06/09/2013 11:15 GMT+7

Cơ hội và cạnh tranh

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH
QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH

TT - Trong ký ức người dân Sài Gòn, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão ngày xưa rất yên tĩnh, chỉ lác đác vài hàng quán và khách sạn đếm trên đầu ngón tay. Nếu trước năm 1975, cư dân sống dọc theo đường Phạm Ngũ Lão thường nghe tiếng xình xịch của những đoàn tàu vì nơi đây vốn là ga Sài Gòn cũ (nay là công viên 23-9) thì ngày nay được thay thế bằng âm thanh rộn rã của phố chợ, sự sầm uất của một khu phố đa văn hóa, đa ngôn ngữ, góp phần tạo nên sự quyến rũ kỳ lạ với du khách phương xa.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

zDKywiRF.jpgPhóng to
Một đôi tình nhân người nước ngoài dạo phố đêm - Ảnh: Quỳnh Trung

Theo một số nguồn tư liệu, các nhóm du khách nước ngoài bắt đầu tụ họp ở khu Tây balô từ cuối thập niên 1980 và bắt đầu nở rộ từ năm 1993 khi ấn phẩm du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet giới thiệu khu phố này cho các nhóm du khách quốc tế. Đó cũng là lúc nhiều cư dân địa phương “ngửi” thấy cơ hội kinh doanh.

Diện mạo khu Tây balô thay da đổi thịt hầu như hằng ngày và sự thay đổi rõ rệt nhất có thể nhận thấy là ngày càng nhiều quán bar, khách sạn, nhà hàng mọc san sát nhau, kéo theo sự cạnh tranh vô cùng gay gắt.

“Hồi đó lợi nhuận dữ lắm”

Một đôi vợ chồng lớn tuổi (đề nghị được giấu tên), một trong những người đầu tiên kinh doanh khách sạn trong khu vực Phạm Ngũ Lão, tiết lộ rằng trong giai đoạn hoàng kim kéo dài từ 1993-2003, họ kiếm được mười mấy lượng vàng một tháng chỉ từ việc cho người nước ngoài thuê phòng trọ.

Cơ duyên kinh doanh khách sạn của đôi vợ chồng này cũng khá tình cờ. Năm 1993, khi đang làm nhân viên trong cảng Sài Gòn, hai vợ chồng quen biết một ông người Nhật làm hệ thống băng chuyền bốc dỡ hàng rời ở cảng. Nghe hai vợ chồng có nhà ở trung tâm thành phố, ông đề nghị thuê phòng cho năm nhân viên của mình ở với giá 1.000 USD/tháng. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng cộng với lời gợi ý kinh doanh du lịch từ người anh trai, hai vợ chồng đánh liều cầm cố nhà vay tiền ngân hàng để xây lại căn nhà gồm sáu phòng - năm phòng cho thuê và một phòng dành để ở. Nhưng do thời gian xây nhà kéo dài lâu, ông người Nhật không đợi được nữa và sau đó họ phải kinh doanh nhà trọ bất đắc dĩ. Cơ duyên được nối tiếp bằng sự may mắn vì chỉ sau hai ba năm, họ đã trả hết nợ cho ngân hàng.

“Đa số khách hàng của cô lúc đó là người Pháp, họ đến đây xin con nuôi VN. Sau đó họ đón xe đi du lịch miền Tây, Nha Trang. Thấy ngành kinh doanh khách sạn ăn nên làm ra nên số lượng khách sạn trong khu vực này tăng dần lên mỗi năm. Đi kèm với khách sạn là các dịch vụ giặt ủi, bán vé máy bay, tổ chức tour du lịch...” - người vợ kể.

Theo lời đôi vợ chồng nay đã về hưu, ngày xưa vào những mùa du lịch cao điểm họ cho thuê phòng với giá 30USD và vào mùa thấp điểm là 20USD trong khi giá phòng ngày nay chỉ bằng một nửa, thậm chí thấp hơn.

“Hồi mới kinh doanh lợi nhuận thu vào khủng khiếp lắm. Trích lợi nhuận từ năm 1993-1997, chú mua thêm một căn nhà gần đây để xây thêm một khách sạn 16 phòng” - người chồng nói. Ông kể tiếp rằng kể từ năm 2003 trở đi, lợi nhuận kinh doanh bắt đầu có chiều hướng giảm vì ngày càng nhiều người đến đây kinh doanh, cả Tây lẫn ta.

jIGQi1RW.jpgPhóng to
Hàng quán giá bình dân dành cho Tây balô - Ảnh: Quang Định

Cạnh tranh ngầm

Không đâu ở thành phố bức tranh kinh doanh lại đa dạng sắc màu như ở khu phố Tây. Sự cạnh tranh diễn ra trên từng centimet đường phố, không chỉ giữa Tây và ta mà còn giữa Tây và Tây. Do sự cạnh tranh này mà nhiều người xem phố Tây là khu phố giá rẻ nhất Sài thành và người hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là khách hàng.

Trong khoảng một năm trở lại đây, các quán bia hơi hoặc bia chai giá rẻ mọc lên san sát nhau trên lề đường Bùi Viện. Chỉ cần vài chiếc ghế nhựa để ngồi và một chiếc ghế khác để làm bàn đặt đồ ăn thức uống, khách đến chỉ cần trả 10.000 - 12.000 đồng cho một chai bia Sài Gòn hoặc bia Larue là đã có thể tận hưởng không khí náo nhiệt của phố Tây về đêm. Xung quanh mấy chị bán hàng rong cũng tranh thủ tạt qua mời khách mua chút đồ để nhâm nhi chung với bia.

Do vậy lượng khách tìm đến những nơi bán bia vỉa hè như thế tăng lên khá nhanh, và điều này trở thành mối đe dọa lớn cho các nhà hàng hạng sang ở phố Tây - nơi bia được chào bán với mức từ 25.000-35.000 đồng một chai tùy loại. Thậm chí còn làm nảy sinh thêm một vấn đề khác là nhiều khách Tây bắt đầu so sánh giá cả giữa bia hơi vỉa hè và bia trong nhà hàng.

“Nhiều khách du lịch không hiểu, hỏi sao giá ở nhà hàng vậy, mà giá lề đường thì lại khác. Mình phải giải thích là ở ngoài đường không trả tiền thuế hay thuê mặt bằng. Nhưng họ không hiểu, nói mình bán mắc” - chị Tiny Duyên Trần, Việt kiều Úc và là chủ nhà hàng Tiny’s House trong hẻm Phạm Ngũ Lão, kể lại những lần bị khách hàng chất vấn.

Theo lời một cô gái trẻ có thâm niên làm nhân viên nhà hàng, quán bar ở khu Tây balô hơn 10 năm, đa số sự cạnh tranh ở đây diễn ra ngầm với quy luật chung là “nước sông không phạm nước giếng”.

Ẩn sau bầu không khí tấp nập, chộn rộn của hàng quán, khách hàng vào ra không ngớt, là nỗi bức xúc của các nhà hàng lớn bị các tiệm nhỏ bán phá giá, là những cửa hàng bị đối thủ cạnh tranh hút khách bằng nhiều chiêu khác nhau.

“Có lúc chủ nhà hàng đối diện đi qua quán tôi ngồi uống nước tìm cách nói chuyện với khách hàng quen của chúng tôi. Ngày mai, tôi thấy nhóm khách ấy đi qua quán kia liền, dù nhà hàng tôi bán món Ý, còn bên kia bán món Ấn không ăn nhập gì nhau” - cô gái, nay là quản lý người Việt của một nhà hàng có chủ nước ngoài trên đường Bùi Viện, nói.

“Bên đó thấy chúng tôi giảm giá. Họ cũng liền treo bảng giảm giá”, cô tiếp tục phàn nàn. Sau đó cô báo sự việc lên ông chủ. Dù rất giận nhưng ông chủ của cô tỏ ra là một người “cao tay” để giành lại khách hàng quen.

“Ảnh xử sự rất hay. Ảnh không nói gì hết. Nhưng mỗi lần nhóm khách quen đi qua thì ảnh ra đứng tiếp chuyện suốt chứ không cho họ nói với bất cứ người nào” - cô quản lý kể.

Trong khi đó chị Tiny Duyên Trần lại có cách thu hút khách rất khác bằng cách hỗ trợ thông tin du lịch cho khách hàng trên Facebook. “Họ cần thông tin gì thì mình hướng dẫn họ. Dù làm miễn phí nhưng tôi cảm thấy vui, chỉ cần có cái tâm một chút. Họ biết nhiều, qua đây tránh bị lừa và cũng không nghĩ xấu về VN”.

Mathew Ryan, người Anh, 26 tuổi, một trong những người chủ ở quán Stellar trên đường Bùi Viện, thừa nhận sự cạnh tranh hiện nay khiến kinh doanh khó khăn hơn nhưng anh không cho rằng đó là một thách thức vì theo anh, bản chất kinh doanh là phải có cạnh tranh.

“Khu vực này đang thay đổi nhanh chóng. Có nhiều món ăn Việt hơn. Tôi có nhiều khách hàng, bạn bè thân quen ủng hộ. Trong tương lai, khách hàng mục tiêu của tôi là người Việt thích trải nghiệm ẩm thực và âm nhạc phương Tây” - anh Mathew cho biết. Chàng trai trẻ 26 tuổi có vợ là người Việt ấy còn vui mừng tiết lộ anh đã kiếm được lợi nhuận dù mới tham gia kinh doanh được khoảng ba tháng.

___________

Kỳ tới: Ông Tây bán xúc xích

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp