05/06/2014 07:53 GMT+7

Cơ hội tụ hội tâm huyết và trí tuệ để đẩy mạnh cải cách thể chế

HƯƠNG GIANG ghi
HƯƠNG GIANG ghi

TTO - Đó là nội dung phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và doanh nghiệp Việt Nam (VCCI) - trong cuộc họp báo trước khi diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 sẽ diễn ra hôm nay 5-6.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần đầu tiên sẽ đón sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

KimKMYt9.jpgPhóng to
Bà Virginia Foote và ông Vũ Tiến Lộc tại buổi họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: H.Giang

Dự kiến diễn đàn sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và nước ngoài đang gặp phải khi đầu tư, làm ăn ở đây cũng như các đề xuất, gợi ý cho cải cách trên mọi lĩnh vực: thương mại, thuế - hải quan, ngân hàng, du lịch, cơ sở hạ tầng…

Đặc biệt, VBF lần này sẽ có thêm nhóm làm việc về nông nghiệp.

Ngày 4-6, hai vị đồng chủ tịch VBF là bà Virginia Foote và ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và doanh nghiệp Việt Nam (VCCI), đã có cuộc họp báo hẹp để trao đổi về một số nội dung mà báo chí đang quan tâm.

* Tuổi Trẻ: Sau khi xảy ra các sự cố ở Bình Dương và Vũng Áng (Hà Tĩnh), các DN bị thiệt hại rất mong có một cơ quan đầu mối xử lý những việc liên quan đến phục hồi hoạt động hoặc bồi thường. Quan điểm của ông/bà về điều này thế nào?

- Ông Vũ Tiến Lộc: Khi làm việc với các địa phương, có ý kiến là cử một vài cơ quan, mỗi nơi phụ trách một việc nhưng chúng tôi luôn nhấn mạnh là kiên quyết chỉ có một đầu mối mặc dù có thể mỗi địa phương có cách tổ chức khác nhau.

Ví dụ: ở Vũng Áng có mô hình hay là lập ban chỉ đạo do 1 phó chủ tịch tỉnh phụ trách; vị phó chủ tịch này cùng đại diện các cơ quan liên quan chuyển đến ngồi tại khu công nghiệp để làm việc trực tiếp với các DN. Bình Dương, Đồng Nai cũng đang triển khai theo hướng này.

Riêng Bình Dương có hai đầu mối: nếu là trong khu công nghiệp thì (các DN bị thiệt hại) đến Ban Quản lý khu công nghiệp, còn ở ngoài thì đến UBND quận, huyện.

Theo tôi, cần có chỉ đạo thống nhất từ cấp chủ tịch hoặc phó chủ tịch, không để người ta phải chạy nhiều cửa.

Trong quá trình giải quyết sự cố vừa rồi, về phía cộng đồng DN nước ngoài, chúng tôi đã tổ chức hai cuộc gặp gỡ. Các cơ quan chính quyền địa phương đã tiếp thu kiến nghị của DN.

Điều cần làm bây giờ là ban chỉ đạo hoặc đầu mối thống nhất cần cụ thể hóa địa chỉ xử lý và thời hạn xử lý; các thông báo xử lý phải được dịch ra tiếng Trung và tiếng Anh để các DN biết cách liên hệ với phía VN, cũng như để giám sát việc xử lý của chính quyền.

- Bà V. Foote: Về biện pháp khắc phục cho các công ty bị ảnh hưởng, theo tôi, sẽ rất tốt nếu có các kế toán, luật sư… làm việc với chính quyền để đánh giá thiệt hại. Quá trình hỗ trợ cần thực hiện công khai, minh bạch để cộng đồng quốc tế hiểu rằng việc này được giải quyết minh bạch và có sự công bằng thỏa đáng cho các bên.

Vài năm qua, uy tín của VN về môi trường kinh doanh không được tốt lắm. Vậy nên đây là cơ hội để VN chứng tỏ sự chuyên nghiệp và quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của mình.

- Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ trong việc này, khả năng ứng xử của chúng ta rất quan trọng. Khi có sự cố mà trong đời sống kinh tế khó tránh khỏi, nếu xử lý tốt thì có thể chứng minh là VN không những có khả năng tạo môi trường kinh doanh tốt mà còn ứng xử nhanh, chia sẻ với các nhà đầu tư trong các sự cố không thể lường trước được.

Điều đó sẽ thêm điểm cho môi trường đầu tư - kinh doanh. Điều đó cần sự phối hợp đồng bộ, tích cực hơn nữa của các chính quyền địa phương.

Hiện nay, các DN bị thiệt hại quan tâm nhiều nhất là tiền lương cho công nhân. Làm thế nào để đảm bảo được tiền lương, thu nhập và sớm khôi phục việc làm thì cần sự phối hợp đồng bộ của các chính quyền.

Có thể có hai cách hỗ trợ: lương được trừ vào thu nhập chịu thuế; hoặc ứng trước tiền để trả lương với những trường hợp chủ DN chưa quay lại.

* Tuổi Trẻ: Ông Lộc nói rằng các hiệp hội DN nước ngoài và VN rất quan tâm đến kế hoạch cổ phần hóa 432 DN nhà nước trong hai năm 2014-2015. Vậy xin cho biết họ quan tâm đến các DN nhà nước thuộc những lĩnh vực nào nhất?

- Ông Vũ Tiến Lộc: Về cổ phần hóa, chúng tôi chưa cung cấp được hồ sơ và phương án cụ thể. Các DN mà chúng tôi tiếp xúc cho biết họ rất mong sớm có được danh sách đó. Nhưng tôi nghĩ vì cộng đồng kinh doanh rất đông đảo, mỗi nước có một lợi thế nên sẽ có điều kiện tìm được đối tác.

- Bà V. Foote: Một trong các vấn đề then chốt trong cổ phần hóa là quản trị DN. Các nhà đầu tư không chỉ quan tâm mua một vài phần trăm cổ phần mà quan trọng hơn là họ muốn xem công ty được điều hành ra sao, quá trình ra quyết định thế nào, kế hoạch tương lai của công ty là gì.

Vậy các yếu tố này mang tính quyết định đối với việc bỏ vốn vào DN nào đó; do đó, vấn đề là cổ phần hóa sẽ diễn ra như thế nào và các DN nước ngoài được chào đón ra sao.

* Thời báo Kinh Tế Sài Gòn: Xin hỏi bà Foote, bà nhận định thế nào về sự việc ở Bình Dương? Trong câu chuyện với bà, các nhà đầu tư Mỹ nói gì với bà về sự việc này?

- Bà V. Foote: Trong một vài tiếng đầu tiên, dường như đó chỉ là cuộc diễu hành bình thường. Một vài tiếng sau, mọi việc trở nên đáng báo động hơn.

Lúc đó tôi đang ở TP.HCM để đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và nhiều câu chuyện đã được thông tin đến.

Tôi nghĩ khi một cuộc diễu hành trở nên bạo lực hoặc bạo lực bổ sung vào hoạt động diễu hành thì điều đó thật đáng báo động.

Với cộng đồng FDI, người ta hay nghĩ rằng đây là DN Mỹ, DN Hàn Quốc, DN Đài Loan… Nhưng thực tế, DN nước nào đi chăng nữa thì đều cần hợp tác với nhau. Các DN VN và nước ngoài đều có hình thức hợp tác này hay khác.

Về lâu dài, chúng tôi hi vọng công đoàn VN có thể làm việc nhiều hơn với công nhân và các hiệp hội DN để hiểu rõ nhu cầu của người lao động nhằm giải quyết sớm các nhu cầu đó.

Ai cũng mong điều đó (các cuộc gây rối như vừa qua – PV) chỉ xảy ra một lần duy nhất nhưng quan trọng hơn, cần tìm hiểu vấn đề để ngăn ngừa nó không xảy ra nữa. Có nhiều tin đồn lan truyền về chuyện ai thật sự là người gây rối.

Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời. Nhưng chúng ta cần làm việc chặt chẽ hơn với công nhân, công đoàn, cơ quan quản lý… để tìm hiểu căn nguyên nhằm ngăn ngừa sự việc tương tự tái diễn trong tương lai.

- Ông Vũ Tiến Lộc: Chúng ta đã có sự hợp tác rất tốt. Trước hết là giữa cộng đồng DN và giữa các tổ chức DN và cơ quan chính quyền. Chúng tôi đề nghị ở mỗi địa phương cần thành lập hiệp hội DN riêng. Đồng Nai và nhiều nơi có rồi nhưng Bình Dương chưa. Hiệp hội đó sẽ kết nối các DN bất kể quốc tịch nào để cùng chia sẻ, gắn bó khi xảy ra sự cố.

Về hợp tác chính quyền - DN: Đồng Nai là ví dụ điển hình. Chi hội trưởng Chi hội DN Đài Loan đã phối hợp tốt với chính quyền Đồng Nai để giải quyết kịp thời. Chúng tôi rất xúc động khi chính quyền tỉnh có cuộc gặp với cộng đồng kinh doanh sau sự cố.

Hôm đó ai cũng bất ngờ khi các doanh nhân Đài Loan đứng dậy hô khẩu hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Ban đầu không ai hiểu họ hô gì; té ra khẩu hiệu đó là: Chúng tôi ủng hộ chính quyền Đồng Nai. Chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại.

* Thời báo Kinh Tế Sài Gòn: Hiện cả xã hội quan tâm câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981. Ông Lộc có lo ngại gì về việc cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bị chậm trễ vì mọi quan tâm đang dồn sang nơi khác?

- Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ ngược lại. Chính yêu cầu phải giảm lệ thuộc và phát triển mạnh về kinh tế sẽ tạo sự đồng thuận cao trong dân tộc, trong cộng đồng kinh doanh về việc đẩy mạnh cải cách thể chế để xây dựng môi trường kinh doanh - đầu tư tốt hơn. Tức là sức ép tạo đồng thuận cao hơn, đồng thuận tạo sức ép cải cách.

Theo tôi, đây là cơ hội tụ hội tâm huyết và trí tuệ để đẩy mạnh cải cách thể chế.

* Báo Đầu Tư: Một số ý kiến cho rằng việc tham gia TPP, Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU sẽ giúp kinh tế VN giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc? Làm sao giảm khi Trung Quốc là công xưởng thế giới và cả thế giới nhập khẩu từ Trung Quốc? Hai là VN đã tham gia WTO, tức là có cam kết mở cửa thị trường và giảm thuế quan cho cả những nước thành viên TPP và FTA với EU, vậy hai hiệp định này sẽ có gì khác để giúp VN?

- Bà V. Foote: Vẻ đẹp của FTA là thế này: WTO đặt mọi người ở mức độ ngang nhau, còn FTA là ở mức độ đặc biệt với các đối tác FTA của bạn.

Ở VN chúng ta vẫn hằng tuần, hằng tháng ra quyết định ký hợp đồng với ai, trao cho công ty nào khai thác mỏ khí kia, tương tự trong ngành khai khoáng, mua bán điện… Các bạn vẫn tự do ra quyết định chính trị và thương mại.

Đó là lý do tại sao tôi nghĩ thế giới không phải cứ đưa ra những gì mà VN không có lựa chọn và ngược lại VN sẽ không thể đưa ra những thứ mà thế giới không chọn. Nhiều công ty Mỹ đến VN, nhìn quanh rồi chẳng thấy gì nên đã đi về nhà.

Ví dụ VN xây dựng nhiều dự án hạ tầng, các quốc gia khác cũng vậy. Các quốc gia có thể cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư và VN hoàn toàn có quyền trao hợp đồng phát triển cơ sở hạ tầng cho bất cứ nhà đầu tư nào chứ không nhất thiết phải trao cho tôi.

Nhưng ông Lộc đã nói đúng, nhiều sản phẩm của VN xuất khẩu rất tốt như thủy sản, nông sản. Nhưng chúng vẫn còn ở mức giá thấp. Nếu bán cho Nhật Bản, các bạn sẽ được giá khá tốt; còn nếu bán cho thị trường toàn cầu thì giá sẽ ở mức thấp hơn.

Đó cũng là điều cần lưu tâm. Điều thú vị về các FTA này là VN thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế: VN đang thương lượng TPP! Thái Lan, Indonesia, Philippines… thì không! Nhưng nếu chúng ta chỉ đàm phán chứ không thật sự muốn thu hút đầu tư, các đối tác nước ngoài đến đây làm ăn thì họ đến rồi lại về mà thôi.

HƯƠNG GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp