01/11/2015 18:00 GMT+7

Có một giọng Trung chuẩn hơn Hà Nội, Huế, Sài Gòn?

CHUNG HAI
CHUNG HAI

TTO - Một người bạn của tôi kể một chuyện quen thuộc quê mình, một huyện ở Quảng Nam: khi thầy cô hay có vị khách nào vào lớp, lớp trưởng ở Quảng Nam hô: "Học sinh đứng...", cả lớp đáp vang: "Thẻng" (thẳng).

BTV Hoài Anh (bìa trái) cùng hai đồng nghiệp đoạt giải Người dẫn chương trình được yêu thích trong năm 2009 do tạp chí Truyền Hình - Đài truyền hình VN tổ chức - Ảnh: Hải Hưng

Ngay tôi, có lần đưa một người bạn quê Tam Kỳ (Quảng Nam) lần đầu tiên vô Sài Gòn-Chợ Lớn chơi, gặp quầy bán vịt lạp, người bạn này buột miệng: "Cho (cha), con chi như con bo bo (ba ba)". Hoặc như bạn Trần Tình nhận định:  "Càng vào sâu Khu 5 thì phát âm càng xa với âm gốc. thì chỉ có cười lăn".

Lâu nay, nhiều người trong đó có cả người miền Trung đều biết hầu hết nhiều chất giọng miền Trung vốn nặng nên sai chuẩn chung nhiều nhất. ​Ít ai ngờ rằng có một vùng đất miền Trung có lẽ phát âm chuẩn hơn cả Hà Nội, Huế lẫn Sài Gòn.

Bố mẹ tôi người miền Bắc. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Khi còn nhỏ, tôi tin giọng miền Bắc là chuẩn tiếng Việt nhất. Lớn lên, tôi lại nghĩ lại: hình như giọng miền Nam chuẩn hơn.

Lớn hơn nữa, vào đại học và ra đời, giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp nhiều vùng miền, tôi nhận ra, giọng miền nào cũng ít nhiều có vấn đề về chính tả. 

Nếu bạn bè người miền Bắc của tôi hầu như không phân biệt ch/tr, s/x (thậm chí có bạn còn lẫn lộn l/n), phát âm hươu thành "hiêu", rượu thành "riệu"... thì bạn bè miền Nam cũng "không thua kém" khi hoa/qua đều thành "goa", con thành "coong", bàn (bạc) thành bàng, nỗi (niềm) thành nổi (tiếng)...

Những bạn người Huế thì bên cạnh những từ ngữ rất Huế (như mô tê răng rứa...) thì nhiều âm sắc đều mang dấu nặng (như Huế thành Huệ chẳng hạn).

Tôi không ví dụ nhiều vì những âm giọng này chắc chắn ai cũng từng nghe qua và mấy hôm nay, hàng trăm bạn đọc đã kể ra.

Tuy nhiên, khi học ngôn ngữ ở trường đại học, một vị thầy dạy ngôn ngữ nhiều trường đại học cả nước nổi tiếng những năm thập niên 1980 bảo chúng tôi một điều bất ngờ: người dân một vùng đất ở miền Trung nói chuẩn tiếng Việt nhất nước: Vinh.

(Xin mở ngoặc nói thêm: cần phân biệt giọng Vinh với giọng một số huyện ở Nghệ An - vốn khác nhau rất rõ. So với những huyện trong tỉnh Nghệ An, giọng Vinh nhẹ hơn, rõ hơn). 

Nghe thầy bảo vậy, tôi kiểm nghiệm thực tế từ những bạn bè vốn ở Vinh cũng như lắng nghe cách phát âm của nhiều nhân vật trên các sóng phát thanh, truyền hình, tôi thấy đúng là giọng Vinh không hề mắc lỗi ch/tr, s/x, l/n, hươu/hiêu, rượu/riệu... như giọng Bắc; không hoa/qua thành "goa", con thành "coong", bàn thành bàng, nỗi thành nổi... như giọng Nam; không nói nhiều âm sắc, hỏi... thành nặng như giọng Huế...

Thật ra, phương ngữ vùng miền là hiện tượng ngôn ngữ phổ biến trên toàn thế giới, không miễn trừ bất kỳ quốc gia, lãnh thổ, dân tộc nào.

Và mỗi phương ngữ vùng miền thường chọn phương ngữ một địa phương cụ thể  làm đại diện cho mình (tạm gọi là chuẩn), như miền Bắc  lấy giọng Hà Nội làm đại diện, miền Trung lấy Huế và miền Nam lấy giọng Sài Gòn (xin nói thêm là chưa bao giờ giọng Hà Nội được công nhận là chuẩn quốc gia).

Vì vậy, nếu yêu cầu của bạn Lê Văn Dũng (Trường THPT Trần Ngọc Hoằng, xã Thới Hưng, Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), tôi e rằng sẽ làm mất bản sắc giọng nói quen thuộc bao đời nay của từng vùng miền. Tuy có hơi ngọng nghịu một số âm tiết nhưng chắc chắn đại đa số người nghe đều hiểu.

Sao không chọn thêm MC thời sự nói giọng Vinh nhỉ?!

Tôi nghĩ giọng Vinh nói chuẩn hơn giọng Hà Nội, Huế lẫn Sài Gòn và đó là giọng chuẩn tiếng Việt, ít sai ngữ âm nhất. Nên nhớ Vinh vốn từng là kinh đô của nước Việt thời Quang Trung: Phượng Hoàng trung đô (1788), dự định thay thế kinh đô Phú Xuân lúc ấy.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn Trần Tình:

Các nhà ngôn ngữ cũng nên lưu ý thêm: phải chăng do không bị ảnh hưởng nhiều việc giao thoa chất giọng như ở Hà Nội (Hà Nội và nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ vốn hàng ngàn năm Bắc thuộc, ít nhiều giao thoa chất giọng với người Hán, sau này là Pháp), Sài Gòn (từng hàng trăm năm thuộc địa Pháp cùng với giao thoa chất giọng với người Hoa, Khơ Me...), Quảng Nam (giao thoa chất giọng với người Chăm)... nên bà con Vinh còn giữ phần nào giọng nói chuẩn tiếng Việt?

Thường những vùng đất là kinh đô, thành phố lớn tầm ảnh hưởng rộng có giọng nói chuẩn nhất một khu vực, một vùng miền. Hà Nội, Huế, Sài Gòn chẳng hạn. Ở Trung Quốc thì tiếng Bắc Kinh là chuẩn của phát âm Trung Quốc, dù người Bắc Kinh cũng ít nhiều phát âm sai. Dân Luân Đôn (thủ đô Anh), dân Paris (thủ đô Pháp)... cũng vậy.

Nếu bạn không tin, sao không một lần nghe người thành phố Vinh nói nhỉ?!

Là người xem đài, theo bạn, chương trình thời sự Đài truyền hình quốc gia VN nên nói giọng Hà Nội, Huế, Quảng, Vinh hay Sài Gòn? Giọng miền nào nên là chuẩn cho VTV? Bạn có đồng ý với quan điểm của bạn đọc Chung Hai? Thân mời bạn chia sẻ ý kiến của mình thông qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc e-mail: [email protected] 

 

CHUNG HAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp