Tượng Đức Thánh Trần ở khu du lịch Hồ Mây, Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Phải tham khảo mới xác định đúng - sai
Ngày 15-4, Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định thành lập hội đồng nghệ thuật để thẩm định về mặt mỹ thuật tượng Đức Thánh Trần đặt tại khu du lịch Hồ Mây Park trên Núi Lớn. Hội đồng gồm 7 thành viên, trong đó có hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Ngày 18-4, các thành viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo của Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu - chủ khu du lịch Hồ Mây Park - để ghi nhận thực tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-4, một thành viên của hội đồng cho biết có hai việc phải làm là xác định tính pháp lý và tham khảo thêm các cơ quan chức năng, chuyên gia về tính mỹ thuật.
Theo vị này, sau buổi làm việc, hội đồng thẩm định chưa thể xác định tượng này là Đức Thánh Trần hay Quan Công mà... còn "lấp lửng" vì không có hình mẫu. Do đó, chưa thể xác định đúng hay sai, phạt hay không phạt mà phải tham vấn thêm ý kiến chuyên gia, cơ quan chức năng.
Trước mắt, hội đồng và khu du lịch thống nhất dùng vải đỏ che trùm bức tượng chờ kết luận cuối cùng.
Ông Đậu Thế Anh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu - cho biết bức tượng được đặt năm 2018 và là một bức tượng nằm trong hạng mục "đền thờ các anh hùng dân tộc" đã được duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Ngoài tượng Đức Thánh Trần, khu du lịch còn đặt các tượng khác như Hai Bà Trưng, Hoàng đế Quang Trung, Vua Đinh Tiên Hoàng… Ông cũng cho biết trước khi đắp, đúc tượng, công ty đã nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn tư liệu, kể cả nhà nghiên cứu lịch sử chuyên về Đức Thánh Trần.
"Nhiều du khách đã đến đây và ngắm tượng đều khẳng định đây không phải tượng Quan Công vì ông này râu dài, mặt đỏ, bụng to, người mập. Còn tượng Đức Thánh Trần râu ngắn, thân hình gọn, khuôn mặt thuần Việt", ông giãi bày.
Khuôn mặt tượng Đức Thánh Trần trên Hồ Mây Park - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Vấn đề là cơ sở chứng minh
Ông Đậu Thế Anh cho biết qua tìm hiểu chưa thể khẳng định Đức Thánh Trần chỉ cưỡi voi mà không cưỡi ngựa, chỉ dùng kiếm mà không dùng đại đao.
Một người dân nhận định rằng có lẽ vì tượng Đức Thánh Trần ở Hồ Mây có cầm cây đại đao trong khi hình ảnh Quan Công qua phim ảnh có cầm vũ khí này nên nhiều người nghĩ rằng đó là Quan Công.
Chiều 19-4, Tuổi Trẻ Online đã liên lạc được với nhà nghiên cứu lịch sử GS.TS Nguyễn Khắc Thuần. Ông cho biết mình có rất nhiều tư liệu, tài liệu cổ cũng như viết rất nhiều về Đức Thánh Trần nhưng không có tư liệu nào tả hình dáng, diện mạo của Ngài. Do đó, không thể lấy tượng Đức Thánh Trần ở đâu đó để làm chuẩn.
TS.GS Thuần cho biết trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo chủ yếu là cưỡi ngựa vì ở vùng trung du, đồi núi phía Bắc. Trong cuộc kháng chiến vệ quốc lần thứ 3 vào năm 1287-1288, Trần Hưng Đạo có cưỡi voi đi thám thính. Con voi này sau đó chết ở sông Hóa và sau này được tượng.
“Hình tượng Trần Hưng Đạo cưỡi voi đã đi vào tâm khảm, người ta nghĩ rằng ông chỉ cưỡi voi”, GS Thuần nói.
Về việc Đức Thánh Trần cầm vũ khí gì, GS Thuần cho rằng điều này hơi khó xác định. “Có người cho rằng Trần Hưng Đạo cầm đao hơi giống Quan Công. Tôi cho rằng ngày xưa võ phục, võ khí cũng gần giống nhau.
Thế thì nó có giống cũng chẳng sao. Hơn nữa ai thấy ông Quan Công ở đâu, cầm võ khí mà bảo giống”, GS Thuần giải thích và nói thêm: “Không có gì đáng buồn, cần cảm thông, không có vấn đề gì”.
Ông Đậu Thế Anh cũng khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng ghi nhận, học hỏi, cầu thị. Vấn đề là cơ sở chứng minh, khoa học lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận