Phóng to |
Lính biên phòng đồn Nà Hỳ xây trường cho các em nhỏ ở Sam Lang - Ảnh: Ngọc Quang |
Nếu phía TP Điện Biên Phủ những ngày này cờ hoa rực rỡ, lòng dân náo nức theo ngày hội thì trong những vùng đất heo hút giáp biên, những người lính ấy vẫn lặng thầm làm nhiệm vụ.
Những người “đi trước về sau”...
Chuyến công tác này chúng tôi có một đêm ngủ lại ở đồn biên phòng Leng Su Sìn. Nói theo dân gian, đây là đồn biên phòng “thành hoàng” bởi đồn được thành lập đầu tiên ở vùng cực tây này, vào thời điểm mà để tới đây người lính đi bộ hàng tháng trời, vừa tiễu phỉ vừa vận động quần chúng.
Trên dặm đường dọc dài biên giới của Điện Biên, bao nhiêu năm đi đi về về, cứ mỗi lần trở lại chúng tôi thấy có thêm những ngôi trường dân tộc nội trú, trụ sở ủy ban xã, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, tường xây ngói mới tầng lầu... Nhưng đồn biên phòng Leng Su Sìn đầu tiên được lập ra từ năm 1958 ấy, sau gần 60 năm vẫn là những căn nhà gỗ, được di chuyển qua nhiều vị trí, mãi đến hôm nay mới được dỡ đi để xây mới. Toàn bộ những căn nhà gỗ của đồn được mang ra dựng phía bãi đất đối diện để chuẩn bị xây đồn mới trên nền cũ.
Đêm ngủ trong căn nhà dựng tạm, mưa biên ải gõ ầm ầm trên mái tôn, tôi ngồi nhìn qua căn nhà hội trường tạm của đồn biên phòng, thấy nén hương vẫn đỏ sáng lập lòe. Nén hương ấy, anh em trong đồn luôn nhớ thắp lên bàn thờ người anh hùng đầu tiên của lực lượng công an vũ trang miền cực tây Điện Biên này: anh hùng Trần Văn Thọ. Câu chuyện về anh hùng Trần Văn Thọ chúng tôi đã có lần kể với bạn đọc, đó là người lính biên phòng quê Trấn Yên (Yên Bái) khi thành lập đồn ở đây, chính anh là người đã dạy cho bà con biết học chữ, làm lúa nước, đưa trẻ con ra huyện học trường dân tộc nội trú...Người lính ấy khi về phép đã dành tiền mua lưỡi cày khoác sau balô mang lên đây rồi vào rừng đẵn cây đẽo cày dạy bà con cày ruộng. Khi vận động một cô gái Hà Nhì ở bản đi học, cô gái ấy bảo không ai chăm mẹ, anh bảo: Cứ đi học đi, anh sẽ cùng đồng đội mỗi ngày chăm bà.
Cô gái ấy nay là bà Chu Chà Me, nguyên là cán bộ phụ nữ tỉnh đã về hưu. Còn người lính biên phòng Trần Văn Thọ đã hi sinh sau một trận sốt rét vào năm 1961, khi ấy anh Thọ chỉ mới 26 tuổi. Trong tâm thức người dân vùng biên giới này, anh Thọ được kính thờ như một vị thần. Trên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ của đồn biên phòng Leng Su Sìn, tên anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ được khắc đầu tiên, và sau tên của anh còn tên rất nhiều liệt sĩ khác, hi sinh suốt từ thời tiễu phỉ đến những năm tháng chiến tranh biên giới 1979.
Nếu anh em đồn Leng Su Sìn đang háo hức vì sau gần 60 năm mới được xây đồn mới khang trang thì cũng dịp này, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, ở đồn A Pa Chải anh em cũng mới có được niềm vui là chuẩn bị có... điện! Điều ngỡ rất giản dị ấy, anh em ở đồn biên phòng phải chờ mấy chục năm rồi. Năm năm trước, chuyến công tác đầu tiên của chúng tôi lên cực tây Tổ quốc, đêm đầu tiên đến đồn, trong ánh sáng leo lét của nến giữa đêm biên ải thâm u, không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, thiếu tá (nay là trung tá) Nguyễn Đức Thắng trưởng đồn bảo: “Con trâu nó làm mất điện rồi”. Hóa ra anh em có lắp máy thủy điện nhỏ dưới suối nhưng trâu bò thả rông của bà con đôi khi đạp đổ mấy hòn đá chắn đập, vậy là... mất điện. Chờ mãi dịp này điện lưới quốc gia mới về tới điểm cực tây này, còn bao năm nay vẫn chịu khó khi thì dùng điện máy nổ, khi dùng “thủy điện khe suối”...
Những niềm vui nho nhỏ ấy lại là sự động viên rất lớn với người lính nơi đây. Bây giờ cột mốc A Pa Chải - điểm cực tây của Việt Nam - đã là điểm chinh phục thú vị của nhiều bạn trẻ. Con đường lên cột mốc giờ đang được xây dựng với 4,3km đường rộng 3,5m đang chuẩn bị đổ bêtông và thêm 4,6km đường xuyên qua khu bảo tồn Mường Nhé sẽ được mở rộng 1,5m, rồi từ đây các bậc tam cấp được xây đến chân cột mốc số 0 này, đường “chinh phục” điểm cực sẽ dễ dàng hơn, nhưng con đường tuần tra của những người lính đến các cột mốc khác dọc biên giới này thì vẫn thế. Có đi dọc dài miền Tây Bắc mới hiểu những gian khó của người lính biên phòng nơi đây mà ngày ấy chúng tôi vẫn gọi các anh là “lính Trường Sa trên cạn”.
Phóng to |
Lính biên phòng giúp đồng bào Mông xây nhà tường - Ảnh: N.Quang |
Lặng thầm người lính biên cương
Nhớ lại hôm vào Sam Lang, sống với những cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Nà Hỳ đang xây dựng điểm trường mới. Suốt mấy tháng nay anh em vừa cùng dân bản mở đường cho xe chở vật liệu vào, rồi cũng chính bàn tay của lính trộn hồ, xếp gạch, tô tường, lợp mái. “Căn nhà” của các anh tạm trú là tấm bạt nhựa phủ lên bộ khung dựng vội bằng nứa, chỗ ngủ cũng là những thanh nứa đập giập để làm sạp, một bộ khung khác bằng nứa được dựng trước lán, một tấm bạt nhựa khác lót vào bên trong để làm bể chứa nước.
Nhưng câu chuyện khiến chúng tôi xúc động nhất không chỉ là những khó khăn mà anh em đã chịu đựng. Hôm khánh thành điểm trường Sam Lang, ít ai để ý ngoài ba căn nhà làm lớp học, anh em bộ đội biên phòng đã tận dụng vật liệu để xây thêm một nhà vệ sinh cho các em. Một nhà vệ sinh có bệ bằng sứ, điều bình thường ấy ở cái bản heo hút giáp biên này là chuyện rất mới. Thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, bảo: “Các cháu ở bản không có thói quen đi vệ sinh như thế này, nhưng có làm như thế này, từng hành vi, từng thói quen được uốn nắn, dần dần các cháu sẽ thấy đi thế này sạch sẽ hơn, từ đó tạo ra thói quen, rồi mang chuyện này về bản làng...”.
Còn nhớ hôm trở lại Mường Nhé và lên A Pa Chải, vài anh em lên lại cột mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San. Người chiến sĩ biên phòng dẫn đường là Giàng A Kháy, một chàng trai Mông đang đi nghĩa vụ ở đồn. Khi lên đến cột mốc, chính Kháy đã nhắc anh em chỉnh đốn trang phục rồi trang nghiêm chào quốc huy. Sau khi ăn trưa, anh em đang nghỉ ngơi lấy sức để leo xuống thì mình Kháy lặng lẽ thu dọn những gì đang vương vãi quanh cột mốc.
Nhưng lòng cảm phục với Kháy, người chiến sĩ dân tộc Mông, chưa dừng lại ở đó. Trên đường từ cột mốc số 0 đi xuống, trên một thân cây cổ thụ sát bên đường, một nhành phong lan bị ai đó vội vã va quệt vào khiến cả khóm phong lan bị bong ra treo lơ lửng bên thân cây. Kháy bảo mọi người cứ thong thả xuống trước, còn anh đi kiếm một sợi dây rừng, cẩn thận và khéo léo buộc nhành phong lan gắn chặt lại vào thân cây. Chỉ riêng hành động của người lính trẻ người Mông quê ở Điện Biên ấy thôi đã nói với chúng tôi rất nhiều điều lớn lao.
60 năm trên mảnh đất Điện Biên xưa kia là chiến địa này đã mọc lên những đô thị vạm vỡ, những đại lộ thênh thang, những công trình thế kỷ... Nhưng giữa những cánh rừng đại ngàn của Điện Biên, chúng tôi tin công việc thầm lặng của người lính biên phòng cũng là một chiến thắng vô cùng vẻ vang, góp vào trong những vinh quang đang bay lên với quầng pháo hoa rực rỡ mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận