Thanh niên đăng ký hiến máu tại ngày hội hiến máu "Chủ nhật đỏ" - Ảnh: T. LŨY
Sao khi có 95% máu được hiến tặng tình nguyện, người bệnh được nhận máu vẫn phải trả tiền?
Chi phí cao cho sàng lọc, phát hiện bệnh
1,6%
Đó là tỉ lệ dân số tham gia hiến máu tình nguyện năm 2017, gần đạt mơ ước trong hàng chục năm qua của các bác sĩ là chỉ cần 2% dân số đi hiến máu sẽ đủ lượng máu cần dùng.
Theo ông Bạch Quốc Khánh - viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, một đơn vị máu được nhận về sẽ trải qua hai bước sàng lọc.
Bước 1 là sàng lọc phát hiện kháng thể các bệnh lây qua đường máu như viêm gan B, C, HIV... Sau bước sàng lọc kháng thể, toàn bộ các đơn vị máu âm tính sẽ trải qua bước sàng lọc thứ 2 là sàng lọc bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Ở giai đoạn này, kỹ thuật hiện có sẽ phát hiện được các virút mang đột biến và phát hiện được bệnh ở giai đoạn cửa sổ, tức là phát hiện bệnh ngay ở ngày thứ 7-10 sau khi người hiến máu bị lây nhiễm bệnh.
Hiện nay VN đã áp dụng quản lý và sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu tương tự như yêu cầu của quốc tế. Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới, việc sàng lọc hiệu quả hơn. Với công nghệ như hiện nay, chi phí người bệnh chi trả cho việc nhận máu tương đương chi phí điều chế, bảo quản, sàng lọc... để đảm bảo an toàn và đủ máu cho điều trị.
Luôn thiếu máu, đặc biệt là nhóm O
Theo ông Bạch Quốc Khánh, máu là sản phẩm đặc biệt không thể sản xuất nhân tạo, thời gian sống lại có hạn và chỉ có thể trông chờ từ người hiến tặng tình nguyện. Nhưng do lượng máu hiến tặng chưa đủ so với nhu cầu máu điều trị cho người bệnh nên các bệnh viện luôn thiếu máu, đặc biệt là giai đoạn đầu tháng 1-2018 khi lượng máu nhóm O tụt xuống chỉ còn 16% máu dự trữ (nhu cầu cần khoảng 45%).
Ông Khánh cho hay hiện đã có 1,6% dân số tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng so với nhu cầu cần máu thì phải thêm 0,4% dân số tham gia, cộng với việc có thêm nhiều người tham gia hiến máu nhắc lại. Tỉ lệ người hiến máu nhắc lại ở VN khoảng trên 40% và đa số người hiến máu là các bạn học sinh, sinh viên.
Kho máu vừa được bổ sung 35.000 đơn vị
Theo thống kê của ban tổ chức chuỗi hoạt động "Ngày chủ nhật đỏ", đã có 60 điểm thu nhận máu được tổ chức tại 31 tỉnh thành trong một tháng vừa qua, với trên 35.000 đơn vị máu được hiến tặng.
Theo ông Bạch Quốc Khánh, lượng máu vừa nhận được sẽ hỗ trợ đáng kể cho điều trị trong những ngày Tết Nguyên đán sắp tới tại nhiều tỉnh thành, dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm khan hiếm máu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên so với nhu cầu điều trị, riêng tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư vẫn thiếu khoảng 10.000 đơn vị.
"Chúng tôi luôn mong mỏi có thêm nhiều người hiến tặng máu cho người bệnh. Những ngày đầu tháng 1 này, ở thời điểm lượng máu nhóm O giảm xuống rất thấp, kho dự trữ máu gần như cạn kiệt máu nhóm O thì mỗi ngày chúng tôi đã đón khoảng 300 người hiến máu, có những người đã đi hàng chục kilômet tới viện để hiến máu. Đó là điều làm các bác sĩ và người bệnh cần máu xúc động nhất"- ông Khánh chia sẻ.
Phấn đấu đạt tiêu chuẩn GMP huyết tương
Khi nhận máu cần đảm bảo máu đã được qua xét nghiệm và các bệnh lây nhiễm khác - Ảnh: T.L.
Theo BS Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, tháng 12-2017 Bộ Y tế Áo đã tiến hành thẩm định GMP về huyết tương (một thành phần của máu) theo tiêu chuẩn của châu Âu tại Ngân hàng máu TP. Bệnh viện đang phấn đấu đạt chuẩn GMP huyết tương để tiến đến trao đổi huyết tương với nước ngoài. Huyết tương dùng điều chế một số chế phẩm như Immunoglobulin, Albumin sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh. Sau đó các chế phẩm này được đưa về VN với giá rẻ hơn.
Hiện nay do lượng huyết tương dư thừa rất lớn, không sử dụng hết nhưng chưa trao đổi được với nước ngoài do ngân hàng máu ở VN chưa đạt chuẩn GMP về huyết tương.
L.TH.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận