Có một góc Yangon
TTO - Nhiều người nhớ về Yangon với vẻ lộng lẫy, xa hoa và tráng lệ của Shwedagon, ngôi chùa Phật giáo quan trọng và linh thiêng bậc nhất Myanmar. Nhưng ở một góc lặng trong ký ức, tôi luôn nhớ về một Yangon khác.
Phóng to |
Yangon từng là thủ đô của Myanmar từ năm 1885 khi bị người Anh xâm chiếm cho đến tháng 3-2006, chính quyền quân sự quyết định di dời thủ đô về Naypyidaw (Mandalay). Đây là thành phố có nhiều tòa nhà được lưu giữ từ thời thuộc địa nhất khu vực Đông Á, chính điều đó gây cho tôi cảm giác như đang bước lùi về quá khứ chừng hai ba thập kỷ.
1. Cảm giác của sự cũ kỹ, cổ xưa, với một phần của nghèo nàn, lạc hậu đan xen khi chiếc taxi “chuồng gà” lọc xọc luồn lách trên từng con phố và dừng lại trên phố Botahtaung Pagoda.
Căn phòng chúng tôi ở nằm trên lầu 2 của một khách sạn thuộc một tòa nhà tập thể mà người ở tầng 5 thả một cái xô có dây kéo xuống tầng 1 để mua đồ của những người bán hàng rong. Một vài nhà ở tầng 1 làm cửa hàng kinh doanh buôn bán, từ tầng 2 trở lên trên là ban công dây leo, rào sắt chuồng cọp giống hệt các khu tập thể lâu đời đã được gia cố thêm qua năm tháng ở thủ đô Hà Nội.
Một cảm giác thân thuộc và phấn khích khá kỳ lạ, giống như người đang đi xa bỗng nhiên gặp một đồng hương, Yagon trở nên gần gũi như thể đang trở về nhà.
Trong một hành trình Myanmar vội vã, có lẽ ít người có thời gian để thả bộ dọc các con phố sầm uất và ồn ào náo nhiệt ở khu phố cổ của Yangon, nơi mà cuộc sống địa phương đậm nét hơn bao giờ hết trên từng góc phố, vỉa hè.
Những gánh xe hàng nghi ngút khói bốc lên từ nồi nước dùng, xe trisaw (xe đạp chở khách có hai ghế ngồi lệch một bên) với những người đàn ông gầy gò và đen sạm trong chiếc váy longyi truyền thống, đi loanh quanh từ góc phố này đến góc phố kia chỉ hết có 500 chạt (tương đương 10.000 đồng).
Phóng to |
Góc phố Bogalayzay cũ kỹ - Ảnh: M.I.T. |
Phóng to |
Cánh chim của sự bình yên - Ảnh: M.I.T. |
2. Bất chấp thời tiết khá nóng bức của thủ đô Yangon, chúng tôi đi bộ dọc theo các con phố, đi theo tiếng ôtô khách ồn ào sầm sập lao đi trên đường, dừng trả đón khách không theo một quy tắc nào, chỉ có tiếng đập cửa xe ầm ầm và tiếng người lơ xe oang oang át cả tiếng máy nổ.
Nhưng lạ lùng thay, chim bồ câu bay đầy đường, đậu đầy trên dây điện, sà xuống đường ăn thóc, gạo và tíu tít bay lên khi chúng thích chứ không phải vì sợ người. Những cánh chim bồ câu mang lại cho tôi cảm giác của sự thân thiện và thanh bình dọc theo đường Maha Bandoola dẫn về phía chùa Sule danh tiếng, nơi mà du khách có thể đi dọc khắp các gian hàng để tìm mua cho mình các món đồ cổ xưa khá đặc biệt như máy ảnh phim loại cổ lỗ sĩ.
Chúng tôi bắt một cuốc taxi với giá 30.000 đồng (tiền VN) để đi chơi chợ Bogyoke AungSan, trung tâm đổi tiền và buôn bán đá quý sầm uất nhất Yangon. Sau khi khảo giá hơn một chục cửa hàng vàng bạc, đá quý và cả các tay đổi tiền tự do cứ đi loanh quanh chợ, gặp khách là chào mời, lôi kéo…
Lận lưng mỗi người một cọc tiền Kyat dày cộm, tương đương 2 triệu đồng, ai cũng khá yên tâm vì đồng USD có thể tiêu dễ dàng ở Myanmar với điều kiện tiền mới, không nhàu nát và dính mực.
Ghé một quán nước ở góc chợ, gọi ly nước uống cho hả cái nóng hầm hập trên mái nhà, mặt đường, chúng tôi quyết định ngó sang hàng ăn bên cạnh và gọi cơm ăn dù lúc này mới 3 giờ chiều. Bữa cơm chiều sớm với mấy quả trứng luộc khiến người chủ quán ăn cười khúc khích khi tôi xông vào bếp và tự trổ tài luộc trứng.
Phóng to |
Quán ăn cột điện - Ảnh M.I.T. |
Phóng to |
Hiệu sách vỉa hè - Ảnh M.I.T. |
Phóng to |
Cầu nguyện trong chùa Botahtaung - Ảnh: M.I.T. |
3. Chúng tôi cứ ngồi trong chợ Bogyoke như thế, ăn đậu phộng, bánh quẩy, quan sát cuộc sống của những người dân bán hàng hay đi chợ mua hàng, lâu lâu lại cầm cuốn sách về Myanmar lên đọc vài thông tin và trao đổi, nói chuyện với mấy thanh niên có thể giao tiếp bằng vốn tiếng Anh khá ít ỏi. Buổi chiều Yangon trôi qua lúc nào không nhận ra.
Thành phố lên đèn. Chúng tôi lang thang qua một nhà thờ Hồi giáo và đứng nói chuyện với mấy tu sĩ áo trắng. Khi hỏi có được phép vào thánh đường Hồi giáo tham quan không, nơi mà tiếng trẻ con đọc kinh đang vang ra lảnh lót, thì chúng tôi nhận được cái lắc đầu kèm một nụ cười tỏ ý đáng tiếc, rằng đó là điều không được phép.
Tối thứ bảy, những người dân địa phương đổ về chùa Botahtaung cầu nguyện và dạo chơi khá đông. Ngôi chùa này được cảnh sát canh chừng khá cẩn mật bởi trung tâm của tòa tháp là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật bằng vàng ròng.
Nếu những du khách đến tham quan, ai cũng muốn được chiêm ngưỡng các bức tượng Phật bằng vàng được cất trong hộc thờ và được bảo vệ bằng mấy lớp cửa sắt đặt bên trong lõi tháp, thì dân chúng quanh vùng thường vào làm lễ ở điện thờ bên cạnh rồi ngồi hóng gió, nói chuyện quanh sân chùa, kể cả các cặp tình nhân.
Cuộc sống bên ngoài ngôi chùa khá đông đúc, sầm uất, dòng người lại qua nườm nượp, xe trisaw hoạt động khắp nơi, phương tiện di chuyển này rất cơ động và chi phí có lẽ cũng rẻ, khác hẳn bên trong chùa Botahtaung, ai nấy đều khá trầm mặc và nhẹ nhàng.
Phóng to |
Ngọn tháp lưu giữ rất nhiều hiện vật bằng vàng ròng của chùa Botahtaung - Ảnh M.I.T. |
Tôi bước ra đường. Ánh đèn vàng hắt trên phố vắng, những tòa nhà kiểu thuộc địa đứng im lìm. Có thể nào quên, một Yangon đời thường thân thương và gần gũi đến vậy không? Khi tiếng hát của Queen tha thiết và day dứt đến thế trong chiều trên bến cảng Yangon, bài I was born to love you…
HẠ MY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận