13/04/2016 09:38 GMT+7

Có lót tay xin làm nhà nước không? Hơn một nửa: có

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Khi được hỏi có phải đưa lót tay để xin vào cơ quan nhà nước, hơn 50% số người được hỏi trả lời “có”.  Hà Nội và TP.HCM thuộc nhóm điểm thấp nhất về “kiểm soát tham nhũng”.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) năm 2015, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và các đối tác công bố tại Hà Nội ngày 12-4, cho thấy Hà Nội và TP.HCM nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất về “kiểm soát tham nhũng”.

Theo kết quả PAPI 2015, trong sáu chỉ số được khảo sát, chỉ duy nhất “cung ứng dịch vụ công” có sự cải thiện, năm chỉ số còn lại đều giảm điểm. Trong đó chỉ số “công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất (giảm 7% điểm), kế đến là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (giảm 3%).

Trình bày tại buổi công bố, TS Đặng Hoàng Giang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, cho biết trong các tỉnh thành được khảo sát về tham nhũng, Hà Nội và TP.HCM nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, riêng Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất “ổn định” trong vòng năm năm qua.

PAPI được xem là công cụ phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân, đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền VN.

PAPI 2015 khảo sát ngẫu nhiên gần 14.000 người dân tại 63 tỉnh thành, tập trung vào 6 lĩnh vực chính gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Khi được hỏi có phải đưa lót tay để xin vào cơ quan nhà nước, hơn 50% số người được hỏi trả lời “có”.

Hơn 44% số người được khảo sát cho biết phải lót tay để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng mạnh so với tỉ lệ 24% trong năm 2014.

Ngoài ra, tình trạng lót tay, chung chi, bồi dưỡng ngoài quy định của Nhà nước cũng xảy ra khi người dân đi khám chữa bệnh, xin giấy phép xây dựng và cho con học ở trường công...

Cũng theo ông Giang, có vẻ như người dân chấp nhận tham nhũng nhiều hơn. Các năm trước, nhiều người được hỏi cho biết sẽ lên tiếng nếu bị đòi lót tay 3-5 triệu đồng, nhưng con số này của năm 2015 là 25 triệu đồng trở lên.

“Đây là một sự phát triển rất đáng ngại. Người dân có thái độ sống chung với... tham nhũng và mức chịu đựng của người dân tăng dần đều” - ông Giang bày tỏ.

Trong khi đó, người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương, khi chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền thật sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.

Dân lo sợ đói nghèo

Theo ông Giang, khảo sát PAPI cho thấy đói nghèo là vấn đề đáng quan ngại nhất (18% người được hỏi chọn), tiếp đến là việc làm (8,4%), giao thông (7,3%), tham nhũng (6%), an ninh, trật tự (5,8%).

Chỉ 5,1% người được hỏi cho rằng tình hình tranh chấp Biển Đông là vấn đề đáng quan ngại nhất. Gần 16% số người được hỏi cho biết họ là nạn nhân của một trong những loại hình tội phạm về an ninh, trật tự khu dân cư, tăng 2% so với năm 2014.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, tiến sĩ Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc và đại diện thường trú UNDP tại VN, cho biết trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới ở VN, PAPI năm 2015 cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong năm năm qua, đồng thời xác định tiêu chuẩn, đích đến trong thời gian tới.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp