới tạm yên lòng.

Trong bóp của anh Lộc, tiền thì ít mà lúc nào cũng có tờ giấy khen về kết quả học tập của đứa con út. Nhiều bạn phu xe kể có lần anh bị du đãng trấn lột, lục mãi không ra tiền mà chỉ ra hai tờ giấy khen, bọn du côn bỏ đi sau khi mắng “Đồ khùng!”.

Còn trong căn gác trọ nhỏ hẹp của mình nằm sâu trong hẻm, anh Lộc đặt tấm ảnh vợ con mình trên đầu giường cùng với một tấm giấy cạctông nhỏ có mấy dòng chữ, anh Lộc nói là nghe một người đồng nghiệp đọc trong lúc “lai rai” chờ khách, thích quá nên ghi lại:

Cha mẹ ơn sâu tựa đất trời Mở vòng tay lớn dìu con trẻDẫn dắt con đi suốt cuộc đời.

Không chỉ là chuyện vất vả mưu sinh, nhiều người phu xe còn ẩn chứa nơi họ cả cuộc đời dâu bể. Và có ba người với những cuốc xe đêm ở khu trung tâm thành phố...

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp