Từ ngày bà ngoại đổ bệnh, Linh thay bà quán xuyến chuyện bếp núc và bắt đầu làm quen với việc cắt rau - Ảnh: Thanh Ba
Hiện Linh học lớp 9/2 Trường THCS Võ Như Hưng, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn). Từ nhỏ đã sống nương nhờ ông bà ngoại.
Thay con gái làm mẹ của cháu
Bất chấp cái nắng đứng bóng 12h trưa, khi được hỏi những gương học trò nghèo vượt khó, cô Trần Thị Thanh Vân - hiệu trưởng quyết định dong xe tìm đến địa chỉ nhà của Nguyễn Lê Khánh Linh.
Chính sự xuất hiện bất thình lình đã khiến chúng tôi ngạc nhiên ngay từ giây phút đầu tiên ghé thăm cô học trò nghèo "đội sổ" của trường.
Cách xưng hô giữa Linh và người mà cô Vân giới thiệu là bà ngoại của em khiến những ai lần đầu gặp cũng cảm thấy lạ. Lạ ở chỗ, một - hai Linh cứ gọi chính bà ngoại ruột của mình là mẹ và ngược lại, người bà ấy cũng thản nhiên với cách xưng hô "mẹ - con".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc, bà Lợi giải thích: "Từ lúc bập bẹ biết nói, Linh đã quen gọi tôi là mẹ. Lớn lên, dù nhận thức được mối quan hệ bà - cháu nhưng con bé vẫn không thay đổi cách xưng hô".
Theo bà Lợi, sở dĩ Linh cứ coi bà ngoại là mẹ cũng bởi từ nhỏ cháu đã không nhận được sự yêu thương của cha mẹ đẻ. Hồi cháu nó còn nằm trong bụng mẹ, cha đã bỏ đi biệt xứ.
3 năm sau, mẹ cháu cũng nối duyên với người khác và thi thoảng mới về thăm con một lần. Từ đó, Linh ở với ông bà ngoại và lớn lên trong cảnh kham khổ với bữa rau, bữa cháo qua ngày.
Linh và ngoại - Ảnh: Thanh Ba
Không học thêm, cháu vẫn sẽ học giỏi
Đó là lời hứa bằng giọng quả quyết của Linh khi bà ngoại cứ gặng hỏi vì sao mấy hôm nay cô bé không đến lớp học thêm.
Nghe Linh kể, cuối năm ngoái, bà ngoại phải bán tống bán tháo đàn heo để đưa ông ngoại nhập viện điều trị chứng phù nề khớp gối. Sang đầu năm nay, tai ương lại tiếp tục giáng xuống gia đình khi bà ngoại được bác sĩ chẩn đoán bị u não.
Và lần này, tới lượt ông ngoại chạy đôn chạy đáo vay mượn bà con chòm xóm, khẩn trương đưa bà ngoại nhập viện để tiến hành phẫu thuật.
May mắn, bà Lợi đã vượt qua cơn thập thử nhất sinh nhưng sức khỏe yếu đi trông thấy. Từ đó, các công việc như: giặt giũ, cơm nước, chợ búa…hết thảy đều đổ dồn lên đôi vai gầy của Linh.
Nghe đến đây, chúng tôi phần nào thấu hiểu ý định muốn nghỉ học ở lớp học thêm của cô bé. "Ông bà ngoại đã khổ vì em quá nhiều rồi. Em không muốn gánh nặng học phí ngoài giờ lên lớp lại tiếp tục khiến ông bà khổ sở. Em chắc chắn mình vẫn sẽ học tốt dù không cần bổ sung kiến thức ở lớp học thêm" - Linh bộc bạch.
Liền sau đó, cô hiệu trưởng nhẹ nhàng tiến lại gần phía Linh động viên, vỗ về.
Hai tay vịn chặt bờ vai của Linh, cô Vân chia sẻ: "Linh là một cô bé giàu nghị lực. Điều đó đã được khẳng định suốt 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, mặc dù gia cảnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Linh còn là lớp trưởng gương mẫu. Tôi nghĩ, với sự chung tay của cộng đồng xã hội, con đường đến trường của Linh sẽ bớt chông chênh hơn".
Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận