Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tỷ lệ hòa giải thành khoảng trên 40% nhưng chủ yếu là hòa giải thuận tình ly hôn, còn đối thoại thành chỉ 8% - Ảnh: quochoi.vn
Tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-12, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại tòa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.
Về sự cần thiết có Luật này, Chánh án TAND báo cáo hòa giải, đối thoại với rất nhiều ưu điểm, đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.
Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, "hai bên cùng thắng", hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Hòa giải thành, đối thoại thành công giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử.
Thực tế, theo ông Bình, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của các Tòa án chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Cụ thể, tỷ lệ hòa giải thành khoảng trên 40% nhưng chủ yếu là hòa giải thuận tình ly hôn còn tỷ lệ đối thoại thành chỉ đạt gần 8% trong tổng số vụ án đã giải quyết.
Đánh giá cao về vấn đề này, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết cơ chế hòa giải, đối thoại sẽ rất tốt, góp phần giảm tranh chấp. Việc không phải xử tại tòa mà tiến hành hòa giải sẽ tránh lãng phí.
Tuy nhiên trong việc đánh giá báo cáo tác động khi nêu sự cần thiết có luật này, bà Nga góp ý Tòa án tối cao phải cân nhắc đánh giá để thống nhất với các báo cáo mà Tòa án tối cao đã trình Quốc hội.
Như các báo cáo hàng năm và báo cáo năm nay, Tòa án tối cao đánh giá hòa giải trong tố tụng đạt 60% và mức này rất tốt. Nhưng trong tờ trình luật này, Tòa án tối cao lại đánh giá không hẳn hòa giải trong tố tụng là tốt, có một số vấn đề và cần có Luật hòa giải, đối thoại tại tòa.
Thêm nữa, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng khuyến nghị cơ chế hòa giải ngoài tố tụng cần phải tồn tại phải song song với hòa giải trong tố tụng, tránh tình trạng khi có hòa giải ngoài tố tụng ảnh hưởng đến hòa giải trong tố tụng. Và hòa giải này không được chồng chéo với các loại hòa giải hiện hành như hòa giải cơ sở, hòa giải về đất đai…
Thêm nữa, bà Nga cũng khuyến nghị cơ chế hòa giải ngoài tố tụng cần phải tồn tại song song với hòa giải trong tố tụng, tránh tình trạng khi có hòa giải ngoài tố tụng ảnh hưởng đến hòa giải trong tố tụng.
Và hòa giải ngoài tố tụng không được chồng chéo với các loại hòa giải hiện hành như hòa giải cơ sở, hòa giải về đất đai…
Một vấn đề nữa, bà Nga đề nghị Tòa án tối cao xem xét khi có cơ chế này thì việc tổ chức bộ máy, biên chế có chấp hành đúng tinh thần của Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hay không? Và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ủng hộ quan điểm của Tòa án tối cao là cần có cơ chế hòa giải, đối thoại nhưng phải giải đáp được các nội dung nêu trên khi đưa ra luật này.
Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết dự kiến tháng 10-2019 (kỳ họp thứ 8) Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự án Luật. Tháng 5-2020, Quốc hội thảo luận lần thứ hai và thông qua dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận