Bạn Đặng Thị Hiền hướng dẫn các bé chậm phát triển làm tấm thiệp ngày xuân - Ảnh: K.ANH |
Mê các hoạt động tình nguyện, Hiền đã và đang dồn tâm huyết gắn bó công việc phát triển kỹ năng cho những trẻ em dị tật, tự kỷ và chậm phát triển.
Mới đây, Hiền là một trong những cá nhân trẻ tuổi được góp mặt trong vườn hoa “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2016 do UBND TP.HCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tuyên dương.
Tiếng cười từ lớp võ “chị Hiền”
“Bảo Anh ơi, con phải đưa tay như thế này mới đúng thế của bài quyền này. Cố gắng lên một chút là lớp của mình sẽ được biểu diễn trên sân khâu nha các con” - tiếng động viên nhẹ nhàng của Hiền dành cho các môn sinh đặc biệt trong lớp võ - những trẻ khuyết tật của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM).
Gần nửa năm qua, góc sân trong Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè mỗi sáng lại xôn xao những tiếng hô đếm nhịp, tiếng cười giỡn của các bé. Đó là lớp dạy võ “chị Hiền” - cách gọi thân thuộc của các bé ở đây với Đặng Thị Hiền.
Lớp võ được Hiền cùng các tình nguyện viên khác đứng lớp nhằm tập cho các bé khả năng ghi nhớ, bằng cách vận động thân thể thông qua những động tác của một bài quyền đơn giản.
Đó cũng là phương pháp mà nhóm của Hiền thực hiện với ba lớp kỹ năng cho trẻ đặc biệt gồm: lớp dạy võ, lớp hướng nghiệp và lớp tăng vận động.
Hiền nói: “Nếu chỉ nhìn bề ngoài, mọi người sẽ chỉ thấy các bé có những hành động vô thức. Chỉ khi tiếp xúc lâu ngày mới biết rằng mỗi bé vẫn có tư duy và những khả năng của riêng mình”.
Mong góp chút gì giúp trẻ em thiểu năng phát triển tốt hơn, Hiền dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi đùa để hiểu về thế giới của các bé hơn. Nhờ đó mà biết thêm nhiều khả năng đặc biệt của mỗi bé. “Có em hát rất hay, em khác thì ghi nhớ tốt” - Hiền cho biết.
Mỗi lần các bé làm đúng một động tác, gấp được một tấm thiệp, hay các bé thụ động biết chơi đồ chơi, trẻ tự kỷ chịu ra sân chơi đùa với các em khác, Hiền cảm thấy lòng vui rộn rã.
Tình nguyện như một lẽ thường
“Con thích hình nào để trang trí cho tấm thiệp ngày tết vậy Lan Chi?” - Hiền vừa dứt lời cô bé thiểu năng Lan Chi đã chỉ ngay tấm hình bông hoa rực rỡ. Đã gần 20 tuổi nhưng Lan Chi nhỏ con và chậm chạp vì di chứng của bệnh thiểu năng.
Hiền hướng dẫn Chi cách cầm kéo để không cắt lệch đường viền của bông hoa, rồi cầm tay Lan Chi chỉ cách dán băng keo gắn bông hoa vào khung thiệp.
“Giúp các em tập trung làm được tấm thiệp hoặc kết cườm một chiếc vòng đeo tay rất tốn thời gian và phải chỉ dẫn nhiều lần, nhưng khi làm xong bé nào cũng thích thú. Đây là cách giúp các em phát triển khả năng bản thân” - Hiền cho hay.
Những tấm thiệp xuân cũng sẽ được bán gây quỹ để tiếp tục mua vật liệu duy trì lớp hướng nghiệp cho các bé.
Chọn theo học ngành công tác xã hội, những ngày là sinh viên năm nhất Hiền đã tham gia các hoạt động xã hội. Có những chương trình Hiền đạp xe hàng chục cây số từ Thủ Đức vào trung tâm TP thường xuyên để làm tình nguyện viên. Hiền cười bảo chuyện đó như một lẽ bình thường.
Những ngày đầu Hiền tham gia đội “Tiếp sức người bệnh” tại Bệnh viện Chợ Rẫy rồi đến Bệnh viện Ung bướu. Không chỉ hướng dẫn người bệnh hay thân nhân một cách tận tình, mà thời gian phụ trách đội tình nguyện tại Bệnh viện Ung bướu, Hiền đã tìm nhiều cách để cùng nhóm gây quỹ chia sẻ với những bệnh nhi khó khăn.
Hiền bảo những ngày đầu tiếp xúc bệnh nhi, cô không ngày nào là không rơi nước mắt, thậm chí hình ảnh các bé phải gồng mình với những cơn đau khiến trái tim cô gái trẻ luôn thổn thức, rưng rưng.
“Nhiều khi thấy các bé đau đớn, bản thân mình không giúp được gì nhiều hơn ngoài việc hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho các bé và người nhà. Được trải lòng, nhiều người cha người mẹ cũng vơi đi những nỗi đau chất chứa trong lòng họ bởi thời gian chăm con đằng đẵng trong bệnh viện.
Tôi tận dụng mọi mối quan hệ để kết nối các mạnh thường quân giúp những trường hợp ngặt nghèo” - Hiền chia sẻ.
Các em được hỗ trợ nhiều hơn Cô Nguyễn Thị Hoài Trinh, phụ trách lớp trẻ thiểu năng, cho biết: “Nhờ có các sinh viên như bạn Hiền mà các em ở đây được hỗ trợ nhiều hơn. Các bé được tiếp cận nhiều anh chị khác nhau nên cũng tăng khả năng giao tiếp với người lạ. Trong việc hướng nghiệp cũng vậy, nếu không có sinh viên thì các bé chỉ học cách kết vòng cườm chứ không thể làm thiệp hoặc vật gì khác”. Anh Nguyễn Công Hằng, trưởng phòng dịch vụ công tác xã hội thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP, người trực tiếp quản lý đội tình nguyện của Đặng Thị Hiền, cho biết: “Hiền là một người rất nhiệt tình, gắn bó với công việc hỗ trợ trẻ em thiểu năng một cách âm thầm. Luôn học hỏi nên hiện nay Hiền điều hành rất tốt đội tình nguyện gắn với các em thiểu năng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận