“Nhiều bệnh nhân ung thư khi vào viện đã ở giai đoạn muộn, cơ hội cứu chữa thấp do trước đó tin theo lời mách của người khác sử dụng các phương pháp phản khoa học, phi thực tế” - GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, chia sẻ như vậy tại hội thảo “Hiểu đúng về ung thư” tổ chức ở Hà Nội ngày 20-8.
Ông Đức nêu quan điểm ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng lại sợ phẫu thuật vì cho rằng việc đụng dao kéo khiến bệnh trầm trọng hơn, do đó tìm đến các bài thuốc dân gian, sử dụng lá, mật động vật để chữa ung thư làm mất đi cơ hội điều trị “vàng”, giảm cơ hội sống.
Theo ông Đức, phần lớn bệnh nhân ung thư đến viện đã ở trong tình trạng muộn do chủ quan hoặc hiểu sai về ung thư, cho rằng ung thư là bệnh không thể chữa, có chữa cũng rất tốn kém nên không điều trị.
Có người biết mình ở nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhưng vẫn không thăm khám, tầm soát để phát hiện bệnh sớm, chỉ khi nào cơ thể có vấn đề thật sự mới đến viện nhưng đã ở vào giai đoạn muộn, cơ hội sống sót thấp. Trong khi đó cơ hội khỏi bệnh lên đến 80% nếu được phát hiện sớm.
Ông Đức cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư, có thể do yếu tố nội sinh, gen lỗi, gen đột biến dẫn đến tế bào trong cơ thể bị rối loạn phát triển sinh ra ung thư.
Các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân sâu xa là do môi trường sống ô nhiễm, hóa chất độc hại xâm nhập qua các con đường khác nhau như ăn uống, qua da, qua đường không khí... Những hóa chất này tích tụ nhiều năm làm rối loạn gen, rối loạn tế bào... từ đó gây ung thư.
Theo bác sĩ Vũ Hồng Thăng - phó trưởng khoa nội 4 Bệnh viện K T.Ư, những yếu tố từ bên ngoài có thể hạn chế được như không hút thuốc, không uống rượu bia, hạn chế việc chiếu xạ không cần thiết...
Nhưng quan trọng là khi có các vấn đề bất thường như tổn thương bất thường ngoài da, ho kéo dài, tiểu ra máu, nổi hạch, có di truyền về ung thư vú, sụt cân bất thường... cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám, sàng lọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận