14/01/2019 09:53 GMT+7

'Cỗ máy biết viết văn, làm thơ' vào đề thi học sinh giỏi quốc gia

THẢO TÂM
THẢO TÂM

TTO - 'Rồi đây có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?' - đề thi học sinh giỏi quốc gia THPT 2019 môn văn hỏi.

Cỗ máy biết viết văn, làm thơ vào đề thi học sinh giỏi quốc gia - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi quốc gia THPT 2019 môn ngữ văn - Ảnh: THẢO TÂM

Đề thi gồm có hai câu. Câu 1 (nghị luận xã hội) yêu cầu luận một ý kiến của John Mason: "Hãy để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng ồn ào, nổi loạn từ bên ngoài". Câu 2 (nghị luận văn học) với nội dung: "Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?".

Trao đổi về đề thi, thầy Nguyễn Tấn Huy - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Khiết Quảng Ngãi, ủy viên hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận xét đề thi năm nay hay và mới so với những năm trước.

Đề mở và gây hứng thú cho học sinh. Đề không bó hẹp trong một phạm vi kiến thức lý luận văn học chuyên sâu nào, để học sinh tùy vào năng lực và cảm nhận của các em mà vận dụng. Đặc biệt, đề có cập nhật tình hình thời sự, "những cỗ máy biết làm văn, làm thơ", có thể đó là robot, trí tuệ nhân tạo hay mở rộng là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Vấn đề trong câu này không mới, là 'chuyện muôn thuở' nhưng cách đặt vấn đề tạo được hứng thú cho học sinh, gợi suy nghĩ, tạo điều kiện cho học sinh trình bày suy nghĩ chủ quan, tránh học vẹt.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên, cũng cho rằng đây là một đề thi hay, phát huy được sức sáng tạo, sức nghĩ, sức viết của học sinh.

Với câu nghị luận xã hội, tuy cách hỏi không mới nhưng vấn đề đặt ra trong câu này lại chứa đựng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, khuyên con người hãy sống theo tiếng gọi của bản thể, sống bằng suy nghĩ, cảm xúc của chính mình mà đừng để bị cuốn theo suy nghĩ, định kiến của đám đông.

Với câu nghị luận văn học, thầy Minh nhận xét đây là một câu hỏi hay, cách hỏi mới mẻ, sáng tạo, vấn đề đặt ra cũng giàu ý nghĩa. Nó khẳng định một thông điệp sâu sắc về văn chương là cá tính sáng tạo, phong cách riêng của người nghệ sĩ.

Nếu tương lai có những cỗ máy biết viết văn, làm thơ thì những cỗ máy ấy cũng chỉ có thể tạo ra những sản phẩm hàng loạt, theo những khuôn mẫu định sẵn. Sự sáng tạo chỉ có thể có ở con người. Một tác phẩm văn chương chân chính chỉ có thể được tạo nên từ sự sáng tạo của con người.

"Nhìn chung, theo tôi đề thi năm nay hay và có thể nói đây là một bước tiến rất đáng trân trọng so với đề thi các năm trước", thầy Minh thêm.

Thạc sĩ ngữ văn, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, cô Nguyễn Thị Huyền cũng đồng tình khi cho rằng đề năm nay khá hay, phát huy tính sáng tạo, nội lực của người viết, gợi cho học sinh nhiều hứng thú.

Trong khi đó Thầy Đỗ Đức Anh - tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 TP.HCM nhận xét đề văn nay ổn chứ "hay thì chưa hay lắm". Trong đó phần nghị luận xã hội không mới, học sinh trong lớp bình thường đã làm, do đó không quá khó đối với học sinh giỏi quốc gia.

Về phần nghị luận văn học, thầy Đức Anh cho rằng rõ ràng có ý muốn so sánh cỗ máy viết văn với con người, nghĩa là hướng tới cảm xúc. Tư tưởng, ý của đề hay nhưng cách hỏi thì hơi… "cụt", thiếu phần dẫn dắt, chưa gợi được cảm xúc trong khi đề hướng tới cảm xúc.

AFF Cup 2018 vô đề thi văn lớp 12

TTO - Đó là nội dung phần thi văn nghị luận xã hội trong đề thi ngữ văn học kỳ 1, năm học 2018-2019, của khối lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) sáng 19-12.

THẢO TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp